“Ngựa hoang” Ford Mustang: Hơn nửa thế kỷ làm nên một biểu tượng

Mang trên mình vẻ mạnh mẽ, hoang dại và nét cơ bắp đầy chất Mỹ, “ngựa hoang” Mustang vẫn luôn là một trong những biểu tượng thành công nhất của ngành công nghiệp xe hơi trong suốt hơn 50 năm tồn tại.

Mùa xuân năm 1964, khi nền kinh tế nước Mỹ đang ở thời kỳ đỉnh cao, các chương trình nghiên cứu không gian tràn ngập trên những bản tin vô tuyến, trào lưu văn hóa hippie và những lễ hội nhạc rock đang khiến giới trẻ không thể rời mắt, Ford Mustang chính thức ra đời, bắt đầu hành trình trở thành một biểu tượng lớn của ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Ẩn dưới vẻ ngoài của một chiếc coupe hai cửa với phong cách phóng khoáng, động cơ của Mustang khi ấy chỉ là loại thông thường có nguồn gốc từ các dòng xe của Ford hiện tại như Falcon và Fairlane nhưng chính nét phá cách trong thiết kế tinh thần tự do của Mustang, khả năng đáp ứng đầy đủ những nhu cầu của người Mỹ thời bấy giờ đã khiến “chú ngựa hoang” này trở thành một huyền thoại sống tại đây.

Ford Mustang xuất hiện lần đầu tại Hội chợ Thế giới New York. Chiếc Ford Mustang 1965 khi ấy còn có tên gọi là Mustang 1964 1/2 bởi thời điểm ra mắt giữa năm được coi là “bất thường” so với thông lệ thường thấy của các hãng xe thời bấy giờ. Ra đời vào giai đoạn cực thịnh của nền kinh tế Mỹ những năm 1960, sở hữu vẻ ngoài thanh lịch và mạnh mẽ, không kém phần thể thao với mức giá chỉ 2.368 USD, sự thành công của Mustang 1964 1/2 đã định hình “nền văn hoá xe hơi” trong tâm trí của những thanh niên Mỹ vào những năm 1960. Đồng thời, trước sự nổi tiếng nhanh chóng của mình, Ford Mustang còn góp mặt trong bộ phim James Bond “Goldfinger” và 1 số bộ phim đình đám khác.

Rõ ràng với những cậu trai mới lớn khi đó tại Mỹ – những thanh thiếu niên thuộc thế hệ baby boomer, chịu ảnh hưởng đậm nét của các trào lưu cách tân văn hóa thời bấy giờ –  nhu cầu về một chiếc xe có giá bình dân nhưng mang phong cách khác biệt, thể hiện được cá tính và sự “nổi loạn” so với những lựa chọn truyền thống của cha mẹ họ là không hề nhỏ.

Ban lãnh đạo Ford thời điểm đó có niềm tin rất lớn rằng mẫu xe này sẽ tạo nên một cú hích lịch sử. Bởi vậy mà một ngày trước thời điểm ra mắt (16/4), Ford quyết định chạy quảng cáo về mẫu xe mới này đồng loạt trên cả 3 kênh truyền hình lớn nhất nước Mỹ: ABC, NBC và CBS.

Đó quả là một chiến lược marketing tài tình, vì người Mỹ thực sự phát cuồng với mẫu coupe nhỏ gọn mới toanh của Ford. Ban đầu, nhà sản xuất vốn chỉ kỳ vọng doanh số bán ra hàng năm của Mustang đạt 100.000 xe/ năm nhưng với 22.000 đơn đặt hàng chỉ sau ngày đầu tiên mở bán, ban lãnh đạo hãng xe Mỹ không khỏi vui mừng. Đây mới chỉ là con số mở màn cho những thành công vang dội sau này của Mustang mà việc Ford Mustang lọt vào top 10 mẫu xe bán chạy nhất trong lịch sử Mỹ chỉ là một trong số đó.

