Báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và TC Group cho thấy tín hiệu khởi sắc của toàn thị trường ô tô trong tháng 3/2025. Phân khúc sedan hạng B cũng không là ngoại lệ khi tổng doanh số đạt 3.462 xe, tăng trưởng 47,7% so với tháng 2.
Tuy nhiên, đặt lên “bàn cân” với cùng kỳ năm ngoái, sức tiêu thụ vẫn ghi nhận dấu hiệu đi xuống (khoảng 4,1%), chứng tỏ áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các dòng xe gầm cao và đa dụng.
Điểm nhấn của tháng chắc chắn thuộc về Hyundai Accent. Sau khi bất ngờ rơi khỏi top 10 ô tô bán chạy nhất toàn thị trường trong tháng 2, mẫu xe Hàn Quốc đã có màn tái xuất ngoạn mục với 1.049 chiếc đến tay khách hàng, nhiều gấp 130,5% lượng xe bán ra ở tháng trước. Thành tích này giúp Accent lần đầu tiên chiếm ngôi đầu phân khúc trong năm 2025, đồng thời đẩy Toyota Vios và Honda City khỏi nhóm 10 xe bán tốt nhất tháng vừa rồi.
Động lực chủ yếu của Accent đến từ khuyến mại hấp dẫn từ cả nhà sản xuất và đại lý. Cụ thể, nhiều đại lý áp dụng mức giảm 30-50 triệu đồng dành riêng cho lô xe sản xuất trong năm 2024 (VIN 2024), hạ giá bán thực tế của bản cao cấp nhất xuống khoảng 520 triệu đồng – tương đối phù hợp so với đối thủ. Hãng còn gia hạn bảo hành lên đến 8 năm/150.000km.
Kể từ khi Accent thế hệ mới ra mắt khách hàng Việt Nam, cái tên này gặp khó khi đánh mất lợi thế giá bán cạnh tranh để sở hữu danh sách trang bị tiện nghi và an toàn thêm phần đầy đủ.
Bám sát ngay sau Accent và chỉ kém vỏn vẹn… 8 xe, có thể khẳng định Toyota Vios (1.041 xe) đã có tháng kinh doanh thành công. Doanh số tăng 38% phần lớn nhờ vào chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ của hãng - tương đương mức giảm 23-27 triệu đồng. Chính sách này tiếp tục được áp dụng trong tháng 4, đưa giá bán từ 458-545 triệu xuống 435-518 triệu đồng, hứa hẹn duy trì sức mua cho mẫu xe này.
Trái ngược với xu hướng chung của thị trường, Honda City ghi nhận mức sụt giảm 7,1% so với tháng trước dù vẫn hưởng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ và tặng 1 năm bảo hiểm thân vỏ. Tuy vậy, kết quả bán hàng 690 chiếc đủ đảm bảo vị trí thứ 3 cho đại diện của Honda trong phân khúc.
Đáng chú ý, City đã không còn nằm trong danh sách khuyến mại của Honda trong tháng 4, đưa giá bán trở lại mức 499-569 triệu đồng. Điều này có thể gây thêm thách thức cho đại diện của Honda trong cuộc đua doanh số tiếp theo.
Kết thúc quý 1/2025, Toyota Vios tạm thời đứng đầu bảng với luỹ kế doanh số 2.285 chiếc, vượt qua Hyundai Accent và Honda City với khoảng cách tương ứng lần lượt là 251 xe và 284 xe.
Nửa dưới của phân khúc không có sự xáo trộn nào về thứ hạng, lần lượt là Mazda2, Mitsubishi Attrage và Kia Soluto. Mazda2 vừa được bổ sung phiên bản mới Deluxe có giá bán 459 triệu đồng, trong khi bản tiêu chuẩn “VIN” 2024 có giá bán thực tế dưới 400 triệu đồng. Attrage tăng trưởng mạnh nhất phân khúc - gần gấp 6 lần, còn Soluto tiếp tục suy yếu và có mặt trong danh sách 10 ô tô bán chậm nhất thị trường.
Phân khúc sedan hạng B còn có sự tham gia của Nissan Almera, song nhà phân phối không công khai số liệu kinh doanh. Tương tự nhiều đối thủ, Almera liên tục được áp khuyến mại lớn như hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ cho mọi phiên bản – tương đương với mức giảm 49-57 triệu đồng, đưa giá bán thực tế xuống 440-512 triệu đồng.
Nhìn chung, phân khúc sedan hạng B đang chịu áp lực ngày càng lớn từ sự trỗi dậy của các dòng xe gầm cao và đa dụng cùng sự cạnh tranh từ các mẫu ô tô điện. Trở ngại này buộc các thương hiệu phải tích cực tung ra các biện pháp kích cầu như giảm giá và ưu đãi để duy trì doanh số. Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 3 cho thấy hiệu quả của “nước đi” này, đồng thời cũng phản ánh sự nhạy cảm của người tiêu dùng Việt Nam về giá cả khi lựa chọn xe.