Xu hướng điện hoá phương tiện đang lan rộng mạnh mẽ trên toàn cầu, với dự báo xe điện sẽ dần thay thế xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch trong tương lai gần.
Tại Việt Nam, Chính phủ đang thúc đẩy chiến lược “xanh hoá” giao thông, khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện. Mới đây, thành phố đảo Phú Quốc đã tiên phong thay thế toàn bộ phương tiện xăng dầu, hướng tới vận hành 100% xe điện.
Thị trường xe công nghệ cũng ghi nhận nhiều thương hiệu dần “thay máu” đội xe sử dụng động cơ đốt trong bằng xe điện khí hoá, góp phần đưa mục tiêu xanh hoá giao thông trở thành hiện thực. Tuy nhiên, ô tô điện chỉ thật sự phát triển tại thị trường hơn 100 triệu người như Việt Nam nếu thoả mãn điều kiện tiên quyết mang tên: Hệ thống trạm sạc. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp tham gia phát triển hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa thể đáp ứng nhu cầu người dùng.
Bối cảnh này biến hạ tầng trạm sạc trở thành cuộc đua chiến lược, nơi người tiên phong sẽ chiếm lợi thế đặc biệt đáng kể, chiếm lĩnh thị trường khi nhu cầu bùng nổ. Khoảng trống này mở ra cơ hội tỷ USD cho những “bộ não” nhạy bén.
Nhận ra tiềm năng này, TMT Motors nhanh chóng triển khai chiến lược dài hạn mới. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, công ty chính thức bổ sung ngành nghề kinh doanh phát triển trạm sạc xe điện, đặt mục tiêu phủ 30.000 trạm sạc trên phạm vi toàn quốc.
Bước đi này được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố vị thế của TMT Motors trong hệ sinh thái xe điện, đồng thời cho phép công ty thiết lập một chuỗi giá trị khép kín: từ sản xuất xe, xây dựng hạ tầng cho đến dịch vụ hậu mãi.
Trước đó, TMT Motors đã bắt tay với SGMW — liên minh giữa ba “ông lớn” SAIC Motor, General Motors (GM) và Wuling — để phân phối các dòng xe điện tại Việt Nam. Đặc biệt, dòng xe mini Wuling đã nhanh chóng thu hút sự chú ý, được nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách như Let’s Go Taxi lựa chọn triển khai tại nhiều tỉnh thành. Sau một năm vận hành, Let’s Go Taxi cho biết toàn bộ đội xe Wuling Mini EV và Wuling Bingo đã lăn bánh hơn 15 triệu km mà không phát sinh bất kỳ lỗi kỹ thuật nào. Con số này đủ chứng minh chất lượng và độ ổn định vượt trội của dòng xe điện đến từ thương hiệu Wuling trong thực tiễn.
Động thái xây dựng hệ thống trạm sạc giúp TMT Motors cung cấp trải nghiệm toàn diện hơn cho người dùng - từ phương tiện đến hạ tầng hỗ trợ, qua đó tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường xe điện.
Đáng chú ý, lãnh đạo TMT Motors chia sẻ rằng công ty sẽ mở cửa hệ thống trạm sạc cho tất cả các hãng xe điện khác. Trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các trạm sạc đa thương hiệu, đây sẽ là một lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Theo kế hoạch, hệ thống 30.000 trạm sạc của TMT Motors sẽ được triển khai theo hai giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Ưu tiên lắp đặt tại các thành phố lớn và dọc các tuyến giao thông trọng điểm, nhằm nhanh chóng thiết lập độ phủ.
- Giai đoạn 2: Mở rộng về các tỉnh thành khác, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, hướng tới mục tiêu phủ sóng toàn quốc.
Trạm sạc của TMT Motors bao gồm cả sạc nhanh (DC) và sạc tiêu chuẩn (AC), đi kèm các dịch vụ tiện ích khác. Song song với việc tự xây dựng và vận hành, doanh nghiệp cũng xúc tiến tìm kiếm đối tác chiến lược trong lĩnh vực điện lực, bất động sản và thương mại dịch vụ để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Việc phát triển hệ thống 30.000 trạm sạc không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn tạo ra những đóng góp tích cực cho cộng đồng, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, bao gồm:
- Góp phần thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi xanh, thực hiện cam kết “Net Zero” vào năm 2050 của Chính phủ;
- Tạo ra hàng chục nghìn việc làm trong lĩnh vực vận hành, bảo trì, quản lý trạm sạc;
- Mở ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp thông qua mô hình nhượng quyền trạm sạc;
- Nâng cao trải nghiệm người dùng, giải quyết nỗi lo thiếu hụt hạ tầng sạc;
- Đặt nền móng vững chắc cho hệ sinh thái giao thông điện khí hoá tại Việt Nam.
Với những kế hoạch bài bản và tầm nhìn dài hạn, TMT Motors đang chứng minh tham vọng trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong kiến tạo nền tảng cho cuộc cách mạng vì Việt Nam Xanh.