Trên thực tế, Mustang là 1 canh bạc lớn đối với Ford trong tình cảnh hãng đang tìm kiếm 1 phân khúc xe thể thao mới, nhỏ gọn và rẻ hơn những chiếc xe cơ bắp tiêu chuẩn hồi đó, tiêu biểu là Pontiac Tempest. Nếu Ford thất bại với Mustang, họ sẽ đổ hàng chục triệu USD xuống biển (tỷ giá những năm 60) và nhiều khả năng sẽ thất thế trước đối thủ truyền kiếp General Motors. Tuy nhiên, họ đã thành công, và tất cả đều trở thành lịch sử.

Đặt biệt từ tên gọi

Từ cuối những năm cuối của thập niên 1950, khi mà phong cách xe hơi Mỹ với kiểu dáng to dài rộng rãi, thực dụng dần bị thay đổi bởi những mẫu xe cỡ nhỏ, thể thao và phá cách, thì Ford đã âm thầm điều tra thị trường, ấp ủ ý tưởng tạo ra một chiếc xe thể thao 2 chỗ cuốn hút nhưng với giá rẻ, phù hợp với đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Ý định này đã dẫn đến dự án nghiên cứu và sản xuất một mẫu xe mà sau này (sau năm 1964) người ta gọi nó với tên gọi Mustang I, dưới sự dẫn dắt bởi Lee Iacocca – phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Ford Division.

Cho đến ngày nay người ta vẫn tranh cãi về nguồn gốc tên gọi của “ngựa hoang” Mustang. Có ý kiến cho rằng, tên xe được lấy cảm hứng chiếc máy bay chiến đấu P-51 Mustang trong Thế chiến II. Nhưng hầu hết các ý kiến thì cho rằng, với logo chiến mã thì tên gọi Mustang xuất phát từ một loài ngựa hoang Bắc Mỹ.

 

Theo đó, Mustang vốn là cái tên lấy ý tưởng bởi Robert J. Eggert, Giám đốc thị trường của Ford sau khi ông được vợ tặng cho một món quà sinh nhật là cuốn sách về ngựa có tiêu đề The Mustang, chắp bút bởi Frank Dobie. Vốn là 1 người đàn ông rất yêu thích những chú ngựa, đồng thời trực tiếp nhân giống loài ngựa đua Quarter Horse, ông tỏ ra đặc biệt thích thú với cuốn sách này và nảy ra ý tượng sẽ đặt tên Mustang cho 1 mẫu xe nào đó của Ford sau này.

Khi dự án chế tạo một chiếc coupe thể thao hoàn toàn mới được triển khai, những nhà thiết kế đã rất thích thú với cái tên Cougar, một loài báo nhanh nhẹn, mạnh mẽ. Những mẫu xe thử nghiệm đầu tiên thậm chí đã mang trên mình logo mặt báo Cougar màu đỏ. Tuy nhiên, cũng có người thích cái tên Torino, và thực tế là trong 1 buổi thuyết trình nội bộ về mẫu xe này, cái tên Torino đã được kỹ sư của Ford sử dụng. “Lắm thầy nhiều ma”, Henry Ford II, chủ tịch tập đoàn Ford, lại khá yêu thích cái tên T-Bird II. Ông Eggert, với tư cách là người được giao trách nhiệm đi tìm những cái tên phù hợp cho mẫu xe này, cũng tự mình đề xuất cái tên Mustang, cho rằng “đây là cái tên đặc biệt dành cho một mẫu xe đặc biệt”.

Eggert đã thuyết phục được ban lãnh đạo Ford và kể từ đó, chiếc xe chuẩn bị bước vào giai đoạn sản xuất thương mại đã được chính thức đặt tên là Mustang. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một thị trường không thể sử dụng tên gọi Mustang, đó là Đức. Bởi vì ở đây, hãng xe tải Krupp đang sản xuất 1 mẫu xe của họ với tên gọi Mustang. Ford từ chối mua bản quyền tên Mustang tại Đức với giá tiền 10.000 USD (tương đương 85.000 USD hiện tại) và bán Mustang tại Đức với tên gọi T-5 cho đến hết năm 1978.

