Cam kết quốc tế và chính sách của Chính phủ Việt Nam với lộ trình áp dụng cắt giảm lượng phát thải ròng, áp dụng tiêu chuẩn khí thải Mức 5 (tương đương Euro5) đối với xe ô tô được các hãng xe lớn tại Việt Nam tuân thủ và đồng lòng ủng hộ với việc cho ra mắt các mẫu xe đảm bảo theo quy định của Nhà nước (*).
Sau hai năm tiêu chuẩn khí thải Euro5 chính thức được áp dụng vào cuộc sống đã làm bộc lộ nhiều vấn đề, trong đó đáng quan tâm nhất là việc làm thế nào để người tiêu dùng có thể tiếp cận và sử dụng các nguồn nguyên liệu đạt chuẩn (Euro5) - điều kiện tiên quyết để đảm bảo các dòng xe hạn chế phát thải CO2. Và song hành với đó, là đảm bảo cho “tài sản” của người tiêu dùng vận hành đúng thiết kế, hạn chế hỏng hóc, tăng độ bền và cắt giảm chi phí vận hành.
Đây cũng là vấn đề các nhà sản xuất đau đầu khi việc khách hàng sử dụng đúng nhiên liệu theo tiêu chuẩn thiết kế sẽ hạn chế và tiết kiệm chi phí trong việc bảo dưỡng, sửa chữa và khắc phục sự cố trong vòng đời sản phẩm.
Nhiên liệu đạt chuẩn Euro5 - Mua ở đâu?
Để có thể đạt được tiêu chuẩn khí thải mức 5 cần phải có sự đồng bộ giữa động cơ ô tô và nhiên liệu. Bất cứ mẫu xe nào (nhập khẩu hay lắp ráp) nếu sử dụng nhiên liệu không đạt tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ động cơ. Điều này không chỉ khiến chủ xe đối mặt với nguy cơ hỏng hóc mà còn khiến mục tiêu giảm phát thải ròng không còn ý nghĩa.
Hiện tại, các loại xăng đạt tiêu chuẩn khí thải Euro5 là RON 95-V, đối với dầu diesel là DO 0,001S-V, cả hai loại nhiên liệu này đều chưa sản xuất được tại Việt Nam mà đều phải nhập khẩu và thời điểm hiện tại số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro5 hiện vẫn còn rất hạn chế.
Chưa kể vấn đề trước mắt rất cấp thiết với người tiêu dùng khi mà các dòng xe mới (bao gồm cả nhập khẩu và lắp ráp) từ năm 2022 nay chuẩn bị đến chu kỳ đăng kiểm (bắt đầu tính từ năm 2022), điều gì sẽ xảy ra nếu các mẫu xe dùng phải dùng nhiên liệu không đạt chuẩn dẫn đến không đủ tiêu chuẩn khí thải để lưu hành?
Người tiêu dùng - Nhà sản xuất "cùng lo"
Thời điểm này các trạm xăng mới chỉ cung cấp phổ biến nhất là loại xăng E5 A92, xăng A95-III và diesel 0,05 trong khi các loại nhiên liệu đạt chuẩn Euro5 như xăng A95-V và đặc biệt là diesel 0,001 là rất hiếm.
Trong khi đó, bản thân người tiêu dùng muốn tiếp cận nguồn nhiên liệu này cũng cực khó khăn chứ không phải đơn giản. Anh Nguyễn Mạnh Hải (sử dụng Ranger Wildtrak 2.0) cho biết, để đi tìm được một cây xăng cung cấp diesel 0,001 ngay tại Hà Nội cũng là một điều khó chứ đừng nói đến việc đi tỉnh. Nếu muốn đổ đúng nhiên liệu đạt chuẩn, anh phải ghi nhớ và di chuyển mỗi lần gần 20km để đổ dầu. Thậm chí đối với nhiều người tiêu dùng ở tỉnh xa, nếu muốn mua nhiên liệu đạt chẩun, việc phải di chuyển tới cả trăm km để đổ nhiên liệu không còn là điều gây ngạc nhiên. Hoặc đơn giản, ở trung tâm tỉnh Phú Thọ nhưng cây xăng gần nhất có bán loại dầu diesel 0,001S cách đó hơn 10 km và thuộc địa giới tỉnh Vĩnh Phúc.
Và trên thực tế, nếu sử dụng ứng dụng của các nhà phân phối xăng dầu, cách cung cấp thông tin khiến việc tìm trạm xăng/dầu bán nhiên liệu sẽ phải lần đọc từng trạm một để biết có chủng loại nhiên liệu phù hợp hay không, cực kỳ mất thời gian và không khoa học.
