Từ năm 2027, ô tô tại Mỹ sẽ phải có công nghệ phát hiện tài xế say rượu

Một điều khoản trong dự luật cơ sở hạ tầng của Mỹ yêu cầu các phương tiện chở khách được sản xuất sau năm 2027 phải có công nghệ phát hiện tài xế say rượu.

Theo thống kê, việc lái xe trong tình trạng mất tập trung đã cướp đi sinh mạng hơn 3.000 người ở Mỹ vào năm 2019. Thêm vào đó, mỗi năm ước tính có khoảng 10.000 người Mỹ qua đời vì vấn nạn lái xe lúc say rượu. Từ năm 2008, Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) đã phối hợp với Liên minh Ô tô An toàn giao thông (ACTS) phát triển chương trình phát hiện người lái xe say rượu (chương trình mang tên DADSS).
 
Chương trình DASS hướng tới mục tiêu tạo ra 2 hệ thống với 2 chức năng quan trọng. Một hệ thống có khả năng phát hiện nồng độ cồn từ hơi thở của tài xế phát tán trong cabin xe, phân biệt với hơi thở những người khác. Hệ thống còn lại là cảm biến tích hợp trên nút khởi động động cơ, có thể phát hiện nồng độ cồn qua da, ngay khi tài xế nhấn nút. Cả hai đều là hệ thống giám sát thụ động, không yêu cầu tài xế thực hiện quy trình kiểm tra.
 
Mặ dù điều khoản trong dự luật cơ sở hạ tầng không trực tiếp nhắc đến DADSS nhưng vẫn yêu cầu tất cả phương tiện chở khách được sản xuất sau năm 2027 phải có công nghệ phát hiện tài xế say rượu.
Ảnh minh họa
 
“Hai mươi năm trước, công nghệ này không tồn tại. Nhưng giờ đây chúng tôi có thể lắp đặt công nghệ này trên các phương tiện giao thông để giúp giám sát xem ai đó có bị say rượu hay không và ngăn người đó làm tổn thương bản thân hoặc người khác”, ông Jason Levine thuộc Liên minh Ô tô An toàn giao thông Mỹ cho biết.
 
Công nghệ được nêu trong chương trình DASS nhận được sự quan tâm và tán thưởng từ nhiều chuyên gia và cả người dân. Tuy nhiên, vẫn có những nghi ngại được đặt ra nếu xe ô tô được trang bị công nghệ này. Trong đó, những thắc mắc lớn nhất vẫn nằm ở việc liệu công nghệ này có thực sự hoạt động hiệu quả hay không? Bởi nếu được cài đặt trên các ô tô, hệ thống giám sát sẽ được dùng hàng trăm triệu lần mỗi ngày. Và nếu chỉ cần tỉ lệ lỗi là 0,01% thì cũng tương ứng với hàng triệu lỗi xảy ra hằng ngày, gây nguy hiểm trực tiếp tới người dùng.
 
Một vấn đề khác liên quan đến hệ thống giám sát tài xế say rượu là quyền riêng tư của người dùng. Bên trong xe chứa nhiều dữ liệu từ những thói quen nhỏ nhất như thắt dây an toàn, tốc độ lái xe cho đến hoạt động đi lại hằng ngày, có thể tiết lộ nhiều điều về chủ xe và những người xung quanh.
 
Trước những lo ngại của dư luận, người phát ngôn cho DADSS khẳng định hệ thống sẽ có các biện pháp kiểm soát quyền riêng tư, cũng như việc những nhà sản xuất ô tô hiện nay đều có cách bảo mật dữ liệu khách hàng.
Bình luận