Vào thập niên 50-60 của thế kỷ trước, nước Mỹ phóng khoáng với những tín đồ của xe thể thao và những màn rượt đuổi tốc độ đã trở thành thị trường quan trọng bậc nhất của ngành công nghiệp ô tô thế giới, kéo theo sự phát triển của hàng loạt tên tuổi lớn xứ cờ hoa, mà đại diện tiêu biểu phải kể đến là Ford.
Đây cũng là thời điểm mà ngành công nghiệp đua xe thế giới đang bước vào giai đoạn đỉnh cao, hầu như tất cả các nhà sản xuất đều dốc sức, tiền của vào cuộc chơi tốc độ này nhằm khẳng định vị thế, Ford chắc chắn không nằm ngoài cuộc. Nhưng bản thân vốn đã là một nhà sản xuất hàng đầu, tại sao Ford lại muốn mua Ferrari thay vì tự mình phát triển một chiếc xe đua riêng biệt trong khi bản thân rõ ràng là một công ty lắm tiền nhiều của vào thời điểm ấy?
Càng kỳ lạ hơn nữa bởi Ford dẫu đã khá thành công với hàng loạt những mẫu xe thương mại đình đám nhưng ở thời điểm đầu những năm 60 của thế kỉ trước, hãng xe Mỹ lại không có bất cứ một chiếc xe đua thể thao nào để cạnh tranh với đối thủ lớn nhất là General Motors. Nguyên nhân bắt nguồn từ một điều luật được Hiệp hội những nhà sản xuất ô tô nước Mỹ (AMA) đề ra, trong đó yêu cầu tất cả các thành viên trực thuộc Hiệp hội không được tham gia vào bất kỳ thể thức đua xe nào. Henry Ford II, CEO của tập đoàn, khi ấy đã rất coi trọng vấn đề này và gần như rút lại toàn bộ số vốn cũng như nỗ lực của Ford trong mảng phát triển đua xe. Tuy nhiên, đối thủ của Ford là GM với thương hiệu con Chevrolet đã bí mật coi nhẹ toàn bộ quy tắc. Cho rằng điều luật này sẽ nhanh chóng đi vào dĩ vãng, GM âm thầm chế tạo một chiếc xe đua, chiếc xe đó chính là huyền thoại Corvette. Ford đã rất tức giận với hành vi qua mặt này, việc Corvette gặt hái được những thành công càng khiến Ford quyết tâm đánh bại đối thủ trên địa hạt xe đua.
Trong một lần Henry Ford tham gia một cuộc đua mô tô tại Sebring nhằm thu thập thông tin xoay quanh những chiếc racing car thời bấy giờ, giây phút ông nhìn thấy một chiếc Ferrari băng qua cánh đồng và giành chiến thắng ngoạn mục, vị lãnh đạo này đã xác định rằng hãng xe của mình phải có những chiếc xe đua màu đỏ đến từ Italy.
Henry Ford nhanh chóng trở thành một người yêu thích những mẫu xe của Ferrari. Thậm chí, Enzo Ferrari từng dành tặng ông chủ của Ford một chiếc Ferrari 212/225 Barchetta đen, thứ mà sau này Henry Ford trang bị bánh xe đua sọc trắng Firestone cho nó mà không ngờ đến cuộc đối đầu lịch sử sau này.
Thực tế, tính toán của Ford khi quyết định mua lại Ferrari được cho là tỉnh táo và phù hợp. Bởi việc phát triển một chiếc xe đua riêng không hề đơn giản như người ta vẫn nghĩ. Phải mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc tính từ khi lên ý tưởng, thiết kế và thử nghiệm đến khi chiếc xe có thể tạo nên thành quả tại các cuộc đua. Giới hạn công nghệ ngày ấy không thể cho phép những phương pháp thử nghiệm tân tiến trên máy tính hay trong hầm gió như ngày nay nhằm tối ưu, rút ngắn quy trình và chi phí phát triển xe. Thời ấy các kĩ sư chỉ có thể kiểm nghiệm bằng cách sản xuất hoàn thiện một chiếc xe ngoài thực tế và chạy thử trên đường đua nhằm kiểm tra xem liệu xe có hoạt động như yêu cầu hay không. Sau đó, công đoạn điều chỉnh tiếp tục tốn thêm nhiều thời gian nữa.
