Giai đoạn đầu năm vốn là thời gian thị trường rơi vào “khoảng lặng” với lượng người thực sự có nhu cầu mua xe và chịu khó tìm kiếm các giao dịch có giá trị thực sự tốt giảm mạnh, buộc các thương hiệu ô tô đưa ra đa dạng chương trình kích cầu tiêu dùng. Omoda & Jaecoo cũng không ngoại lệ khi tặng 1 năm bảo hiểm thân vỏ xe và 2 năm/20.000km bảo dưỡng miễn phí cho khách hàng mua Omoda C5 trong tháng 2/2025. Tổng ưu đãi trị giá tương đương 15 triệu đồng.
Tuy nhiên, khuyến mại chỉ được áp dụng cho khách mua phiên bản Premium (589 triệu đồng) thay vì cả bản Flagship (669 triệu đồng). Xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia, bảo hành động cơ lên đến 10 năm hoặc 1 triệu km - lợi thế lớn của chiếc crossover hạng B đến từ Trung Quốc này.
Thiết kế tổng thể của Omoda C5 nhắm đến nhóm khách hàng trẻ với nhiều đường nét cắt xẻ và dập nổi, có phần thể thao và cá tính hơn mặt bằng chung của phân khúc. Góc chính diện nổi bật với mặt ca-lăng tràn viền cỡ lớn có họa tiết kim cương cùng dải mạ crôm đóng vai trò kết nối dải đèn LED định vị ban ngày hình chữ "T" hai bên. Cụm đèn pha full-LED projector đặt thấp tự động bật/tắt, bên dưới là cản va với các thanh ngang đơn giản.
Điểm nhấn ở hai bên hông thuộc về mui xe đen tương phản vuốt dốc dần về sau cùng cánh lướt gió được tạo hình tương đối cầu kỳ, kết hợp với bộ mâm 18 inch đen bóng được nhấn nhá bằng các mảng màu đỏ lạ mắt.
Đèn chiếu sáng LED góc cạnh chứa hàng loạt thanh dọc vắt ngang cửa hậu là chi tiết đáng chú ý, bên cạnh tấm ốp giả ống xả kép và kính hậu thoải theo phong cách coupe. Xi-nhan dạng tuần tự được áp dụng cho cả đèn trước và sau.
Khoang lái của Omoda C5 được lược bỏ hầu hết phím bấm vật lý cơ bản, tâm điểm là cặp màn hình 10,25 inch, hỗ trợ kết nối Apple CarPlay/Android Auto không dây. Vô-lăng 3 chấu bọc da dạng vát đáy (D-cut), chìa khóa thông minh đi kèm nút bấm khởi động khởi động xe từ xa, đèn viền trang trí 64 màu, cần số điện tử, phanh tay điện tử tích hợp Auto Hold và sạc không dây 50W có quạt tản nhiệt xuất hiện trên mọi xe C5 dành cho thị trường Việt Nam.
Trên phiên bản cao cấp, khách hàng nhận thêm nhiều tiện nghi như điều hòa tự động 2 vùng độc lập tích hợp bộ lọc bụi PM2.5, dàn 8 loa Sony, gương chiếu hậu chống chói tự động, gạt mưa tự động, cửa sổ trời, cốp chỉnh điện có "đá cốp" và hàng ghế trước chỉnh điện tích hợp thông gió/sưởi ấm.
Phương diện an toàn có thể được xem là ưu thế lớn của mẫu xe Trung Quốc này với 6 túi khí, hỗ trợ xuống dốc, cảm biến áp suất lốp, giới hạn vận tốc kèm cảnh báo, camera lùi và cảm biến hỗ trợ đỗ xe trước/sau trên cả 2 phiên bản. Riêng bản Flagship có thêm camera 360 độ cùng bộ tính năng ADAS với một số "trợ thủ" như kiểm soát hành trình thích ứng, phanh khẩn cấp tự động, hỗ trợ lái tự động, hỗ trợ lái xe khi tắc đường, cảnh báo lệch làn đường và hỗ trợ giữ làn trong trường hợp khẩn cấp, cảnh báo điểm mù và cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau.
Bên dưới nắp ca-pô là động cơ xăng 4 xi-lanh, tăng áp, dung tích 1.5L, sản sinh công suất tối đa 145 mã lực và mô-men xoắn cực đại 210Nm. Ghép đôi với cỗ máy này là hộp số vô cấp CVT giả lập 9 cấp và hệ dẫn động cầu trước. Người lái có thể lựa chọn chế độ lái Eco (Tiết kiệm) hoặc Sport (Thể thao).
Phân khúc crossover hạng B tại Việt Nam chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa trên dưới 10 cái tên, đa dạng về thương hiệu, nguồn gốc lẫn giá bán. Trong đó, bộ đôi dẫn đầu đều mang “mác” xe Nhật là Mitsubishi Xforce và Toyota Yaris Cross, theo sau là 2 mẫu xe Hàn: Hyundai Creta và Kia Seltos. Đây cũng là nơi chứng kiến sự góp mặt của một số mẫu xe Trung Quốc như Lynk & Co 06 (729 triệu đồng) hay MG ZS (518-588 triệu đồng).
Omoda C5 có hầu hết điều kiện "cần" và "đủ" để thành công trong hạng xe nhiều tiềm năng nhưng đầy tính cạnh tranh này: thiết kế hợp xu hướng, đầy đủ trang bị tiện nghi, an toàn cơ bản, không gian sử dụng rộng rãi và giá bán hợp lý. Tuy nhiên, độ phổ biến thương hiệu chưa lớn cùng những định kiến về xe Trung Quốc là rào cản không hề nhỏ để "tân binh" này tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam.