Phần 1: Xe Mỹ
Nước Mỹ trước thập niên 70 của thế kỷ trước, là thời kỳ phát triển của những chiếc xe hơi to tướng, động cơ V8, mà đại diện là những Muscle car, điều này thậm chí đã ngấm vào văn hóa của người Mỹ. Nhờ Hollywood, toàn thế giới đã từng coi muscle car là một phần của văn hóa Mỹ. Phải công nhận rằng, người Mỹ là “đỉnh cao” về marketing, họ biến ô tô thành lối sống, phong cách sống… Thậm chí 1 chiếc muscle car, khi được lái chầm chậm qua sa mạc Mỹ, có thể làm cho 1 phóng viên về xe của Việt Nam có cảm giác sung sướng tột độ. Ngày nay, những chiếc Mustang cổ vẫn được sưu tầm như một sản vật của văn hóa Mỹ. Tại Sài gòn, một chiếc Mustang đời 1970 có giá trị hơn cả 1 chiếc Innova đời mới. Trong khi Innova có thể kiếm ra tiền thì Mustang mua về chỉ mất thêm tiền để sửa và bảo dưỡng.
Ford có lẽ là hãng xe Mỹ duy nhất còn lại ở Việt Nam, thế nên giờ đây, không còn nhiều sự lựa chọn cho những mẫu ô tô Mỹ tại Việt Nam. GM, hãng xe đã từng chiếm phần lớn thị phần xe tại Việt Nam, hình như đã “rút lui” trên toàn thế giới để về Mỹ “cố thủ”.
Phần 2: Xe Anh
Ở châu Âu , Người Anh đã từng tạo ra những chiếc xe hết sức ấn tượng từ thiết kế, vận hành đến cả giá bán. Đến mức, có những mẫu xe đã trở thành biểu tượng của xe hơi như Jaguar E type , Lotus 49… Có vẻ như các hãng xe Anh trong cả thời gian phát triển chỉ lo mỗi việc là làm sao gây ra ấn tượng mạnh, thay vì kiếm tiền. Và họ đã rất thành công trên con đường đó bằng việc sang tên gần hết các hãng xe của mình.
Các ông chủ mới của các hãng xe Anh Quốc: Tata Motor/Jaguar Land Rover; BMW/RR, Mini; Geely/Lotus… dường như đã đem lại những bổ sung cần thiết cho các thương hiệu Anh: hiệu suất, tiện nghi, công nghệ mới… đồng thời giữ được nét đẹp trong tinh thần thiết kế xe Anh Quốc: thiết kế, vận hành, chất lượng, độ tinh xảo… Rollroyce, Aston martin, Jaguar Land Rover là những cái tên gợi đến những chiếc xe đắt tiền và tiện nghi bậc nhất thế giới.
Phần 3: Xe Ý
Người Ý, vốn coi việc làm ra xe ô tô giống như việc thiết kế ra những bộ đồ thời trang đắt giá. Nổi tiếng với những siêu xe Lamboghini hay Ferrari, những chiếc xe được sản xuất với mục đích sao cho nhanh nhất, đẹp nhất có thể. Vốn sở hữu sự sáng tạo nghệ thuật có thể nói là hàng đầu thế giới, xe Ý luôn được đầu tư lớn trong việc thiết kế, và đôi lúc có vẻ công năng trên chiếc xe phải nhường chỗ cho vẻ đẹp (chỗ ngồi bé lại để cho xe có dáng thể thao hơn chẳng hạn, cửa phải cánh chim, ra vào có tiện lợi hay không không quan trọng). Dáng vẻ của siêu xe đến từ Ý luôn làm cho người xem choáng ngợp, từ thiết kế, màu sắc, vật liệu, tiếng động, chuyển động của nó, thậm chí cách mà người lái ra vào xe cũng rất đặc biệt…
Ai đã xem “Ford vs Ferrari” hẳn cũng cảm nhận được những gì mà Enzo Ferrari theo đuổi: “sự hoàn thiện”. Và người của Ford đã nói: “Ông ấy đã đạt được điều đó, tuy nhiên cũng hết tiền”.
Ông chủ Ferrari có thể bán những chiếc hết sức nhanh, sang trọng và đắt tiền, tất nhiên không thể nào có thu nhập từ ngành xe nhiều như ông chủ Toyota hay Honda. Nhưng có vẻ họ không bận tâm điều đó.
Một đại diện của Ý ở phân khúc xe bán số lượng lớn là Fiat, nhưng số lượng xe bán hàng năm càng ngày càng sụt giảm, dù Fiat vẫn cố đẩy mạnh số lượng xe nhỏ giá rẻ. Có vẻ với xu hướng thực dụng của người mua, ngày nay, vẻ đẹp thiết kế Ý không còn được ưa chuộng trong các xe phổ thông. Nhìn Fiat 500 mà xem: quá đẹp, rất phong cách, tiện dụng…
Việt Nam giờ chỉ còn mỗi Maserati ở lại, đại diện cho xe hơi Ý, hãng xe duy nhất của Ý đang có doanh số tăng dần trên toàn thế giới (không tính các siêu xe được phân phối dưới dạng không chính ngạch). Maserati, có thể nói, đại diện cho những gì là tinh thần xe Ý: đẹp, nhanh, mạnh, cấu tạo cầu kỳ rắc rối với động cơ Ferrari, đắt… và không bền.
