Toyota và hành trình của niềm tin trên dải đất hình chữ S

Mặc dù vẫn là một thị trường tương đối nhỏ, kể cả khi so với các nước láng giềng Đông Nam Á, nhưng Việt Nam vẫn là thị trường ô tô phát triển nhanh nhất trong khu vực.

Hai thập kỷ vừa qua chứng kiến sự tăng trưởng ổn định của thị trường ô tô trong nước theo đà phát triển vượt bậc của nền kinh tế. Trong bức tranh chung ấy, không thể không nhắc tới một trong những gương mặt tiên phong đã góp những viên gạch nền đầu tiên cho một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam thời kỳ hiện đại: Toyota.

Toyota đã nhìn thấy tiềm năng phát triển thị trường xe hơi cũng như những điều kiện phù hợp để đặt nhà máy tại Việt Nam ngay từ khi nền kinh tế nước ta vừa mở cửa hội nhập.

Điều thú vị nằm ở chỗ, nhắc đến thương hiệu xe hàng đầu Nhật Bản vào lúc này, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới hình ảnh vị Tổng Giám đốc với ngoại hình đầy ấn tượng. Không ít người đã rất quen mặt với ông Toru Kinoshita qua các sự kiện và những lần xuất hiện trên các kênh truyền thông. Tuy nhiên, không mấy ai biết rằng, ngay từ khi còn là một nhân viên, ông đã đến Việt Nam với nhiệm vụ thành lập nhà máy và phát triển mạng lưới kinh doanh tại quốc gia châu Á nhỏ bé nhưng đầy sức sống này. Năm 1996, tức mới một năm sau khi bắt đầu mở cửa hội nhập, Việt Nam mới chỉ có khung pháp lý đầu tư nước ngoài khá mỏng manh và giống như một mảnh đất hoang chưa khai phá. Thực tế này khi ấy đã khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài dè dặt trong việc tiếp cận. Tuy nhiên, Toyota đã nghĩ và làm ngược lại, bởi dường như hãng xe Nhật Bản nhìn thấy được tiềm năng phát triển thị trường xe hơi cũng như những điều kiện phù hợp để đặt nhà máy và đầu tư vào nền kinh tế non trẻ này.

Dưới sự dẫn dắt của vị “thuyền trưởng” đầy kinh nghiệm và sự hiểu biết về thị trường mà ông đã gắn bó nhiều năm, TMV đã vươn lên trở thành thương hiệu ô tô hàng đầu tại dải đất hình chữ S.

Vượt qua nhiều khó khăn, những người mở đường từ Nhật Bản ấy đã cùng với các bạn bè và đối tác Việt Nam đưa nhà máy đầu tiên của TMV đi vào hoạt động. Trong những năm sau đó, dù phải đối mặt không ít biến động khôn lường của một thị trường mới mở cửa sau đó, liên doanh giữa Toyota với VEAM của Việt Nam không chỉ tiếp tục có những bước tiến vững chắc ban đầu, mà đã đứng vững và thậm chí phát triển kinh doanh mạnh mẽ. Điều này không chỉ chứng minh rằng lựa chọn của hãng ô tô Nhật Bản là hoàn toàn đúng đắn, mà còn trở thành tiền đề quan trọng giúp Toyota đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia, song song thực hiện các hoạt động đóng góp xã hội, góp phần làm giàu thêm cuộc sống của người dân.

Trong số các sản phẩm sản xuất và lắp ráp trong nước, Vios, mẫu xe chiến lược, luôn là chiếc xe bán chạy nhất trên thị trường trong nhiều năm liên tiếp.

Cùng với từng bước tiến của xứ sở con rồng cháu tiên trên bản đồ thế giới, những chiếc ô tô Toyota dần chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong nước, nhờ vào chất lượng cao, sự bền bỉ, an toàn, và đặc biệt là tiết kiệm chi phí sử dụng. Những tiêu chí này, cùng với việc có thiết kế phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng đã giúp những chiếc xe đến từ Nhật Bản đã trở thành chuẩn mực của phương tiện cơ giới bốn bánh Việt Nam thời bấy giờ. Có thể nói, niềm tin được trao đi ngày nào giờ đây đã đơm hoa kết trái.

Vài năm sau, khi thế kỷ 21 tới gần, cũng là lúc ông Kinoshita có dịp trở lại làm việc tại Việt Nam trong một vài năm. Giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đã tiến tới ngưỡng 14,3 tỷ USD (năm 2000) với bình quân xuất khẩu đầu người 184 USD/năm, tức vượt mức của một nước nghèo. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khi ấy là 24,1%, cao gấp 3,6 lần tốc độ tăng GDP (6,75%). Những bước tiến vững chắc như vậy của nền kinh tế đã góp phần tạo đà cho Việt Nam đạt nhiều thành tựu đáng kinh ngạc trong nỗ lực phát triển và hội nhập quốc tế. Chính điều đó đã khiến ông Kinoshita vô cùng ngạc nhiên khi trở lại vào năm 2017, nhưng lần này với cương vị lãnh đạo cao nhất của TMV.

