30 triệu tài xế đang gặp nguy hiểm do xe sử dụng túi khí Takata

Có vẻ những bê bối của Takata trong quá khứ vẫn chưa chấm dứt cho đến thời điểm hiện tại.

Cục an toàn giao thông đường bộ quốc gia (NHTSA) mới đây đã phát đi thông báo rằng họ đang mở ra một cuộc điều tra mới về “vụ triệu hồi lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử” liên quan đến túi khí của hãng Takata. Vụ bê bối này bắt đầu từ năm 2013 và kéo dài dai dẳng khiến Takata thiệt hại 1 tỷ USD, bán mình cho đối thủ và phải tuyên bố phá sản tại thị trường Mỹ cũng như quê nhà Nhật Bản vào năm 2015.

Cuộc điều tra mới này của NHTSA sẽ liên quan đến hơn 20 nhà sản xuất bao gồm Honda, Ford, Toyota, GM, Subaru, Nissan, Tesla, Ferrari, BMW, Chrysler, Porsche và Jaguar Land Rover,… và 30 triệu xe được sản xuất từ ​​năm 2001 đến năm 2019. Trở lại năm 2018, có thông tin tiết lộ rằng vụ thu hồi túi khí đã khiến Ford thiệt hại tổng cộng 300 triệu USD, trong khi Volkswagen phải bồi thường 42 triệu USD.

Lần này, cả những mẫu xe đã được thu hồi sửa chữa bộ phận bơm hơi và cả những mẫu xe sản xuất sau đợt triệu hồi ban đầu đều rơi vào tầm ngắm điều tra. Tuy NHTSA chưa tiết lộ những mẫu xe cụ thể, nhưng công bằng mà nói, những mẫu xe “thượng vàng hạ cám” từ Honda Civic đến Ferrari 488 GTB đều có thể gặp rủi ro.

Nếu như bạn quên, thì trong đợt triệu hồi đầu tiên của Takata, các hãng đã thu hồi đến hơn 100 triệu xe trên toàn cầu và 67 triệu xe ở Mỹ. Tổng cộng có 28 người tử vong (trong đó có 19 trường hợp tại Mỹ) và hơn 400 người bị thương do những túi khí bị lỗi này.

Lãnh đạo của Takata cúi đầu xin lỗi trong buổi họp báo vào tháng 6/2016.

30 triệu chiếc xe trong tầm ngắm điều tra lần này, trớ trêu thay, vẫn vẫn gặp lỗi tương tự như những chiếc xe bị triệu hòi trước kia. Theo đó, với những xe bị dính lỗi túi khí, khi xảy ra tai nạn, hệ thống túi khí được kích hoạt, khí trơ được giải phóng có thể tạo nên áp lực bên trong cụm bơm khí quá lớn dẫn đến khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ, khiến cho các mảnh kim loại của bơm khí có thể bắn văng ra xuyên qua túi khí, gây nguy hiểm cho người lái.

Stephanie Erdman – nạn nhân của túi khí Takata trang bị trên chiếc Honda Civic 2002 – làm chứng trước Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 20.11.2014.

Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề được xác định là do túi khí sử dụng nhiên liệu dựa trên amoni nitrat mà không có chất làm khô hóa học, theo thời gian sẽ bị giảm chất lượng do nhiệt độ và hơi ẩm xâm nhập, dẫn đến tình trạng trên. Cho đến nay, hãng vẫn chưa khắc phục và lỗi này lại tiếp tục “ám ảnh” người dùng.

Hiện NHTSA chưa đưa ra thêm lời bình nào về động thái lần này của họ, hy vọng cuộc điều tra này chỉ là một biện pháp phòng ngừa và sẽ không dẫn đến một đợt thu hồi khủng khiếp khác.

Bình luận