Thành công choáng ngợp với thế hệ đầu tiên (1964-1973)

Mustang khoác lên mình một diện mạo thể thao, mang trong mình sức mạnh của động cơ V8, mức giá rẻ nhưng cực kỳ chất lượng. Chiếc xe đã tiên phong tạo nên một phân khúc xe cơ bắp sau này trở thành biểu tượng của cả nước Mỹ . “Ở thời điểm Mustang chính thức ra mắt, phản ứng của người dân Mỹ tích cực đến độ chúng tôi đã nói với nhau rằng không còn nghi ngờ gì nữa, chiếc xe chắc chắn sẽ thành công” ông Joe Oros, trưởng nhóm phụ trách thiết kế của Mustang nhớ lại. Thậm chí Gale Halderman, một trong những kỹ sư thiết kế thuộc nhóm của Oros, quá ngỡ ngàng bởi thành công chớp nhoáng mặc dù các kỹ sư và nhà chế tạo đều khẳng định với nhóm thiết kế rằng đây là một chiếc xe rất đặc biệt. Theo tiết lộ của Halderman, Mustang ở thời điểm đó đã phá vỡ 77 “quy tắc thiết kế” trước đó của Ford.

Thậm chí, người dân Mỹ ngay lập tức mê mẩn Mustang và tìm đến các đại lý Ford trên khắp cả nước. Tại đại lý Garland, Texas, có tới 15 người liên tục trả giá để sở hữu chiếc Mustang đầu tiên. Người thắng cuộc thậm chí còn … nhảy vào xe và ngủ qua đêm trong đó để chắc chắn rằng xe của ông không bị bán cho người khác cho đến buổi sáng hôm sau, khi hợp đồng của ông được hoàn tất. Mustang đã tạo nên một cơn sốt chưa từng có trên thị trường xe hơi nước Mỹ.

Sau thành công ngoài mong đợi ở thời điểm mở bán, với tham vọng cải thiện hiệu suất của Mustang, Lee Iacocca đã gặp gỡ Carroll Shelby và yêu cầu vị kỹ sư tài năng này chế tạo một chiếc xe đua trên nền tảng của Mustang. Năm 1965, chiếc Mustang đầu tiên do Shelby sản xuất đã xuất hiện trên trường đua sau khi được Câu lạc bộ xe thể thao của Mỹ thông qua. Ken Miles là tay đua đầu tiên dành chiến thắng cùng chiếc Mustang Shelby GT350, chiếc xe tiếp tục thống trị cuộc thi trong ba năm tiếp theo. GT350 hoàn toàn nổi bật với khối động cơ K-Code được sửa đổi mang lại công suất 306 mã lực giúp chiếc xe hạng nhẹ này sở hữu tăng tốc đáng kinh ngạc. Mustang Shelby GT350 chỉ có duy nhất một phiên bản sử dụng màu sơn trắng Wimbledon kết hợp với với các sọc xanh Guardsman Blue như một tùy chọn thường thấy trên các xe cảnh sát.  Từ đó trở đi, những chiếc Mustang Shelby trở thành một phần quan trọng không thể tách rời trong câu chuyện về huyền thoại Mustang.

Ford vẫn luôn duy trì dòng Mustang Shelby của mình từ đó đến nay. Tất cả những chiếc Mustang Shelby bây giờ đều được biết đến nhờ logo có hình con rắn hổ mang trên tấm lưới tản nhiệt trước đầu xe, một biểu tượng nổi tiếng không thể nhầm lẫn.

Phiên bản 1967 là cột mốc đánh dấu những thay đổi rõ nét của Ford Mustang với phần mũi xe dài hơn, lưới tản nhiệt lớn hơn, nặng hơn và mạnh mẽ hơn, mở đầu một trào lưu mới kéo dài trong 6 năm tiếp theo. Điểm nhấn của phiên bản 1968 là động cơ V8 sản sinh đến 355 mã lực và thiết kế dây an toàn 3 điểm. Hình ảnh nam tài tử Steve McQueen lái chiếc Mustang năm 1968 trong bộ phim Bullit sẽ trở thành một trong những cảnh rượt đuổi xe ấn tượng nhất mọi thời đại trên màn ảnh Hollywood.

Sự ra đời của Mustang đã mở đầu cho trào lưu xe “cơ bắp” lên ngôi tại Mỹ với sự tham gia của GM, Chrysler và AMC làm lung lay ngôi vị của chú ngựa Mustang. Tuy nhiên, Ford Mustang vẫn giữ vị trí độc tôn trong những năm cuối thập niên 60 cùng nhiều phiên bản được đánh giá cao như Boss hay Mach 1.

