Triệu hồi – Chuyện không còn lạ!

“Cao cấp” hơn hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD và phanh ABS là hệ thống cân bằng điện tử ESP, hiện được trang bị phổ biến trong nhiều dòng xe.

Triệu hồi là gì? 

Nhắc đến triệu hồi, trên thị trường hiện nay, mỗi hãng có một định nghĩa, mỗi nước một quy định riêng về thuật ngữ này. Thế nhưng, hãy làm một ví dụ đơn giản bằng việc nhìn vào cách một con người hoàn thiện. Con người sinh ra rồi lớn lên, đều phải học hành, trải qua những khó khăn, phát hiện ra vấn đề của mình, liên tục điều chỉnh và thích nghi đạt đến độ chín muồi trong cuộc sống. Câu chuyện về những chiếc xe thoạt nhiên cũng diễn ra như thế. Mỗi mẫu xe kể từ khi ra đời sẽ liên tục trải qua quá trình nâng cấp và hoàn thiện. Có những vấn đề được nhà sản xuất (NSX) phát hiện sau khi xe đã bán, và triệu hồi (recall) để nâng cấp, hay khắc phục những lỗi này theo hướng sửa chữa hoặc đơn giản là làm cho chiếc xe trở nên tốt hơn.

Các cấp độ triệu hồi

Vậy triệu hồi có đáng ngại không? Còn tùy vào bản chất và ảnh hưởng của việc triệu hồi trong từng trường hợp cụ thể. Ở điểm này, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề với đầy đủ hiểu biết cũng như các thông tin liên quan đến tình trạng triệu hồi. Trên thực tế, có nhiều người khi chưa tìm hiểu kỹ, khi nghĩ đến “triệu hồi” ngay lập tức nghĩ đến những nguy cơ, rủi ro tồi tệ, hay thậm bị trong một số trường hợp họ cho rằng bị NSX lừa dối. Tuy nhiên, đi sâu làm rõ theo góc nhìn chính xác hơn, thì triệu hồi ô tô có đến 5 cấp độ khác nhau.

Cấp độ 1: Biện pháp đề phòng nhằm giúp sản phẩm an toàn hơn khi lỗi chưa xảy ra. Các hãng hay sử dụng thuật ngữ precautionary measures cho trường hợp triệu hồi này. Ở cấp độ này, xe chưa có lỗi, hãng có thể cập nhật phần mềm, bổ sung một số tính nắng cho chiếc xe nó trở nên hoàn thiện hơn. Trường hợp này cũng tương tự như việc nâng cấp phần mềm hay cập nhật ứng dụng khi chúng ta sử dụng điện thoại và hoàn toàn không có vấn đề gì đáng lo ngại.

Cấp độ 2: Hãng xe trong quá trình kiểm tra chất lượng, đánh giá phát hiện rằng lỗi có thể xảy ra hoặc không, thường là không. Nhưng dù xác suất là rất hy hữu, hãng vẫn chủ động triệu hồi để bảo đảm quyền lợi của khách hàng.

Cấp độ 3: Hãng triệu hồi khi lỗi đã xảy ra nhưng chưa ghi nhận sự cố/thiệt hại/tai nạn/thương vong. Việc đáng giá mức độ nguy hại trong trường hợp này phụ thuộc nhiều yếu tố. Thông thường những lỗi dẫn đến lệnh triệu hồi thường liên quan đến hệ dẫn động, khả năng vận hành và các tính năng an toàn đáng lưu tâm như: động cơ, hệ thống phanh, hệ thống treo, kẹt chân ga, phanh không ăn, rò rỉ dầu,…. Trong trường hợp này, hãng xe cần phải nhanh chóng tìm ra giải pháp và khắc phục miễn phí cho khách. Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay ở Việt Nam, phần lớn các đợt triệu hồi dạng này phải chờ chính hãng nước ngoài công nhận và đưa gia giải pháp thực hiện. Thời gian chờ khá lâu, nên trong thời gian này, tình trạng khách hàng phản ánh về lỗi chưa được xử lý kịp thời ít nhiều gây tâm lý khó chịu cho khách hàng. 