Mỗi bước tiến mới trên từng chặng đường của Toyota đều có dấu ấn của vị “thuyền trưởng” Toru Kinoshita.

Từ ngày đầu bắt tay vào đảm nhận trọng trách mới, ông nhận thấy rằng, một nền kinh tế đang phát triển như vậy sẽ cần tới những phương tiện di chuyển phù hợp để đáp ứng nhu cầu di chuyển hàng hóa và con người ngày càng cao trong bối cảnh đường xá ngày càng tốt lên. Với người dân, ô tô cũng chuyển từ chỗ là tài sản giá trị cao trở thành phương tiện đi lại của số đông. Nói cách khác, chiếc ô tô đang dần được xã hội hóa đích thực. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần “mua đi bán lại” hay nói cách khác là nhập khẩu và phân phối, những doanh nghiệp kinh doanh ô tô dù có thể đáp ứng nhu cầu người dân và kiếm lợi nhuận, nhưng thực tế không thể giúp xây dựng một nền công nghiệp ô tô thực thụ cho Việt Nam.

Với quan điểm đó, vị “thuyền trưởng” đầy kinh nghiệm và sự hiểu biết về thị trường đã không ngừng thúc đẩy việc sản xuất trong nước, qua đó đưa TMV vươn lên với con số lắp ráp lên đến 50.000 xe/ năm. Nếu nhìn lại thời điểm tháng 8/1996, khi mẫu xe đầu tiên là Toyota Hiace đã xuất xưởng với sản lượng chỉ đạt 2 chiếc mỗi ngày, những con số trên thực sự “biết nói”.  Bên cạnh đó. Toyota cũng chiếm 24% thị phần và trở thành thương hiệu ô tô hàng đầu tại dải đất hình chữ S với doanh số bán hàng tích lũy đã vượt quá 500.000 chiếc mỗi năm.

Bên cạnh các hoạt động sản xuất, Toyota còn xúc tiến hàng loạt hoạt động xã hội với mục tiêu trở thành một công dân tốt trong cộng đồng sở tại.

Dĩ nhiên, câu chuyện về mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia Nhật Bản và Việt Nam, cũng như tình cảm mà những người bạn xứ sở hoa anh đào dành cho “quê hương thứ hai” của mình sẽ không dừng ở đó, mà trái lại sẽ tiếp tục mở ra nhiều chương mới tốt đẹp hơn. Theo ông Kinoshita, TMV sẽ luôn theo đuổi mục tiêu gắn bó với Việt Nam, trong đó tập trung vào việc góp phần xây dựng một nền công nghiệp ô tô đích thực với đầy đủ chuỗi cung ứng có tỉ lệ nội địa hóa cao. Đây cũng chính là điều mà Việt Nam đang cần tới trong mong muốn chung trở thành một quốc gia công nghiệp có vị thế trên toàn cầu.

Mặt khác, chỉ khi sở hữu một nền sản xuất ô tô đủ vững vàng, Việt Nam mới có được nền tảng cần thiết để đón nhận trào lưu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – “làn sóng” cơ hội để các doanh nghiệp tạo bước phát triển mang tính đột phá. Rất may mắn, nỗ lực này đã và đang được chắp cánh bởi những cơ chế và chính sách tích cực từ phía chính phủ. “Với những chính sách của chính phủ hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự phát triển của thị trường và tiềm năng của con người Việt Nam, những người mà TMV thực sự trân trọng” – vị Tổng Giám đốc của hãng xe Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định.

Thực tế, cam kết gắn bó như thế của TMV cũng từng được minh chứng hết sức rõ nét vào năm 2018. Khi ấy, thuế nhập khẩu ô tô nhập khẩu từ ASEAN về 0% nhờ hiệp định thương mại hàng hóa ATIGA. Trong bối cảnh những doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp trong nước quan ngại khả năng cạnh tranh với các mẫu xe nhập khẩu, TMV đã vẫn kiên trì đẩy mạnh sản xuất trong nước, không ngừng đồng hành với sự phát triển của Việt Nam.

Giờ đây, với hơn 1.900 nhân viên tại TMV, cùng hơn 6.000 nhân viên làm việc tại 56 đại lý và cửa hàng trên toàn quốc, Toyota chắc chắn sẽ tiếp tục củng cố vị trí hàng đầu của mình, qua đó đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành công nghiệp ô tô trong nước cũng như mọi nỗ lực phát triển của Việt Nam, nơi họ đã đặt trọn niềm tin suốt hơn 2 thập kỷ.

Hà Thu

 
Bình luận