“Đánh úp” BYD Sealion 6 vừa ra mắt, Jaecoo giảm 90 triệu đồng J7 PHEV

Ưu đãi 90 triệu đồng đã tạo ra khoảng cách 20 triệu đồng giữa Jaecoo J7 PHEV và BYD Sealion 6 bản cao cấp, mở ra cuộc đấu “cân tài cân sức” giữa bộ đôi đến từ Trung Quốc.

Sau khi BYD công bố giá bán niêm yết 839-936 triệu đồng dành cho mẫu xe plug-in hybrid (hybrid cắm sạc) đầu tiên của mình là Sealion 6, Omoda & Jaecoo lập tức tung ưu đãi hỗ trợ 10 năm đổ xăng - tương đương 90 triệu đồng - dành cho khách hàng mua xe Jaecoo J7 PHEV.

Điều này đồng nghĩa với việc người mua xe chỉ cần trả thực tế 879 triệu đồng cho J7 PHEV thay vì 969 triệu đồng như trước đó, nằm trong đoạn giao giữa phiên bản Dynamic và Premium của Sealion 6 - kể cả khi đã tính đến giá ưu đãi đợt đầu tương ứng 799 triệu và 899 triệu đồng. 

Như vậy, mẫu xe xăng lai điện của BYD có khởi điểm dễ tiếp cận hơn, song sản phẩm của Jaecoo lại "mềm" hơn trên phiên bản cao cấp. Chính sách bảo hành của Jaecoo cũng có phần hấp dẫn hơn: 7 năm/1.000.000km cho xe và 10 năm/1.000.000km cho riêng động cơ; con số tương ứng dành cho xe của BYD là 6 năm/150.000km và 8 năm/160.000km.

Tương tự đối thủ, chi tiết đáng chú ý nhất trên J7 PHEV là hệ động lực plug-in hybrid SHS (Super Hybrid System), bao gồm động cơ xăng 1.5L tăng áp và một mô-tơ điện, cho ra công suất kết hợp 302 mã lực và 375Nm – cao hơn Sealion 6 84 mã lực và 75Nm. Sức mạnh được truyền xuống mặt đường thông qua hộp số vô cấp “chuyên dụng cho xe hybrid” DHT và hệ dẫn động cầu trước. 

Cụm pin LFP 18,3kWh loại Blade do BYD cung cấp cho tầm hoạt động thuần điện tối đa 106km (chuẩn NEDC), nhỉnh hơn 6km so với đối thủ “đồng hương”. Pin được bao bọc bằng ba lớp bảo vệ, đạt chuẩn kháng nước và bụi IP68.

Tương tự số đông xe plug-in hybrid khác, J7 PHEV vận hành chủ yếu bằng điện, còn máy xăng chỉ hoạt động nhằm sạc pin hoặc trợ lực cho động cơ điện ở dải tốc độ dưới 80km/h, giúp tiết kiệm nhiên liệu mà không hy sinh phần sức mạnh cần thiết trong giai đoạn tăng tốc.

Quá trình chuyển đổi giữa các chế độ điện – xăng – kết hợp do xe tự tính toán và thực hiện, hoặc do người lái chủ động thay đổi thông qua phím bấm trên cụm “yên ngựa”. Xe có ba chế độ lái: Normal (Thông thường), Eco (Tiết kiệm) và Sport (Thể thao).

Với công suất sạc AC tối đa 6,6kW và DC 40kW, người dùng cần chờ lần lượt tương ứng 3 giờ hoặc 20 phút để sạc 30-80%. Nạp 0-100% bằng bộ sạc cầm tay được tặng kèm khi mua xe hết 8 tiếng. Mức nhận sạc DC tối đa trên Sealion 6 giới hạn ở 18kW.

Hãng xe Trung Quốc tuyên bố Jaecoo J7 PHEV có thể di chuyển một mạch 1.300km (theo chuẩn NEDC) - hơn Sealion 6 trên dưới 200km - ở chế độ xăng lai điện sau khi nạp đầy nhiên liệu và năng lượng.

Dữ liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy J7 plug-in hybrid chỉ "uống" 0,52 lít/100km (với điều kiện pin đầy) và 4 lít/100km trong điều kiện di chuyển hỗn hợp, có phần hấp dẫn hơn Sealion 6, tương ứng là 1,1 lít/100km và 3,5-4,7 lít/100km.

Được xếp vào phân khúc CUV hạng C, song thực tế J7 lại có phần lỡ cỡ. Xe sở hữu chiều dài x rộng x cao lần lượt là 4.500 x 1.863 x 1.680(mm), chiều dài cơ sở 2.672mm - kém Mazda CX-5, Honda CR-V gần 30mm và lép vế trước Sealion 6 (2.765mm). Nhà sản xuất tự tin vào khả năng vượt địa hình của Jaecoo J7, với các thông số quan trọng như khoảng sáng gầm 200mm, góc tới 21 độ, góc thoát 29 độ và khả năng lội nước sâu tối đa 600mm. Cấu hình hệ thống treo trước/sau dạng MacPherson/liên kết đa điểm giống hầu hết mẫu xe đồng hạng.

Thiết kế của Jaecoo J7 tuân theo phong cách vuông vức và gọn gàng đang là xu hướng hiện nay, nhiều bộ phận dễ gây liên tưởng đến xe Land Rover. Kiểu dáng hình hộp này khác hẳn phần còn lại của phân khúc, vốn sử dụng nhiều đường nét bo tròn, mềm mại hơn.