Cấp độ 4: Hãng triệu hồi khi lỗi đã xảy ra và đã có sự cố cũng như thiệt hại về người và của như cháy xe, tai nạn, nổ. Một số bộ phận, trang bị không thực hiện đúng chức năng khi tai nạn xảy ra, ví dụ như túi khí.

Cấp độ 5: Đây cũng được coi là cấp độ nguy hiểm nhất. Trong trường hợp này, lỗi đã xảy ra và gây hậu quả rất nghiêm trọng, nhưng hãng vẫn chưa triệu hồi hoặc cố tình che giấu trong thời gian dài. Phần trách nhiệm thuộc về hãng xe rất lớn. Một trong những ví dụ điển hình cho trường hợp này chính là vụ việc hãng xe Nhật Toyota buộc phải triệu hồi  5,4 xe tại Mỹ do lỗi tấm lót sàn làm kẹt chân ga, và 2,3 triệu xe do chân ga có thể bị dính. Có tới 52 cái chết do tai nạn giao thông với xe Toyota được cho là vì lỗi xe tăng tốc đột ngột. Điều đáng nói ở đây là Bộ Giao thông Vận tải Mỹ đã phạt 16,4 triệu USD, khung cao nhất cho Toyota vì hãng này chậm trễ trong việc thông báo sự cố chân ga cho khách hàng, gây nguy cơ tai nạn.

Thực trạng đáng buồn hiện nay là nhiều người do chưa tìm hiểu kỹ hễ thấy triệu hồi (recall) là lo ngại và quy chụp chung rằng lệnh triệu hồi đồng nghĩa với những vấn đề nghiêm trọng về chất lượng. Tuy nhiên, “vấn đề về chất lượng” cũng là một phạm trù đa dạng và phụ thuộc vào tư duy của từng hãng khác nhau. Đơn cử có những hãng cái dây an toàn cài không thuận tay cũng sẽ triệu hồi, cái ghế hơi cấn lưng là triệu hồi, nhưng cũng có hãng giấu nhẹm căn nguyên của hàng chục, hàng trăm tai nạn nguy hiểm.

Nhìn chung, nếu thấy triệu hồi là cấp độ 1 và 2, thì chúng ta nên hoàn toàn yên tâm bởi chiếc xe của mình sẽ được nâng cấp an toàn hơn. Nếu đợt triệu hồi được xếp vào cấp độ thứ 3, tùy vào bản chất từng trường hợp sẽ có những lo ngại trong tâm lý khách hàng. Nhưng xét trên một góc nhìn khác, ba cấp độ triệu hồi đầu tiên được hãng thực hiện sớm, tận tâm, có trách nhiệm thì không có gì đáng lên án, bởi nếu những vấn đề này không được phát hiện và xử lý sớm, một ngày nào đó chúng ta sẽ phải đối diện hậu quả ở 2 cấp độ triệu hồi sau cùng cũng là hai trường hợp nặng nề và nguy hiểm nhất. 

Ở Việt Nam, các hãng xe có nhiều cách để thực hiện một đợt triệu hồi. Thông thường, hãng xe sẽ thực hiện theo đợt triệu hồi chính hãng xảy ra ở nước ngoài. Ít thường hơn là do hỏng hóc xảy ra với số lượng xe vượt quá 1 mức nào đó (tùy hãng có con số định lượng khác nhau). Bởi vậy, không thể đòi hỏi triệu hồi vì một cái càng xe bị rỉ, hay đòi thay máy 100.000 xe oto bán tải vì 1 cái bị thủy kích. Mặt khác, một số hãng xe chưa từng dùng đến những đợt  triệu hồi. Tuy nhiên, cần chú ý rằng điều này không đồng nghĩa với việc xe của hãng đó tốt. 

 
Bình luận