Cơ hội nào cho Suzuki Jimny về thị trường Việt Nam?

Đã xuất hiện không ít những đồn đoán, thậm chí là mong ước rằng Suzuki Jimny sẽ được giới thiệu tới thị trường trong nước. Nhưng cá tính không phải là thứ dành cho số đông.

Cuối tháng 6 vừa qua Suzuki đã chính thức trình làng chiếc SUV cỡ nhỏ Jimny tới thị trường quốc tế với hai biến thể Jimny và Jimny Sierra cao cấp hơn. Gần như ngay lập tức, sự xuất hiện của Suzuki Jimny đã gây nên một “cơn sốt” từ những người mê xe trên toàn thế giới. Những ai đã quen thuộc với Jimny qua 3 thế hệ trước đều đã biết đến khả năng offroad đáng nể của một chiếc xe có trục cơ sở ngắn, góc tới/thoát tốt, hệ dẫn động bốn bánh mạnh mẽ và động cơ công suất nhỏ nhưng vừa đủ và bền bỉ. Trong khi đó, cũng có không ít người mới chỉ biết đến Jimny qua phiên bản 2018 lần này do mỗi thế hệ xe đều có tuổi đời khá cao (10 năm đối với thế hệ trước) – để rồi bị “đánh gục” bởi ngoại hình vừa thô ráp nhưng cũng hết sức đáng yêu của chiếc SUV “bé hạt tiêu” này.

Ngay cả ở Việt Nam, sau khi những hình ảnh về Jimny được đăng tải cũng đã xuất hiện không ít những đồn đoán, thậm chí là mong ước rằng Suzuki Việt Nam sẽ giới thiệu chiếc xe này đến với thị trường trong nước. Câu hỏi được đặt ra là có bao nhiêu phần trăm xảy ra khả năng đó?

Tại sao Suzuki không nên đưa Jimny về Việt Nam?

Xét về yếu tố thị hiếu, Việt Nam chưa bao giờ là thị trường hấp dẫn dành cho những mẫu xe cá tính như Suzuki Jimny. Một chiếc SUV 4 chỗ ngồi nhưng chỉ có 3 cửa, khoang chứa hành lý tương đối chật hẹp nếu chở đủ 4, trang bị động cơ cỡ nhỏ 1.5L cho tốc độ tối đa 140 km/h sẽ khá kén khách hàng trong bối cảnh đa số người tiêu dùng trong phân khúc phổ thông đều mong muốn một chiếc xe thực sự đa dụng, có thể phục vụ gia đình và di chuyển tốt cả trong thành thị lẫn cao tốc. Nếu phải đưa một mẫu xe mới về Việt Nam trong năm nay, Ertiga facelift hoặc Swift thế hệ mới chắc chắn là lựa chọn an toàn hơn cho Suzuki.

Lẽ dĩ nhiên, sẽ vẫn có những vị khách đủ cá tính và đam mê hoặc đã có một chiếc xe khác để chấp nhận sở hữu Jimny, tuy nhiên có lẽ số lượng những khách hàng như vậy tại Việt Nam là chưa đủ lớn để Suzuki tạo được thị trường cho chiếc SUV này.

Ngoài bản thân một chiếc xe tốt thì giá bán cũng là yếu tố quan trọng còn lại để thuyết phục người tiêu dùng chấp nhận những điểm chưa phù hợp và thêm yêu những điểm mạnh của chiếc xe. Nếu được đưa về Việt Nam, trường hợp dễ xảy ra nhất là Suzuki sẽ nhập khẩu Jimny từ Ấn Độ. Tại thị trường này, chiếc xe được kỳ vọng sẽ có giá khởi điểm khoảng từ 250 – 300 triệu, đồng nghĩa với giá bán tại Việt Nam sau khi cộng thêm các loại thuế quan sẽ rơi vào khoảng 400 – 500 triệu đồng. Đây là một con số không nhỏ với một chiếc SUV tí hon như Jimny, kể cả khi đây là một chiếc xe “có võ”. Ở tầm giá đó, một chiếc Escape đời 2010 có lẽ là lựa chọn dễ dàng hơn. Tình cảm mà thị trường dành cho Suzuki Jimny là khá lớn, nhưng để chuyển hóa thành doanh số là điều không đơn giản bởi quyết định đó còn cần đến lý trí.

