Ngay cả khi miền Bắc Italy – một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng phụ tùng toàn cầu bị phong tỏa hôm 8/3, các hãng như BMW, Daimler, Fiat, Peugeot và Volkswagen cho biết hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường.
Tuy nhiên không có gì chắc chắn trong tương lai gần bởi dịch bệnh đang làm xáo trộn cuộc sống hàng ngày cũng như ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế theo xu hướng rất khó đoán định. Các nhà sản xuất đang theo dõi tất các khả năng có thể với sự lo lắng ngày càng hiện rõ. Vấn đề bức thiết nhất hiện nay của các hãng không phải là có thể sản xuất nữa hay không mà là làm cách nào để bán được xe.
Sự bùng phát ban đầu ở Trung Quốc đã kéo sập doanh số bán xe tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Chẳng hạn với Porsche, hãng này buộc phải đóng cửa tất cả các đại lý trong đại lục vào tháng Hai vừa qua. Phần lớn các nhà sản xuất khác cũng đều phải tạm đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc.
Sự lây lan trên phạm vi trải rộng khắp từ Châu Âu cho tới Mỹ gần như sẽ khiến lục địa già rơi vào suy thoái, kéo theo đó là sự sụt giảm nhu cầu mua xe trên thế giới, tác động có thể lớn hơn nhiều so với các dự đoán được đưa ra trước đây. Nói cách khác, thị trường ôtô luôn phản ứng đồng pha với tình hình kinh tế.
“Khi GDP đi xuống, các hãng xe phải đối mặt với vấn đề lớn, bởi vì mọi người sẽ ưu tiên tài chính dành cho những việc khác quan trọng hơn”, theo nhận định của Ferdinand Dudenhoffer, một nhà quan sát lâu năm trong ngành công nghiệp bốn bánh. “Mấu chốt là ở nhu cầu chứ không phải hoạt động sản xuất”.
Các hãng xe đã trải qua nhiều bài học khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong quá khứ. Năm 2010, một núi lửa phun trào tại Iceland khiến bầu không khí tràn ngập bụi mịn, dẫn tới các hoạt động du lịch và vận chuyển bằng đường hàng không bị đình trệ trong khu vực Châu Âu. Phần lớn những công ty ôtô ngày nay đều có ít nhất hai nhà cung cấp đối với bất kỳ loại phụ tùng nào để đảm bảo cho hoạt động sản xuất vẫn diễn ra trước mối nguy từ việc đình công hay thảm họa thiên nhiên.
“Từ mỗi cuộc khủng hoảng như vậy, bạn sẽ rút ra được điều gì đó,” Herbert Diess, CEO Volkswagen nói. “Có được gấp đôi số nhà cung cấp, bạn sẽ đủ khả năng để đối phó với mọi tình huống”.
Khi nCoV lây lan trở thành một bệnh dịch trên quy mô toàn cầu, các nhà sản xuất xe hơi buộc phải tranh giành lấy nguồn cung và các nguyên liệu thô. Nhưng họ nói đủ khả năng để vượt qua tình huống xấu như vậy, có thể là bằng cách trả thêm các phụ phí để vận chuyển các linh kiện bằng đường hàng không thay vì qua đường bộ hoặc đường biển như thông thường.
“Đó là một thử thách lớn,” Oliver Blume, CEO của Porsche, trả lời trên điện thoại trong một cuộc phỏng vấn. “Chúng tôi luôn có một đội nhóm đang theo dõi cẩn trọng mọi diễn biến hàng ngày.”
“Chúng tôi có các nhà cung cấp đặt tại Italy,” Blume hé lộ trước khi Italy bị phong tỏa. “Chúng tôi phải quan sát tình hình thật sát sao trong một vài ngày tới đây.”
Vào thứ Hai, Porsche thông báo sự bùng phát của virus tại Italy vẫn chưa ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của hãng, còn hãng mẹ Volkswagen, sở hữu cả Porsche lẫn Audi và rất nhiều thương hiệu con khác cũng cho biết công ty này vẫn hoạt động bình thường mà chưa gặp vấn đề gì. Các nhà cung cấp tới từ Italy vẫn đủ khả năng giao hàng tới Đức, phát ngôn viên của Volkswagen cho biết.