Tình trạng này (cung cấp nhiên liệu đạt chuẩn Euro5) đã được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cảnh báo trước với hàng loạt văn bản gửi tới các cơ quan chức năng liên quan đến mục tiêu cắt giảm lượng phát thải ròng của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 6/2020 cho đến tháng 8/ 2021, VAMA đã có 3 văn bản gửi các cơ quan quản lý liên quan đến việc trao đổi lộ trình cung cấp nhiên liệu Euro5, dự báo nhu cầu cũng như phân bổ các trạm phân phối nhiên liệu đạt chuẩn Euro5 tại các thành phố lớn và các tuyến đường liên tỉnh, mật độ trạm xăng/dầu…
Theo thống kê mới nhất từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), hiện cả nước có khoảng 1.200 trạm có bán dầu DO 0,001S-V, trong tổng số 17.000 trạm bán xăng, dầu, chiếm tỷ lệ khoảng 7%. Trong đó, tại TP.HCM có khoảng 73 trạm bán dầu DO 0,001S-V trong tổng số hơn 580 trạm bán xăng, dầu, chiếm tỷ lệ khoảng 13%. Hà Nội chỉ có khoảng 30 trạm, trong tổng gần 500 trạm bán xăng, dầu, chiếm tỷ lệ khoảng 6%.
Chính vì vậy, việc đóng góp vào nỗ lực và cam kết giảm phát thải ròng của ngành công nghiệp ô tô sẽ rơi vào sự bế tắc với tình trạng cung ứng xăng dầu (đạt chuẩn Euro5) như hiện nay.
"Tự thân vận động"
Nguồn cung cấp nhiên liệu đạt chuẩn Euro5 thiếu và chơi trò “ú tim” khiến người tiêu dùng buộc phải dùng các loại nhiên liệu khác không đủ tiêu chuẩn Euro5. Điều này gián tiếp khiến các thương hiệu ô tô phải tìm mọi cách để tìm lối thoát an toàn cho khách hàng và cả sản phẩm của mình.
Bản cam kết của khách hàng khi mua xe Toyota dùng động cơ diesel đạt tiêu chuẩn Euro5.
Thực tế một số đại lý của Toyota và Isuzu đã yêu cầu khách hàng mua xe của mình (Toyota Fortuner Legender, Isuzu Mu-X…) ký cam kết sử dụng đúng chủng loại diesel (0,001) thì mới đảm bảo quyền lợi bảo hành. Trong khi một số thương hiệu khác như Ford, Mitsubishi không yêu cầu khách hàng ký cam kết nhưng khuyến cáo khách hàng nên sử dụng đúng chủng loại nhiên liệu.
Trong đó Ford Việt Nam đáng kể nhất, với quan điểm đồng hành cùng người tiêu dùng, bằng hàng loạt hoạt động mang tính đồng bộ từ nhà máy cho đến các đại lý nhằm nâng cao hiểu biết của khách hàng; Chia sẻ thông tin về Euro5 trên các nền tảng website/mạng xã hội chính thức, đặt banner/standee trực tiếp tại đại lý đi kèm các trao đổi trực tiếp; tư vấn và khuyến cáo sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn, dán tem cảnh báo nhiên liệu bên trong/ngoài nắp thùng nhiên liệu…
Phải đẩy nhanh tiến độ phủ trạm nhiên liệu đạt tiêu chuẩn Euro5
Theo lộ trình của Chính phủ, ngày 5/5/2023 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 482/QĐ-TTg chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất của Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn. Theo đó, Dự án sẽ đầu tư mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nâng công suất chế biến từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày. Sản phẩm sẽ đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5, tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ. Theo kế hoạch, nhà máy dự kiến đưa vào vận hành từ quý I-2028.
Như vậy, sẽ phải mất hơn 4 năm nữa để Việt Nam có thể tự sản xuất được các sản phẩm thành phẩm như xăng/dầu đạt chuẩn Euro 5. Trong khi chờ đợi, người tiêu dùng vẫn chỉ có một lựa chọn là sử dụng xăng, dầu nhập khẩu với giá cao hơn xăng, dầu truyền thống từ 2-8%.
Trong thời gian đợi chờ nguồn xăng/dầu đạt chuẩn Euro5 sản xuất trong nước, rõ ràng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan quản lý hỗ trợ tối đa người tiêu dùng trong việc tiếp cận nguồn nhiên liệu “sạch” một cách dễ dàng nhất.
Để đảm bảo được điều này và cũng là để Quyết định 49/2011/QĐ-TTg có được những kết quả như mong đợi, không còn cách nào khác là phải xây dựng một hệ thống cung cấp xăng dầu “đạt chuẩn”, một cách nhanh chóng, đồng bộ và phù hợp thực tiễn để người dân dễ dàng tiếp cận.
Theo Thế Giới Phương Tiện