Lúc này, Ferrari đang thể hiện sức mạnh vượt trội và liên tục thống trị các đường đua với hàng loạt các giải thưởng danh tiếng. Vào đầu những năm 60, công ty của Enzo thắng từ F1 cho đến những giải đua xe đường trường, liên tục giành chức vô địch Le Mans danh tiếng. Thế nên đối với Ford, giải pháp khả thi và nhanh chóng nhất bấy giờ là mua ngay một hãng xe có thực lực và đầy kinh nghiệm tranh tài tại các giải đua như Ferrari.
Phong cách của Ferrari cũng khá phù hợp với hướng đi của các hãng xe Mỹ khi ấy. Tất yếu đên năm 1963, Ferrari đã nhận được lời đề nghị mua lại từ Ford. Ferrari trước đó cũng đang trong tình thế khá khó khăn. Họ rất cần tiền để phát triển bởi đua xe rõ ràng là ngành công nghiệp tốn kém, danh tiếng của họ cũng đang bị tổn hại khi trước đó một số vụ tai nạn chết người liên quan tới xe Ferrari, điển hình là tay lái người Đức Wolfgang von Trips tử nạn khi đang lái một chiếc Ferrari tại trường đua Monza, kèm theo là cái chết của 14 khán giả. Ngoài ra, Enzo Ferrari khi ấy còn bị cáo buộc rằng ông không thèm đoái hoài đến sự an toàn của các tay đua trên trường đua. Enzo Ferrari đã nghĩ cuộc thương thảo này sẽ giúp Ferrari có thêm “vốn” để tiếp tục duy trì và phát triển trong gian đoạn sóng gió.
Về phía Ford, chiến thắng một cuộc đua sẽ không chỉ góp phần thúc đẩy vị thế của hãng xe mà còn đồng thời tăng doanh số bán xe thương mại. Hai yếu tố mà bất cứ nhà sản xuất nào cũng khao khát có được.
Nhằm thâu tóm thị trường và chiếm lấy những công nghệ mới, Ford nhanh chóng thúc đẩy thỏa thuận với Ferrari. Mọi chuyện diễn biến thuận lợi khi Henry Ford cử một đoàn phái viên tới Modena, Italia để tiến hành thương thảo với Enzo Ferrari.
Những người Mỹ đã ra giá 10 triệu USD và mọi thứ chuẩn bị đi đến hồi kết. Nhưng đến ngày 20/5/1963, cuộc đàm phán giữa hai bên bất ngờ sụp đổ, chỉ sau 22 ngày.
Nguyên nhân bắt nguồn từ một điều khoản trong hợp đồng, chi tiết là Ford yêu cầu Ferrari phải đệ trình để Ford thông qua ngân sách cho bất cứ cuộc đua nào có tổng chi phí trên 450 triệu Lire (khoảng 257.000 USD thời ấy), bằng đúng số tiền Ferrari chi cho đội của mình trong mùa giải 1963. Điều này đồng nghĩa với việc Ford sẽ nắm toàn quyền quyết định mọi chuyện quan trọng đối với phân nhánh xe đua của Ferrari. Cần nói thêm là đua xe là một cuộc chơi rất tốn kém nên ngân sách cho đội đua gần như chỉ có thể tăng thêm chứ khó có thể giảm. Đồng nghĩa với việc toàn bộ quyền tự chủ của Ferrari với đội đua sẽ mất hết. Ferrari đã gửi cho Henry Ford II một tin nhắn mà nhân vật quyền lực này không mấy khi được nghe. Đó là có những thứ mà tiền của ông không thể mua.