Các công ty khác có trụ sở ở Italy cũng ra thông báo tương tự, hoạt động kinh doanh của họ vẫn diễn ra. Nhà sản xuất lốp Pirelli nhấn mạnh tất cả nhà máy của hãng vẫn chưa có sự gián đoạn nào, và trong mọi trường hợp, các cơ sở này chỉ chiếm dưới 8% sản lượng trên toàn cầu của Pirelli.
Một tên tuổi lớn khác là hãng sản xuất phanh xe hơi hiệu năng cao Brembo và các nhà máy của Fiat Chrysler cũng gửi đi các thông tin tương tự, mặc dù các nhân viên văn phòng của hãng xe này được phép cân nhắc có làm việc tại nhà hay không. Trong một động thái khác, Fiat đã mở lại một nhà máy tại Serbia, vốn bị tạm thời đóng cửa tháng trước do thiếu hụt nguồn cung phụ tùng từ Trung Quốc.
Jaguar Land Rover, hãng xe sang tới từ Anh cho biết họ có một chuỗi cung ứng phụ tùng giao hàng trong hai tuần. Nhưng công ty này cũng lưu ý rằng họ “không thể loại trừ khả năng thiếu hụt của một loại linh kiện quan trọng có thể ảnh hưởng tới một khâu sản xuất nào đó.”
Những chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ôtô thực sự phức tạp như một ma trận. Một vài linh kiện phải đi qua các nước khác vài lần khi chúng được dập, gia công, còn không sẽ phải được tiếp tục hoàn thiện trên đường tới dây chuyền lắp ráp cuối cùng. Điều này khiến mạng lưới cung ứng trở nên dễ bị tổn thương. Nhưng có một mạng lưới phân tán rộng khắp như vậy có thể cũng là một lợi thế.
Trong lúc Italy đang cách ly với thế giới bên ngoài, thì Trung Quốc dường như đang hồi phục trở lại khi các ca nhiễm tại đây có xu hướng giảm mạnh. Porsche đã mở lại phần lớn các đại lý tại Trung Quốc, Blume cho biết.
Một vài chính trị gia chỉ ra rằng virus corona là một bài học đối với hiểm họa từ sự toàn cầu hóa, và nó thúc đẩy các công ty chủ động việc sản xuất trong nước hơn. Nhưng theo CEO Volkswagen, cuộc khủng hoảng này sẽ không khiến các nhà sản xuất xe hơi bớt trở nên toàn cầu hóa.
“Ý tưởng về việc sản xuất xe hơi chỉ diễn ra ở một quốc gia, ví dụ như Đức là điều không thể, nó hoàn toàn vô lý”.
Vấn đề lớn hơn hiện nay là các hãng xe sẽ phải làm thế nào để vực dậy ngành công nghiệp đang bị rệu rã hơn từng ngày.
Họ vẫn chưa phải cầu cứu tới các Chính phủ giống như cuộc khủng hoảng trầm trọng diễn ra vào năm 2009. Khi đó, Đức và các nước Châu Âu khác tung ra gói hỗ trợ tiền mặt giải cứu các hãng xe trên bờ vực sụp đổ bằng cách hỗ trợ người tiêu dùng khoản tài chính khi họ đổi xe cũ để mua xe mới.
Nhưng một vài nhà quản lý đang gợi ý rằng Liên minh Châu Âu nên áp những án phạt hà khắc lên các hãng xe không tuân thủ quy định về khí thải carbon dioxit (CO2) tối thiểu, một tác nhân gây nên sự thay đổi khí hậu toàn cầu.
Giám đốc điều hành Oliver Zipse của BMW trong tuần trước thì nói rằng các chính phủ Châu Âu nên giảm bớt áp lực lên các hãng xe trong việc cấm bán các mẫu xe có động cơ đốt trong.
“Chúng tôi phải tìm cách để khiến khách hàng hứng thú với những chiếc xe,” Zipse phát biểu trước báo giới trong một cuộc họp truyền hình. “Điều quan trọng nhất chính phủ nên làm là đừng loại trừ sớm một vài sự thúc đẩy cần thiết cho ngành công nghiệp ở thời gian này”.
Nguồn: Vietnamnet