CẬP NHẬT (03/08/2018): Suzuki Indonesia xác nhận sẽ lắp Jimny tại quốc gia này, đồng nghĩa với việc giá bán của Jimny tại Việt Nam (nếu được bán) sẽ rẻ hơn nhiều so với Ấn Độ hay Nhật Bản do là xe nhập trong ASEAN. Được biết phiên bản Jimny được lắp tại Indonesia là bản Sierra (như trong hình) có động cơ 1.5L và thông số vệt bánh xe rộng hơn phiên bản Jimny thường.

Trong khi đó, hy vọng còn lại là Suzuki lắp ráp Jimny để giảm giá thành có lẽ khó có cơ hội trở thành hiện thực. Hiện tại, Suzuki Việt Nam chỉ lắp ráp duy nhất những chiếc xe tải van hạng nhẹ Carry. Toàn bộ các dòng xe du lịch như Celerio, Ciaz và Vitara đều được nhập khẩu. Việc đầu tư chuyển đổi hoặc xây dựng thêm một dây chuyền lắp ráp dành riêng cho một chiếc xe được coi là kén khách ở Việt Nam chắc chắn là viễn cảnh khó xảy ra.

Tại sao Suzuki nên đưa Jimny về Việt Nam?

Trong tháng 6 vừa qua, 3 trong số 5 chiếc xe bán chậm nhất Việt Nam thuộc về Suzuki. Trong vòng 2 năm trở lại đây sau màn ra mắt của Vitara thế hệ mới, sự hiện diện của Suzuki trong tâm thức người tiêu dùng Việt Nam là khá mờ nhạt. Chúng ta đáng nhẽ đã dần thấy xe tải Carry của Suzuki xuất hiện còn nhiều hơn cả xe du lịch của họ nếu không nhờ tới thành công trước kia của Swift – mẫu xe đã ngừng bán tại Việt Nam.

Một luồng gió tươi mát như Jimny sẽ không chỉ làm mới hình ảnh cho Suzuki, khiến người ta nhắc nhiều hơn đến thương hiệu này như khi tin tức về Jimny tại nước ngoài xuất hiện trên các mặt báo Việt, mà còn làm mới cho cả thị trường xe Việt khi khai sinh ra một phân khúc SUV mới nằm dưới cả các mẫu SUV hạng B như Ford EcoSport, Honda HR-V hay Hyundai Kona nhưng lại có hệ dẫn động bốn bánh tiêu chuẩn. Thị trường dành cho Jimny khá hẹp nhưng không phải là không có và lại hết sức đặc biệt: có thể đáp ứng cả những cá nhân trẻ hoặc rất trẻ, gia đình nhỏ hay những khách hàng đã có một hay nhiều chiếc xe khác cần có thêm “đồ chơi”.

Mặt khác, khi thương hiệu của Suzuki vẫn chưa lên đến mức “thần thánh” thì câu chuyện kinh doanh vẫn luôn quay lại vấn đề giá bán. Như đã nói ở trên, với giả thuyết mức giá khoảng 400 – 500 triệu đồng chưa kể phí trước bạ, tệp khách hàng của Jimny sẽ rất nhỏ. Đơn cử đem ra so sánh với EcoSport 1.5L Ambiente có giá khởi điểm 549 triệu đồng – khoảng cách tạm tính 100 triệu với Suzuki Jimny chắc chắn sẽ khiến người mua phải cân nhắc khi số cửa của EcoSport là gấp đôi so với Jimny, đồng nghĩa tính thực dụng cao hơn nhiều. Trong khi đó, với nhu cầu của hầu hết người đi xe ở Việt Nam, hệ dẫn động bốn bánh – ưu điểm của Suzuki Jimny – chưa phải là một trang bị cấp thiết. Cá tính chưa bao giờ là thứ dành cho số đông.

Bình luận