Hiện nay, giao thông vận tải vẫn là lĩnh vực bị coi là thủ phạm hàng đầu gây ô nhiễm tại Đức, dẫn tới việc Ủy ban Nền tảng quốc gia về tương lai giao thông (NPM) đang xem xét đề xuất hàng loạt các giải pháp mới, nhằm cắt giảm lượng khí thải do các phương tiện sinh ra. Trong số này, một hướng tiếp cận đang gây nhiều tranh cãi xen lẫn tiếc nuối là việc chấm dứt quy định cho phép chạy không giới hạn tốc độ trên các cung đường cao tốc Autobahn.
Theo đề xuất mới này, toàn bộ hệ thống cao tốc của Đức sẽ bị áp giới hạn tốc độ 130km/giờ. Động thái này được kỳ vọng sẽ kết hợp với giá xăng tăng từ 2023 và bỏ các ưu đãi thuế cho xe động cơ diesel, qua đó giúp Đức cắt giảm lượng khí thải sản sinh ra, tránh được các khoản phạt từ Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, tới nay chưa có báo cáo cụ thể nào đánh giá chính xác những tác động tích cực mà việc giới hạn tốc độ tối đa nói trên sẽ mang lại.
Hiện nay, ngành công nghiệp lớn nhất của Đức là sản xuất ô tô. Mặc dù sự thành công của lĩnh vực này không liên quan gì tới hệ thống đường cao tốc không giới hạn tốc độ của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, nhưng các nhà sản xuất ô tô Đức thường đề cao việc mỗi người có quyền tự do lái xe nhanh nhất có thể. Điều này khiến Autobahn nhiều năm qua trở thành biểu tượng của đam mê tốc độ không chỉ tại Đức hay châu Âu, mà cả trên toàn cầu. Nhiều chủ nhân các mẫu xe cao cấp, xe “độ”, siêu xe… đều coi đây là đấu trường thể hiện sức mạnh. Chính vì thế, khi giới hạn tốc độ bị áp đặt trở lại, sự tiếc nuối là không tránh khỏi.
Thực tế, việc bãi bỏ cơ chế không giới hạn tốc độ trên Autobahn thực tế đã được thực hiện một phần trong những năm qua, khiến tốc độ di chuyển qua các tuyến đường cao tốc Đức đã bị rút đi đáng kể. Đây là hệ quả của số lượng tai nạn trên một số đoạn đường tăng lên, trong khi các khu dân cư dọc tuyến cao tốc cũng mở rộng nhanh chóng.
Nguyễn Thúc Hoàng Linh