Hộp số ly hợp kép ‘mong manh’ với giao thông Việt Nam

Lợi ích của hộp số ly hợp kép là sang số mượt mà hơn, nhưng bộ phận này dễ bị tăng nhiệt trong điều kiện đi, dừng liên tục.

Hộp số ly hợp kép (Dual Clutch Transmission – DCT) là kết quả của quá trình nghiên cứu để tìm ra loại hộp số có khả năng chuyển số mượt mà hơn số tự động dùng biến mô thông thường. Cấu tạo sẽ gồm hai bộ ly hợp như số sàn, mỗi bộ chịu trách nhiệm một dãy số chẵn hoặc lẻ. Đến số nào, ly hợp đó sẽ đóng để chuyển số. Nhờ đó, các số luôn trong trạng thái sẵn sàng để kết nối, giảm độ trễ đáng kể khi sang số. Tùy từng loại, từng hãng, hộp số ly hợp kép là loại khô hoặc ướt (nhúng trong dầu).

Mô phỏng hộp số ly hợp kép đang ở số 2. Ảnh: Cars Guide

Các vấn đề chủ yếu đến từ bộ ly hợp khô, trong đó ồn ào nhất là bê bối hộp số Powershift của Ford. Hầu hết xe lắp Powershift trên toàn cầu đều dính lỗi quá nhiệt, trượt số, nhưng hãng xe Mỹ ban đầu không cho rằng đó là lỗi mà là tính năng của xe ly hợp kép khô. Sau này, khi nhiều nguồn điều tra và cả nội bộ lên tiếng, Ford mới chịu sửa đổi. Tại Việt Nam, hiện các xe Ford đã chuyển về dùng hộp số tự động thông thường, bỏ Powershift.

Nhưng ly hợp kép vẫn luôn là một cụm từ có sức mạnh đáng kể về marketing và bán hàng. Hiện các xe của Hyundai như Kona, Tucson, hay Kia như Seltos sử dụng hộp số ly hợp kép dạng khô. Thực tế, nhiều khách hàng đi các dòng xe trên đều đã có những phản ánh tới đại lý về việc hộp số bị tăng nhiệt và cảnh báo dừng xe chờ nguội. Nguyên nhân đến từ việc xe dừng-đi liên tục hoặc ly hợp bám hờ trong thời gian dài nên tăng ma sát, dẫn đến tăng nhiệt. Khi tăng nhiệt, các ly hợp sẽ mất bám, có thể gây hiện tượng trượt, không ăn số.

Tuy vậy, điều kiện giao thông Việt Nam không thể được như các nước phát triển, nên kiểu vận hành dừng-đi liên tục là khá phổ biến. Vậy người sử dụng nên làm thế nào để sử dụng hộp số đúng cách nhất theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Dưới đây là một số gợi ý theo sách HDSD của Hyundai và Kia.

Đồng hồ báo mức nhiệt cao trên hộp số DCT một chiếc Seltos. Đây là mức giới hạn nhiệt độ cao nhất (14 vạch trở xuống). Nếu hiện 15-16 vạch thì tài xế phải dừng xe. Ảnh: Facebook

Đầu tiên, tài xế không nên giữ cho xe dừng trên dốc bằng cách giữ nhẹ chân ga (giống như vê côn ở số sàn), khi ấy ly hợp sẽ phải làm việc vất vả hơn để luôn giữ xe đứng yên, không trôi về phía sau. Ly hợp ma sát càng nhiều, nhiệt càng tăng, khi ấy cảnh báo nhiệt sẽ xuất hiện trên màn hình.

Thứ hai, không nên dừng-đi quá nhiều lần với quãng lăn bánh quá ngắn cho mỗi lần. Ví dụ tắc đường liên tục, mỗi lần nhích khoảng vài chục cm đến một mét. Nặng nề hơn đó là khi tắc đường trên dốc. Ví dụ, bạn đi chơi Tam Đảo vào một ngày cuối tuần, đường tắc giữa đèo. Khi ấy, bạn sẽ phải nhích từng chút từng chút một. Việc bắt-nhả ly hợp liên tục với áp lực lớn sẽ gây ra tình trạng quá nhiệt.

 

Thứ ba, không lái xe bằng hai chân. Tức là vừa phanh, vừa ga. Việc này sẽ khiến ly hợp bị mòn nhanh hơn. Khi xe phát hiện tốc độ di chuyển không tương thích với độ mở bướm ga cũng như vòng tua máy, xe có thể giảm vòng tua máy xuống một mức thích hợp và giữ mãi ngưỡng đó tới khi tài xế nhả chân khỏi bàn đạp ga.

Ngoài ra, bất cứ trạng thái nào buộc ly hợp phải ma sát nhiều trong thời gian dài đều có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiệt độ hộp số tăng cao, ví dụ: đạp ga lùi xe nhanh trên đường bằng hoặc ga để lùi xe lên dốc.

Nếu xe xuất hiện quá nhiệt, thường sẽ đi kèm cảnh báo nghỉ. Khi ấy, tài xế cần tấp xe vào lề, chuyển cần số về P và vẫn nổ máy để hộp số nguội tự nhiên sau vài phút. Thời gian cần để hộp số nguội (ví dụ 5 phút) cũng sẽ xuất hiện cụ thể trên màn hình.

VNE

Bình luận