Formula 1 –Con đường trở thành một tay đua

Phần này nói về chặng đường mà một người cần phải trải qua để có thể trở thành một tay đua.

Thường nhiều người sẽ đặt câu hỏi, làm thế nào để trở thành một tay đua Formula 1? Điều này dễ hiểu bởi với tất cả các tay đua mục tiêu cao nhất luôn là F1, dù trên thực tế có rất nhiều thể thức đua khác nhau để các tay đua có thể lựa chọn. Nhưng để trở thành một tay đua F1, việc đầu tiên bạn phải trở thành một tay đua đã. Nó giống như muốn đứng bục thì đầu tiên phải về đích đã.
Cá nhân tôi gặp nhiều trường hợp các bạn ở độ tuổi 20 inbox hỏi liệu có thể bắt đầu theo học đua xe được không? Câu trả lời luôn luôn là: không bao giờ là quá muộn để học một cái gì đó. Nhưng học là một chuyện và đích đến thế nào lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Ở đây chúng ta nói về việc trở thành một tay đua chuyên nghiệp trong tương lai, do vậy việc học cần được bắt đầu từ rất sớm do chặng đường rất dài và công phu.

Ở các nước phát triển với bề dày lịch sử và sự phát triển mạnh của thể thao tốc độ, các tay đua bắt đầu sự nghiệp từ rất sớm, thường ở độ tuổi 8 – 9 tuổi và họ đều bắt đầu với môn gokart. Tại sao lại là gokart, đơn giản bởi nó là định dạng xe gần nhất với với các loại hình đua xe “formula” mà một tay đua hướng tới sau này. Nói gokart là định dạng gần nhất bởi nó không có hệ thống treo do vậy nó cho cảm giác cứng và xóc giống hệt như trên các dòng xe “formula”. Nó không có trợ lực lái nên cảm giác phản hồi từ mặt đường lên chiếc xe được truyền về tay đua thật nhất, tương tự như các dòng xe “formula” (đương nhiên ở các dạng formula cao nhất như F1 hay F2 có trợ lực lái nhưng hệ thống trợ lực đó khác hẳn với các hệ thống thường thấy trên xe thương mại và sẽ được nói tới ở các phần kế tiếp).

Karting chia làm nhiều hạng tùy thuộc vào lứa tuổi, việc chia tuổi giúp các tay đua phát triển kỹ năng của mình cùng lúc với việc tăng dần độ khó. Lứa nhỏ nhất được gọi là Cadet có lứa tuổi từ 8 đến 13 tuổi. Lứa Junior từ 12 đến 16 và Senior từ 16 trở lên.

Karting giúp các tay đua học các kỹ năng cơ bản về điều khiển xe từ độ tuổi rất nhỏ. Ở lứa tuổi này các tay đua cảm nhận, hiểu và tìm cách hạn chế và cao hơn là lợi dụng hiện tượng understeer và oversteer khi điều khiển chiếc xe. Một kỹ năng nữa mà tay đua sẽ cần và phải nắm được từ nhỏ đó là cảm nhận được độ bám của lốp với mặt đường hay thường được nhắc đến với thuật ngữ “feel the grip”. Các tay đua sẽ được dạy để cảm nhận và điều khiển chiếc xe tới giới hạn của độ bám mà lốp xe đem lại trong mọi điều kiện. Tuổi nhỏ với chiếc xe nhỏ vận tốc thấp (cadet vận tốc lến tới 100kph) rồi nâng lên hạng cao hơn với chiếc xe lớn hơn, động cơ mạnh hơn và vận tốc vào cua lớn hơn (junior và senior vận tốc có thể lên tới 140kph).

Tuy nhiên các tay đua không thể phát triển chỉ với gokart, họ sẽ phải chuyển sang đua xe hơi ở lứa tuổi nào đó. Để tiến tới F1 thì con đường chuẩn nhất là chuyển lên Formula 4 (F4) ở lứa tuổi 15 – 16. Tương tự như karting, F4 cung cấp môi trường để các tay đua phát triển trên con đường đua xe định dạng “formula”. F4 sẽ là một thế giới khác hẳn với karting nhưng là bước chuyển mà tất cả các tay đua từ gokart đều có thể chuyển loại. Đương nhiên, tiền là một yếu tố quan trọng.