Thay đổi gây tranh cãi 

Sau những thành công quá lớn của thế hệ đầu tiên, Mustang II ra đời với hàng loạt thay đổi lớn. Do cuộc khủng hoảng dầu mỏ và giá nhiên liệu tăng, trọng tâm Ford hướng đến trong giai đoạn này là cải thiện khả năng tiết kiệm nhiên liệu thay vì duy trì hiệu suất đó là lý do mà động cơ V8 vắng mặt trên Mustang thế hệ thứ 2 ở thời điểm đầu ra mắt. Kích thước xe cũng nhỏ hơn đáng kể vì đội ngũ của Ford quyết định nền tảng của chiếc xe subcompact Ford Pinto. Dẫu ngay sau đó, sức mạnh của khối động cơ V8 trở lại với Mustang. Tuy nhiên, động cơ V8 302 cid lần này chỉ sản sinh  công suất 130 mã lực và chỉ đi kèm với hộp số tự động, bỏ tùy chọn số sàn. Đồng thời một phiên bản giá rẻ Stallion “MPG” cũng được tung ra. Phong cách và tạo hình sặc sỡ của những năm 70 trên phiên bản Cobra II (1976) và King Cobra đem đến một hình ảnh mới mẻ nhưng lại đánh dấu sự kết thúc của thế hệ thứ hai. Đã có rất nhiều lời chê bai dành cho Mustang II. Ngay cả Lee Iacocca nổi tiếng cũng đã nói rằng đây là thế hệ mà Mustang đã lạc đường.

Tuy nhiên, điều mà hầu hết người đương thời không hiểu, đó là Mustang II đã xuất hiện đúng thời điểm của mình. Thời bấy giờ, chiếc xe nhận được vô số lời khen về mức tiết kiệm nhiên liệu và sự nhanh nhẹn. Dù chỉ được bán trong thời gian rất ngắn, đây vẫn là một trong những thế hệ Mustang bán chạy nhất mọi thời đại. Tuy không phải là một chiếc xe mạnh mẽ, nhưng trong bối cảnh lúc đó, Mustang II vẫn là một thành công vang dội.

Từ huyền thoại đến dĩ vãng

Thế hệ thứ 3 của Ford Mustang chính thức ra mắt năm 1979, Mustang được phát dựa trên nền tảng FOX (ban đầu được dùng cho mẫu Ford Fairmont và Mercury Zephyr đời 1978). Nội thất xe được thiết kế lại đủ cho 4 người ngồi 1 cách thoải mái hơn vẫn với các biến thể quen thuộc: coupe, hatchback và mui trần. Điểm nhấn ngoại hình của xe chính là cặp đèn pha “4 mắt”.

Đến năm 1984, Mustang chính thức bước sang tuổi 20, và nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này, Ford như thường lệ đã sản xuất một phiên bản giới hạn: chiếc Mustang GT chạy bằng động cơ V8 đặc biệt chính thức ra đời. Đó là một phiên bản giới hạn với màu sơn trắng Oxford White và nội thất tông đỏ Canyon Red hết sức nổi bật. Ford rất thích tạo ra các phiên bản kỷ niệm đặc biệt của Mustang và họ hầu như không bỏ lỡ một dịp sinh nhật nào của đứa con cưng kể từ đó. Đã có nhiều phiên bản kỷ niệm khác nhau ra đời sau này, thường là sự kết hợp của các tùy chọn ngoại hình độc đáo bên cạnh các tính năng hiệu suất nâng cao.

Sau một vài năm thành công, doanh thu bán ra của Mustang liên tục sụt giảm; Ford đã phải âm thầm lên kế hoạch dừng sản xuất mẫu xe này từ năm 1986. Tuy nhiên, không chấp nhận để cái tên huyền thoại Ford Mustang đi vào dĩ vãng, một số thành viên của Ford quyết định cho ra đời dòng xe mới để cạnh tranh trong thị trường xe hơi đang thay đổi không ngừng. SVO Ford Mustang ra mắt với động cơ tăng áp 4 xy-lanh 175 mã lực cùng hệ thống treo cải tiến. Dù không đạt được doanh số ấn tượng (chỉ 11.788 xe), tuy nhiên con số này cũng đủ giúp Ford giữ vững danh tiếng và trở lại đường đua trong các năm tiếp theo.