Một số chi tiết nổi bật gồm có lưới tản nhiệt mang đồ hoạ đa nan xếp dọc, đèn chiếu sáng ban ngày mô phỏng lá cờ về đích hai bên, đèn pha full-LED phân tầng nằm thấp và đèn hậu LED vắt ngang đuôi xe. Khu vực nửa trên được phủ đen để tạo hiệu ứng “mui bay”, kết hợp với tay nắm cửa điện tử dạng ẩn tạo ra một bề mặt phẳng lì.

Gương chiếu hậu, la-zăng hợp kim 19 inch và bộ khuếch tán không khí được tinh chỉnh so với bản thuần xăng, tối ưu yếu tố khí động học, qua đó tăng phạm vi hoạt động và hạn chế tiếng ồn dội vào trong xe.

Khoang lái đậm chất ô tô Trung Quốc với hầu hết chức năng tập trung vào màn hình cảm ứng 14,8 inch đặt dọc ở khu vực trung tâm, hỗ trợ kết nối Apple CarPlay/Android Auto không dây.

Cần số điện tử gắn trên cột lái giống xe Mercedes-Benz, nhường chỗ cho sạc không dây 50W có tản nhiệt trên cụm “yên ngựa” hai tầng. Danh sách “option” đáng chú ý trên J7 biến thể xăng lai điện có thể kể đến như bảng đồng hồ kỹ thuật số 10,25 inch, 8 loa Sony, điều hoà hai vùng độc lập, lọc không khí, đèn viền nội thất 64 màu, gương chiếu hậu chống chói tự động, cốp chỉnh điện tích hợp tính năng “đá cốp”, cửa sổ trời toàn cảnh...

Ghế ngồi và vô-lăng ba chấu dạng vát đáy phần nào gợi nhắc một lần nữa đến Land Rover. Riêng hàng ghế trước chỉnh điện, nhớ vị trí và có tính năng sưởi ấm/thông gió. Bệ tỳ tay trung tâm phía trước kiêm hộc làm mát.

Khoảng sáng trên đầu và khoảng cách giữa đầu gối đến lưng ghế trước ở hàng ghế sau đủ thoải mái cho số đông người dùng phổ thông. Các tiện nghi ở khu vực này bao gồm cửa gió điều hoà, cổng sạc USB-A, USB-C và bệ tỳ tay trung tâm. Hành khách có thể chủ động mở rộng khoảng để chân thông qua cụm phím điều khiển bên hông ghế phụ phía trước.

Phương diện an toàn được đảm bảo với 7 túi khí và gói ADAS: kiểm soát hành trình thích ứng, phanh khẩn cấp tự động, hỗ trợ giữ làn đường, hỗ trợ di chuyển trong điều kiện ùn tắc, cảnh báo điểm mù tích hợp hệ thống hỗ trợ chuyển làn, cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau, cảnh báo người lái mất tập trung… Camera 540 độ hiển thị cả hình ảnh bên dưới gầm xe.

Trái với sự phát triển của ô tô hybrid (hybrid tự sạc) phổ thông tại thị trường Việt Nam trong vòng 5 năm gần đây với hơn 10 đại diện, nhóm xe plug-in hybrid (hybrid cắm sạc) dưới 2 tỷ đồng chỉ ghi nhận Kia Sorento tham gia và sớm gặp thất bại về mặt doanh số.

Sự tham gia của Jaecoo J7 PHEV và BYD Sealion 6 được xem là bước ngoặt của thị trường ô tô Việt Nam, phổ cập xe plug-in hybrid đến nhóm giá niêm yết dưới 1 tỷ đồng.

J7 PHEV và Sealion 6 đều hội tụ hầu hết điều kiện "cần" để thành công trong hạng xe crossover hạng C nhiều tiềm năng nhưng đầy cạnh tranh này: thiết kế hợp xu hướng, đầy đủ trang bị tiện nghi, an toàn cơ bản, không gian sử dụng rộng rãi và giá bán hợp lý. Tuy nhiên, mức độ hạn chế về độ phổ biến của thương hiệu và độ phủ hệ thống đại lý, xưởng dịch vụ cùng những định kiến về xe Trung Quốc là rào cản không hề nhỏ để hai "tân binh" này tiếp cận khách Việt.

Được đánh giá là lựa chọn phù hợp cho quá trình chuyển tiếp từ xe dùng nhiên liệu hoá thạch sang xe điện ở những khu vực có hạ tầng trạm sạc còn hạn chế, song xe plug-in hybrid kết hợp giữa hai loại động cơ này khiến cấu tạo sản phẩm trở nên phức tạp. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh, dễ nhận thấy nhất là giá bán lẫn chi phí sửa chữa tăng vọt so với các hình thức hệ động lực khác. 

Bản thân hạ tầng trạm sạc dành cho xe PHEV cũng rất hạn chế, hầu hết người dùng phải cắm sạc tại nhà nếu đủ điều kiện về không gian, khó tận dụng tối đa lợi ích của chế độ chạy điện 100% của phương tiện. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa được cung cấp đầy đủ kiến thức về cách thức hoạt động của xe hybrid nói chung và plug-in hybrid, dẫn đến việc thường xuyên nhầm lẫn các cấu hình với nhau.

Đây là bài toán mà cả BYD và Omoda & Jaecoo đang giải quyết bằng cùng một giải pháp: “bắt tay” với các đơn vị thứ ba cung cấp hạ tầng trạm sạc. Trong khi BYD chọn mở rộng điểm sạc tại đại lý, O&J lại có phần “chịu chơi” hơn khi đặt trạm sạc dọc các tuyến cao tốc, quốc lộ, hứa hẹn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Comentários