F4 hiện không có giải ở tầm thế giới mà giới hạn ở tầm giải quốc gia. Các tay đua ở lứa Junior sẽ chuyển lên thi đấu ở các giải quốc gia và không bị giới hạn ở quốc gia của mình. Đó là cơ hội để các tay đua được mở rộng cơ hội cọ sát từ đó tìm kiếm cơ hội phát triển cũng như cơ hội chuyển lên hạng trên (Formula 3 hay còn gọi là F3) khi thời cơ thích hợp.

Tương tự như F4, F3 không có giải vô địch thế giới nhưng F3 lại có giải ở tầm châu lục, khác với F4 chỉ ở tầm quốc gia. F3 được coi là bước tiền đầu tiên và quan trọng đưa tay đua đến với F1. Một tay đua thành công ở các giải F3 danh tiếng sẽ được để ý bởi các đội đua F1. Họ sẽ đưa các tay đua F3 tiềm năng vào các chương trình đào tạo tay đua trẻ của mình, gửi họ đến các đội Formula 2 (F2) để họ tích lũy kinh nghiệm trong qua trình tiến lên F1.

Tuy nhiên, không phải tay đua nào cũng đủ khả năng cả về kỹ thuật lẫn tài chính để có thể theo định dạng “formula”. Nhưng không phải vì thế mà con đường phát triển sự nghiệp của họ sẽ chấm dứt. Sẽ có những ngã rẽ khác để phát triển. Họ có thể chuyển sang định dạng “touring” với các dòng xe thương mại được cải tạo phục vụ cho việc đua xe.

Touring là định dạng khác với “formula” ở chỗ chiếc xe không phụ thuộc vào lực ép xuống của cánh gió (Downforce – DF) trên xe do vậy các xe có thể đeo bám nhau sát hơn ở các khúc cua và điều này tạo nên các cuộc đua gay cấn có tính thể thao và giải trí cao.

Cao hơn Touring sẽ là Sport Car Racing, đây là định dạng giành cho các dòng xe thể thao thương mại được cải tạo phục vụ mục đích đua xe. Định dạng này còn được biết đến với cái tên Grand Tourers hay GT và chia làm nhiều hạng khác nhau từ GT1 đến GT3.

Định dạng khác và hết sức nổi tiếng được giới hâm mộ theo dõi rất đông là Rally. Giải đua danh giá nhất của Rally chính là World Rally Championship (WRC). Không ít tay đua F1 giải nghệ quay sang đua rally hoặc tham gia đua rally khi giải đua F1 tạm nghỉ.

Cơ hội cho một tay đua Việt Nam đến với F1 có tồn tại hay không?

Câu trả lời là có, nhưng con đường sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với các tay đua xuất thân từ châu Âu. Vì sao?

Thứ nhất, Việt Nam chưa có motorsport nên karting là thứ hết sức mới mẻ tại môi trường này. Khi cộng đồng chưa có thì sân chơi, luyện tập cũng không có, phương tiện luyện tập trở thành thứ xa xỉ và nếu muốn, bạn sẽ phải nhập nguyên chiếc xe về mà chưa chắc đã thông quan được.

Thứ hai là định kiến của xã hội về môn thể thao tốc độ. Với đa số, đua xe là cái gì đó phi pháp, phá làng phá xóm. Bởi vậy rất ít phụ huynh sẵn lòng cho con mình thử sức với môn thể thao mới này.