Sau quyết định tiếp tục sản xuất Mustang, Ford đã thay đổi chiến thuật toàn diện. Hãng bắt đầu công cuộc biến chiếc xe thể thao hệ dẫn động cầu sau yêu thích của người Mỹ thành một chiếc coupe hệ dẫn động cầu trước theo kỹ thuật Nhật Bản! Nhưng ngay khi chiếc xe lên trang bìa Autoweek vào năm 1987, Ford nhận được rất nhiều ý kiến phản đối, yêu cầu hãng phải suy nghĩ lại. Thật may mắn khi Ford đã suy nghĩ lại. Điều đáng tiếc là Ford đã đổ toàn bộ số vốn đầu tư phát triển Mustang vào một dòng xe mới khác, đó chính là chiếc xe “đáng quên” Ford Probe.

Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Ford cho ra đời phiên bản Mustang Cobra với động cơ xăng V8 dung tích 5,0 lít sản sinh 239 mã lực, hệ thống treo cải tiến và hệ thống phanh chắc chắn. Cobra được coi là chiếc xe cơ bắp đích thực của thời đại mới. Hay phiên bản Mustang Cobra R động cơ dung tích 5,7 lít sản sinh 300 mã lực.

Duy trì nền tảng cũ

Sau hơn 10 năm gắn bó với một thế hệ, Ford Mustang bắt đầu vào công cuộc thay đổi toàn diện với 1 dự án mang tên “SN-95” nhằm tạo ra thế hệ thứ 4 của Mustang. Thiết kế của Ford Mustang thế hệ thứ 4 tròn trịa và cổ điển hơn với đường viền hai bên hông và logo ngựa hoang nổi bật trên lưới tản nhiệt. Về cơ bản, thế hệ này vẫn sử dụng nền tảng Fox từ năm 1979 và động cơ V8 5.0L già cỗi công suất 215 mã lực. Động cơ này cuối cùng cũng được thay thế vào năm 1996 bằng động cơ V8 4.6L sản sinh 215 mã lực. Ngoài ra, Ford SVT còn cho ra mắt phiên bản cao cấp Cobra với công suất 305 mã lực.

Đánh dấu thiên niên kỷ mới, Ford trình làng mẫu xe “New Edge” Mustang vào năm 1999 với thiết kế hoàn toàn cùng với những đường nét hiện đại với vòm bánh xe lớn, các đường gân dập nổi trên xe, nội thất được thiết kế thể thao. Dấu ấn lớn nhất trong giai đoạn này là chiếc Mustang 2000 Cobra R màu đỏ mà cả thế giới chỉ có 300 chiếc, với động cơ V8 dung tích 5,4 lít sản sinh 385 mã lực và tốc độ tối đa đạt 280km/h. Tại thời điểm đó, đây được coi là đối thủ xứng tầm của Chevrolet Corvette Z06 hay Dodge Viper.

Quay về nguồn cội

Sau khi phiên bản concept trước đó được giới thiệu tại triển lãm ô tô Bắc Mỹ vào năm 2004, đến năm 2005, thế hệ thứ 5 của Ford Mustang được bắt đầu đưa vào sản xuất. Với xu hướng “trở về nguồn cội”, đây cũng thế hệ xe Ford Mustang mang dấu ấn của kỹ sư thiết kế người Việt là ông Tăng Thái Hậu. Ông chịu trách nhiệm thiết kế, phát triển, thử nghiệm và biến Mustang trở thành sản phẩm điển hình của trào lưu “retro” rầm rộ trong giai đoạn này, bằng cách lấy cảm hứng từ những năm 1960. Phiên bản Mustang 2005 với phong cách thiết kế hoài cổ đầy quyến rũ đã thu hút rất nhiều người hâm mộ.

