CSGT được sử dụng thông tin do người dân cung cấp để xử phạt vi phạm giao thông

Sẽ không còn phải lo thiết bị kỹ thuật của lực lượng CSGT không đảm bảo tiêu chuẩn khi đã có những trường hợp vi phạm an toàn giao thông đầu tiên bị xử lí nhờ người dân cung cấp clip, hình ảnh cho cơ quan chức năng…

Đây là điều khá nhiều người quan tâm khi trong các tình huống vi phạm hành chính, người vi phạm thường yêu cầu được xem bằng chứng được thu thập bằng phương tiện kỹ thuật được cấp phép và đạt chuẩn của lực lượng CSGT, trong khi việc sử dụng thông tin mà người dân cung cấp để xử phạt sẽ phải theo tiêu chuẩn nào?

Nghị định 135/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 quy định về danh mục, quản lý và sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, xử lý dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do các nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính, sẽ là căn cứ pháp lý để thực hiện việc này.

CSGT được sử dụng thông tin do người dân cung cấp để xử phạt vi phạm giao thông

Ngoài các quy định về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng chuyên trách, các nội dung liên quan đến việc sử dụng thông tin do cá nhân, tổ chức cung cấp sẽ được quy định rõ, cụ thể như sau:

Tại chương III, Điều 16 quy định về việc cung cấp dữ liệu thu được do cá nhân, tổ chức cung cấp cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt bằng các hình thức:

– Trực tiếp đến cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền hoặc hiện trường xảy ra vụ việc để cung cấp.

– Qua thư điện tử, cổng thông tin điện tử, trang tin điện tử hoặc đường dây nóng (tham khảo tại đây).

– Qua dịch vụ bưu chính

– Qua kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin sẽ được: Bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác. Đặc biệt có quyền “Yêu cầu cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền thông báo kết quả xác minh, xử lý dữ liệu đã cung cấp” – theo Điểm C, khoản 2, Điều 16).

Tuy nhiên, cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin sẽ phải có trách nhiệm: Cung cấp thông tin về họ tên, địa chỉ, phương thức liên lạc trong trường hợp cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền cần liên hệ, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực, nguyên vẹn của dữ liệu đã cung cấp, ngoài ra phải hợp tác với người có thẩm quyền giải quyết khi được yêu cầu.

Nghị định 135/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ các cơ quan chức năng được tiếp nhận, thu thập dữ liệu từ các nhân, tổ chức trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt bao gồm:

  1. a) Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp xã;
  2. b) Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giao thông vận tải đường bộ, đường sắt.

 

Ngoài ra, để đảm bảo những nội dung thông tin mà cá nhân, tổ chức cung cấp, Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định rõ Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tiếp nhận, thu thập dữ liệu như sau:

  1. Công khai địa chỉ trụ sở cơ quan, đơn vị, địa chỉ bưu chính, thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng của cơ quan, đơn vị mình để cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, dữ liệu.
  2. Bố trí người thực hiện việc tiếp nhận, thu thập dữ liệu.
  3. Bảo đảm bí mật các thông tin của cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, dữ liệu và cả các cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến dữ liệu thu được.
  4. Gửi văn bản thông báo kết quả xác minh, xử lý dữ liệu cho cá nhân, tổ chức đã cung cấp nếu cá nhân, tổ chức đó có yêu cầu.

Đáng quan tâm, thời gian để xác minh không quá 01 tháng, kể từ ngày thụ lý xác minh. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn xác minh là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý xác minh. Thời hạn sử dụng dữ liệu để xác minh là 1 năm (khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

nguồn: VnMedia

Bình luận