Franco Gozzi, thư kí riêng của Enzo Ferrari, tiết lộ trên một tạp chí xe của Ý rằng Enzo Ferrari khi ấy đã gần như “không giữ nổi bình tĩnh” khi ông đọc qua điều khoản trong quá trình đàm phán. Ông dùng một cây viết màu gạch chân đậm những cụm từ “đệ trình”, “giành lấy” đến những hai lần – Gozzi nhớ lại.
Cũng theo Gozzi, Ferrari đã nói: “Điều khoản này làm tổn thương nghiêm trọng sự tự do mà tôi đã được hứa với tư cách là giám đốc đội đua kể từ khi bắt đầu”. Sau đó ông nổi đóa và chỉ trích các thành viên phía đoàn thương lượng của Ford bằng những từ ngữ mà theo Gozzi miêu tả “bạn sẽ không thể tìm thấy nó trong bất cứ cuốn từ điển nào đâu”.
Ông còn gửi đến Henry Ford II một tin nhắn mà nhân vật quyền lực này không mấy khi được nghe, đó là: “Có những thứ mà tiền của ông không thể mua được”. Cuộc đàm phán kéo dài đến tận 10 giờ đêm, Ferrari quay sang Gozzi và nói nhỏ: “Kiếm gì ăn đi”. Họ rời phòng họp, để lại 14 thành viên phái đoàn Ford ngồi ấy sững sờ không ai nói nên lời.
Câu chuyện tốt đẹp giữa hai bên đổ bể từ khoảnh khắc ấy, dẫu cho Ferrari trước khi nhận được lời đề nghị mua lại từ Ford cũng đang trong tình thế khá khó khăn. Họ rất cần tiền để phát triển bởi đua xe rõ ràng đây là ngành công nghiệp tốn kém, danh tiếng của họ cũng đang bị tổn hại khi trước đó một số vụ tai nạn chết người liên quan tới xe Ferrari đã xảy ra, điển hình là tay lái người Đức Wolfgang von Trips tử nạn khi đang lái một chiếc Ferrari tại trường đua Monza, kèm theo là cái chết của 14 khán giả và phải chịu sự điều tra từ chính quyền cũng như cáo buộc từ người thân của các tay đua về việc xem nhẹ tính mạng vận động viên.
Khi tin tức về thỏa thuận với Ford lọt ra, Enzo lập tức trở thành người hùng của ngành công nghiệp Ý, người đàn ông kiên định trước sức mạnh tiền bạc của người Mỹ. Mảng đua xe vốn là “linh hồn” của Ferrari nên không dễ gì người đàn ông cá tính này chịu nhường bước trước những trói buộc về mặt tài chính và quyết định toàn cuộc nếu về chung nhà cùng Ford.
Cũng bởi sự kiện đó mà sau này trong thỏa thuận mua lại giữa FIAT và Ferrari, Enzo được toàn quyền kiểm soát đội đua của ông – tất nhiên với kinh phí không giới hạn. Sau khi Enzo mất vào tháng 8 năm 1988, FIAT mới tiến hành mua lại toàn bộ quyền kiểm soát của Ferrari.
Henry Ford II vô cùng tức giận trước lời từ chối phũ phàng của Ferrari và ông quyết định sẽ phục thù. Sau khi đó cố gắng thương thảo với các công ty khác cũng mạnh về đua xe thời ấy như Lotus, Lola hay Cooper nhưng bất thành, người đàn ông có biệt danh ‘Hank the Deuce’ như bị chạm vào lòng tự ái. Ông giữ quyết tâm phục thù bằng việc trở về Mỹ, huy động mọi nguồn lực bao gồm cả tiền bạc và tiềm lực kỹ thuật để hạ bệ Ferrari. Ông ra lệnh Ford phải có một đội đua của riêng mình để thực hiện một mục tiêu duy nhất: đánh bại Ferrari tại cuộc đua tốc độ danh giá nhất thế giới – Le Mans 24 Giờ.