Cách cố định cuộn thép trên xe container tại Mỹ

Cuộn thép nặng khoảng 13-14 tấn được chằng buộc cẩn thận, phủ một tấm bạt kín và lại tiếp tục chằng buộc.

Cuộn thép nặng khoảng 13-14 tấn được chằng buộc cẩn thận, phủ một tấm bạt kín và lại tiếp tục chằng buộc.

Thép cuộn là một trong những mặt hàng vận chuyển nhiều rủi ro nhất với xe chuyên dụng. Bởi lẽ, khối thép tròn đặt trên rơ-moóc có thể lăn khỏi sàn bất cứ lúc nào nếu có lực bất ngờ tác động. Có nhiều cách để chằng buộc một cuộn thép, nhưng về cơ bản đều tuân thủ nguyên tắc dựng đứng cuộn thép, vì tư thế này thích hợp nhất để đưa cuộn thép lên rơ-moóc cũng như hạ xuống khi tháo dỡ. Video trên đây là cách chằng buộc cuộn thép của một đơn vị vận chuyển tại Mỹ.

Cuộn thép trong video được xoay ngang rơ-moóc, trong khi thường đặt dọc. Chèn hai bên là hai thanh gỗ và có các miếng kim loại gắn cố định với sàn xe để gia cố độ chắc chắn. Lót dưới cuộn thép còn có hai miếng vải dày.

Sau đó, tài xế dùng các dây xích lớn vòng qua lòng cuộn thép và cột chặt vào thùng xe. Một miếng bạt đen trùm lên trên trước khi có thêm những dải dây to bản vắt qua đỉnh tăng độ chắc chắn. Cuối cùng là một tấm bạt lớn có thể phủ cả thùng xe, trùm kín cuộn thép và được chằng buộc gọn gàng.

Cuộn thép đặt dọc cũng sẽ có cách chằng tương tự.

Tại Việt Nam, các cuộc thép thường được đặt dọc theo sàn xe và cũng có cách làm tương tự là đặt hai thanh gỗ chặn hai bên rồi dùng dây xích cố định. Tuy vậy, số lượng dây xích và cách kết nối vào thân rơ-moóc thường sơ sài hơn.

Về luật cũng có sự khác biệt. Hiện ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc cố định cuộn thép. Hiện quy định chung trong xếp hàng hoá trên ôtô là phải đúng trọng tải thiết kế của xe; giới hạn cầu, hầm, đường... Các loại hàng xếp trên ôtô không được lệch một phía và phải chằng buộc chắc chắn, đảm bảo không xê dịch trong quá trình vận chuyển. Trường hợp xe chở hàng rời nhưng không có thùng kín, chủ xe cần che chắn để không rơi vãi khi chạy trên đường... Tuy nhiên, với từng loại hàng hiện việc chằng buộc chưa có quy chuẩn cụ thể.

Trong khi đó tại Mỹ, tuỳ từng bang sẽ có cách quy định riêng cho cuộn thép. Ví dụ, theo Cornel Law School, dây xích cố định cuộn thép phải chịu được 3 lực G tạo ra cho cuộn thép khi xe giảm tốc hoặc tăng tốc. Lực G là một ảo lực dạng quán tính để giải thích gia tốc tương đối của một vật khi đổi hướng hoặc thay đổi tốc độ so với khi rơi tự do. Ví dụ khi xe phanh, lực G tạo ra sẽ đẩy cuộn thép lăn về phía trước.

Bên cạnh đó, luật ở nơi đây còn quy định phải có bao nhiêu dây xích cố định sang bên trái, sang bên phải, vòng qua lõi cuộn thép... và có thảm ma sát lót phía dưới như trong video ở trên. Một số bang, ví như Alabama còn quy định phải có chứng chỉ vận chuyển cuộn thép. Nếu không có, tài xế sẽ bị phạt tới cả nghìn USD và có thể bị giam.

Về kỹ thuật, dù ở đâu trên thế giới, được cố định bằng cách nào thì vẫn có thể xảy ra rủi ro, và thực tế đã có nhiều tai nạn rơi cuộn thép. Tuy các sợi xích to lớn và được chèn gỗ cả hai bên để tránh xê dịch, trọng lượng lớn hơn chục tấn khiến lực quán tính của khối kim loại vẫn rất lớn. Kết hợp tư thế dựng thẳng, nên nếu có các tình huống bất ngờ như phanh gấp, cuộn thép có thể lăn khỏi vị trí, giật đứt xích, gây tai nạn.

Vì vậy, những xe chở cuộn thép thường di chuyển với tốc độ vừa phải và đều đặn, không tăng tốc bất ngờ hay phanh gấp. Bất cứ một sự thay đổi quá gấp nào về tốc độ đều có thể tăng rủi ro lên cuộn thép. Với những người đi đường, nên tạo khoảng cách an toàn với những cỗ máy chở hàng cồng kềnh siêu trường, siêu trọng.

 

Bình luận