Thứ ba, chúng ta chưa có hành lang pháp lý cho việc phát triển môn thể thao tốc độ. Chính vì lý do này mà việc thành lập các CLB đua xe ở bất kỳ định dạng nào đều rất khó khăn. Khác với loại hình đua xe máy vốn phát triển khá mạnh trong khu vực phía Nam. Làm sao chúng ta phát triển được thể thao tốc độ khi luật cấm người dưới 18 tuổi tham gia các giải đua xe. Với luật như vậy thì sẽ không có cửa cho bất kỳ ai muốn luyện tập từ nhỏ như các nước khác để trở thành tay đua chuyên nghiệp.

Thứ tư, thể thao tốc độ là môn thể thao tốn kém. Với nhận thức xã hội về môn thể thao này còn chưa đúng mực nên sự quan tâm của các hãng lớn chưa có, khiến cho việc tìm kiếm tài trợ của các tay đua hết sức khó khăn. Không có tiền thì ước mơ thành tay đua ở Việt Nam mãi chỉ là mơ ước mà thôi.

Khó nhưng không có nghĩa là không làm được nếu chúng ta có đam mê, có quyết tâm xây dựng thể thao tốc độ cho Việt Nam. Một quốc gia sẽ đăng cai giải đua F1 danh giá nhất hành tinh lại không có môn thể thao tốc độ của riêng mình thì khó có thể chấp nhận được. Hãy nhìn sang Thái Lan để thấy họ đã ganh tỵ như thế nào khi chúng ta giành được quyền đăng cai F1. Thái Lan có bề dày lịch sử về thể thao tốc độ. Họ có hai tay đua đã và đang tham gia giải đua F1. Người đầu tiên là Hoàng tử Bira và người thứ hai là tay đua mang nửa dòng máu Thái Lan: Alex Albon.

Việt Nam chỉ có duy nhất trường đua Đại Nam cung cấp những điều kiện cơ bản cho việc trải nghiệm và luyện tập gokart ở mức chấp nhận được. Một tay đua trẻ người Việt bắt đầu luyện tập gokart khi chuẩn bị lên 10 tuổi, lứa tuổi được coi là khá muộn với môn này. Không có điều kiện cọ xát trong nước, việc ra nước ngoài luyện tập và thi đấu là không thể tránh khỏi. Và hiện nay, sau gần 2 năm luyện tập, Việt Nam chỉ có duy nhất con trai tôi là Doug Phạm đang thi đấu tại giải vô địch gokart Thái Lan và Rok Cup Thái Lan dưới giấy phép của Liên đoàn Thể thao tốc độ Thái Lan cấp.

Cá nhân tôi không đặt mục tiêu phải đưa con mình trở thành tay đua F1 vì rất nhiều yếu tố chi phối việc hoàn thành mục tiêu này. Chúng ta cũng cần xác định rằng không phải đứa trẻ nào luyện tập thể thao tốc độ cũng sẽ trở thành tay đua tên tuổi nhưng chắc chắn cái được mà môn thể thao này mang lại là giúp đứa trẻ trưởng thành từ rất sớm. Nói cách khác, nó giúp đứa trẻ sớm trở thành người đàn ông thực thụ. Vì sao người viết có thể quả quyết như vậy, bởi từ kinh nghiệm bản thân đưa học trò của mình đi luyện tập và thi đấu, chứng kiến những gì các cháu đã trải qua tôi tin các cháu sẽ trưởng thành khi ở lứa tuổi 11-12 các cháu đã tự thân đi nước ngoài, tự chăm lo bản thân mình khi du đấu, tiếp xúc với môi trường khác, xã hội khác, nền văn hóa khác từ rất sớm… Và trên tất cả, các cháu sẽ tự ra quyết định và tự chịu trách nhiệm với các quyết định của mình.

Với việc đăng cai giải đua F1, với việc thành lập ASN, hy vọng Việt Nam sẽ sớm có được những bước đi đầu tiên cho môn thể thao mới lạ này. Một môi trường lành mạnh hỗ trợ cho các cháu phát triển là hết sức cần thiết và tại sao lại tập chung phát triển các cháu ở lứa tuổi nhỏ… đơn giản bởi các cháu chính là tương lai!

Lân Phạm

Bình luận