Khi chiếc Shelby GT500 trở lại dây chuyền vào năm 2007 với công suất 500 mã lực, thời kỳ phục hưng Mustang bắt đầu trở lại. Ngoài Shelby, Mustang thế hệ thứ năm cũng đánh dấu sự trở lại của các phiên bản đình đám như Boss, California Special, 5.0 GT và bản đặc biệt Bullitt thứ hai.

Thế hệ thứ năm cũng sản sinh ra chiếc Mustang nhanh nhất, mạnh mẽ nhất từng được chế tạo. Kể từ đời xe 2013, Ford Mustang Shelby GT500 trang bị động cơ siêu nạp V8 5.8L sản sinh 662 mã lực – đủ để Mustang có tốc độ tối đa trên 322km/h. Mustang Shelby GT500 Coupe 2013 với công suất 650 mã lực có thể đạt tới tốc độ tối đa trên 322 km/h, cột mốc để đạt chuẩn là một siêu xe.

Các phiên bản nổi bật của Ford Mustang trong năm 2013 là Mustang Boss 302 với động cơ V8 dung tích 5.0 lít cho công suất 444 mã lực, mô men xoắn cực đại 515 Nm, hệ dẫn động với tỉ số truyền 3.73:1, bộ khóa vi sai chống trượt Torsen, hệ thống treo điều chỉnh được và bộ phanh Brembo hoàn thiện. Mustang GT 2013 có hai lựa chọn động cơ bao gồm 3.7 lít V6 sản sinh 305 mã lực và 5.0 lít V8 cho công suất 420 mã lực, kết hợp với hộp số sàn tiêu chuẩn 6 cấp và có thêm lựa chọn hộp số tự động 6 cấp.

Năm 2013, Ford thay đổi thiết kế một lần nữa để kết hợp các yếu tố mang tính di sản của dòng xe này với một mục tiêu mới, nhằm làm chiếc xe có tính cạnh tranh hơn so với những chiếc xe thể thao có sẵn khác trên thị trường.

Phiên bản đặc biệt kỷ niệm 50 năm tôn vinh vẻ đẹp của chiếc Mustang đời đầu chính thức trình làng thị trường vào năm 2014 với lưới tản nhiệt hình thang, đường viền crôm xung quanh cửa sổ và đèn hậu, dải đèn LED 3 sọc xuất hiện ở cả đèn pha và đèn sau. Logo “50 năm” nằm ở đuôi xe, dưới cửa sổ sau. Bộ mâm bánh xe mô phỏng bộ mâm bánh xe bằng thép của những chiếc Mustang đầu tiên. Bên dưới nắp ca-pô là loại động cơ mới của hãng xe Ford mang tên Ecoboost tiết kiệm nhiên liệu. Ford chỉ sản xuất 1.964 chiếc Mustang bản đặc biệt này (trùng với số năm ra đời của dòng xe).

Vươn ra ngoài nước Mỹ 

Là một biểu tượng thành công của Ford thế nhưng Mustang chưa từng được bán ra ngoài lãnh thổ Mỹ mãi đến tận thế hệ thứ 6. Thế hệ thứ 6 của “ngựa hoang” chính thức ra xuất hiện vào năm 2015, với thiết kế thay đổi lớn cả về ngoại thất lẫn nội thất. Thế hệ thứ 6 cũng đánh dấu năm đầu tiên trong hơn năm thập niên Ford bắt đầu bán ra Mustang bên ngoài nước Mỹ. Việc chuyển sang thị trường quốc tế đã dẫn tới nhiều thay đổi lớn, chẳng hạn như hệ thống treo sau riêng biệt.

Mustang Shelby GT500 2020 ra mắt đầu năm 2019 hiện tại là chú “ngựa hoang” mạnh và nhanh nhất mà Ford từng sản xuất.  Ford Mustang Shelby GT500 2020 gây ấn tượng mạnh mẽ bởi thiết kế cơ bắp cùng sức mạnh ngang siêu xe. “Ngựa hoang” sở hữu động cơ siêu nạp V8 5.2L, sản sinh công suất lên đến 760 mã lực và mô-men xoắn 847 Nm. Với sức mạnh này, Mustang Shelby GT500 còn mạnh hơn những siêu xe đình đám hiện nay như Ferrari F8 Tributo, McLaren 720S và xấp xỉ Lamborghini Aventador SVJ.

 
Bình luận