Các doanh nghiệp nhập xe về Việt Nam cũng đang gặp cảnh doanh số bán xe giảm kỷ lục do dịch bệnh. Việc tạm ngừng, đóng hợp đồng giao xe là giải pháp tình thế tránh phải lưu xe, giảm giá mẫu vì doanh số bán thấp.
Theo báo cáo sơ bộ của hải quan, trong tháng 3, lượng xe nhập về Việt Nam đạt hơn 8.000 chiếc, giảm hơn 2.000 chiếc so với tháng trước. Tổng lượng xe nhập về Việt Nam 3 tháng qua ước đạt hơn 23.000 chiếc, giảm hơn 17.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước (43%).
Giá xe nhập về Việt Nam bình quân dưới 500 triệu đồng/chiếc, giảm 10 triệu đồng so với mức giá nhập xe bình quân cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, các loại xe nhập về Việt Nam chủ yếu là dòng xe giá rẻ, xe từ các nước ASEAN. Trong khi đó, các thị trường như Mỹ, EU, Nhật đang khó chuyển xe về Việt Nam do dịch bệnh đang hoành hành.
Hiện thị trường xe hơi Việt đang chứng kiến những tháng ngày gian nan nhất, các hãng xe nhập giảm đơn hàng, giảm lượng xe về Việt Nam. Trong khi đó, doanh số bán xe của hầu hết các hãng suy giảm từ năm đến nay.
Tại Việt Nam, hiện nay có 2 hãng xe lớn phải tạm dừng hoạt động là Ford và Toyota. Việc tạm dừng hoạt động đã được tính đến khi doanh số bán hàng trên thị trường suy giảm mạnh, và có thể suy giảm hơn nữa khi Chính phủ vừa ra lệnh cách ly toàn xã hội 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/4.
Các hoạt động mua bán có thể vẫn diễn ra, song tâm lý những khách hàng không muốn mua hàng vào thời khắc này.
Trao đổi với phóng viên, đại diện của một số hãng xe lắp ráp trong nước cho biết vẫn còn hoạt động bình thường trong từ 1 đến 3 tháng tới, tiết giảm số lượng xe lắp ráp. Doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước cũng dù duy trì hoạt động song đang khó khăn do nguyên liệu nhập khẩu trở nên đắt đỏ, vận chuyển lâu hơn do dịch bệnh.
Theo một doanh nghiệp nhập khẩu xe sang ở Hà Nội, do dịch bệnh nên xe hơi từ Đức về khó khăn, doanh nghiệp buộc phải chuyển sang nhập từ đại diện khác của chuỗi cung ứng ở Đài Loan và Trung Đông. Tuy nhiên, các phiên bản khác nhau nên xin giấy phép nhập khẩu mất nhiều thời gian.
“Dự định hết 10 ngày đầu tháng 4, chúng tôi sẽ dừng hợp đồng, đơn hàng với các đối tác để tái cơ cấu lại kênh bán hàng. Do điều kiện bất khả kháng nên không có đối tác nào bắt đền bù hợp đồng hoặc mất cọc cả”, đại diện doanh nghiệp nhập xe từ Đức cho biết.
Thực tế, theo tìm hiểu tại Hà Nội, các mẫu xe đang bày bán khá nhiều, đa số là các đơn hàng xe từ quý 3 đến quý 4 năm 2019 còn sót lại. Các hãng cũng chủ động giảm giá các mẫu xe này theo nguyên tắc giảm lợi nhuận, cắt chi phí để bán xe, giải phóng đơn hàng và tránh trả lãi ngân hàng lâu.
“Các mẫu xe từ đầu năm đến nay, giảm giá tối thiểu cũng 20 đến 30 triệu đồng/chiếc, có xe lên đến vài chục triệu đến vài trăm triệu để bán hàng. Ngoài giảm giá từ lợi nhuận hãng, đại lý, các nhân viên bán sẽ cũng bị bắt buộc giảm chiết khấu lợi nhuận để hạ giá bán xe bù đắp doanh số năm. Điều này khiến rất nhiều xe hơi giảm giá mạnh, song khách hàng vẫn rất ít ỏi”, anh Nguyễn Văn Thắng, nhân viên bán xe hơi nhập Thái Lan tại Long Biên, Hà Nội cho biết.
nguồn: dân trí