Phần 4: Xe Nhật
Khác với các nước khác, khi họ xây dựng những chiếc xe “mơ ước” hoặc “lối sống” thì người Nhật nhắm đến những chiếc xe “cần thiết”. Từ sau sự kiện khủng hoảng dầu mỏ những năm 70, cả thế giới đã nhìn nhận xe Nhật như những chiếc xe bền bỉ, ít tiêu tốn nhiên liệu, Toyota với gần 10 triệu chiếc xe bán ra hàng năm, đã vượt lên các hãng xe khác để trở thành hãng bán nhiều xe số 1 thế giới. Con người trong khủng hoảng dầu mỏ chợt nhận ra, tiền còn cần dùng cho rất nhiều việc khác ngoài xe hơi, tại sao lại chạy V8 mà không chạy chiếc xe 4 máy nhỏ tý?
Nước Nhật vốn coi công nghiệp ô tô là chìa khóa để thoát khỏi hậu quả nặng nề của thế chiến thứ 2, đã dồn sự tập trung vào ngành công nghiệp ô tô trong giai đoạn này. Thiết kế thân thiện, công nghệ đơn giản, giá thành cạnh tranh… là những yếu tố làm nên thành công. Toyota như 1 đại diện của xe Nhật đã làm ra những chiếc xe bền bỉ, dễ sửa chữa, phù hợp số đông.
Nếu mà để so sánh thông số với các hãng xe đến từ châu Âu hay Mỹ, xe Nhật khó có cửa để cạnh tranh. Tuy nhiên giá bán và các tiêu chí thiết kế xe hướng đến điều khách hàng cần đã làm cho các hãng xe Nhật chiếm lĩnh thế giới. Thiết kế gần gũi, bền bỉ, hướng đến các nhu cầu người dùng, đơn giản trong chế tạo để giảm giá (hãy thử so sánh dàn gầm xe Nhật với xe Đức), động cơ nhỏ để tiêu thụ nhiên liệu ít, bảo dưỡng rẻ, thậm chí phụ tùng cũng rẻ… và quan trọng nhất là giá thành hợp lý, nằm trong khả năng của đại đa số khách hàng, là con đường các hãng xe Nhật đã chọn.
Với thành công trong con đường xây dựng những chiếc xe “cần thiết”, nghiên cứu và phát triển những yếu tố đáp ứng kỳ vọng của phần đông khách hàng cụ thể như “ăn ít xăng hơn nữa”, bền hơn nữa, rẻ hơn nữa, êm hơn nữa, bán lại được giá hơn nữa, điều hòa mát hơn nữa đi… Toyota luôn tôn trọng độ bền, họ thậm chí sử dụng những chiếc xe số AT 4 cấp trong khi các hãng khác đã sử dụng đến 6-7 cấp từ đời nào. Toyota không dùng công nghệ mới khi chưa chắc chắn là nó phải bền bỉ. Họ tập trung vào kiểm soát chất lượng sản phẩm, cải tiến những chi tiết như làm sao cho tiếng cửa đóng nghe êm hơn, thêm 1cm rộng hơn cho người ngồi ghế sau, giá để cốc uống nước cho mọi người… Trong các công ty Nhật có một thuật ngữ là “Kaizen”, nôm na hiểu là ngày nào mà không nghĩ ra cái gì để làm tốt hơn công việc, thì ngày ấy ngủ không ngon. Tiếng Việt nôm na là “cải tiến”.
Đơn giản, hiệu quả, chi tiết, tập trung vào nhu cầu khách hàng là những gì làm nên thành công của những hãng xe Nhật. Toyota tự hào là người mang đến cảm giác lái xe dễ chịu nhất cho rất nhiều người, cũng như Honda luôn đem đến trải nghiệm cảm giác lái thú vị cho những khách hàng của mình (tất nhiên thông tin đó là do bổn hãng đưa ra).
Những năm 90 đã đánh dấu thành tựu đáng kể của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. Toyota Supra, Honda NSX và Nissan GTR, Mazda RX7, Subaru STi, Lancer Evo… với những công nghệ tiên tiến thời bấy giờ, đã đưa các hãng xe Nhật lên 1 tầm cao mới. Xe Nhật đã mang đến khả năng sở hữu xe sport cho giới trẻ thời bấy giờ, với chi phí có thể nói là rất hợp lý. Những chiếc xe sport nhỏ nhẹ thậm chí đã tạo nên cả 1 xu hướng đua xe mới: Drift.
Người Nhật thậm chí đã vươn lên tầm của những khách hàng xe Đức bằng cách lập ra những thương hiệu xe sang của Nhật, sản xuất ra những gì khách hàng “mong muốn”. Kể cả ở phân khúc xe hạng sang, nhu cầu về tiện nghi và êm ái vẫn được coi trọng hơn thiết kế và hiệu năng. Lexus, Infinity, Acura cũng đã từng gặt hái thành công khá tốt, mặc dù họ vẫn bị người Đức dẫn trước trong mảng hiệu suất. Những gì Porsche, Mercedes, BMW tạo ra thật khó mà đánh bại. Những chiếc Porsche, BMW M, AMG, Audi RS ngày càng nhanh hơn, và với sự vượt trội về kinh nghiệm cũng như công nghệ chế tạo xe hiệu suất, người Đức đã đạt được kết quả là Toyota Supra đời nay sử dụng động cơ BMW. Điều này có thể nói là may mắn cho thế giới, vì chúng ta không thể sử dụng 1 thương hiệu xe duy nhất cho tất cả các loại ô tô: xe sang, xe đua, xe limousine, xe giá rẻ, xe đi chợ, xe taxi… tất tật đóng mác Toyota. Lúc đó ngành công nghiệp ô tô sẽ trở nên buồn tẻ, mọi người sẽ gọi ô tô là “Toyota’’ như đã từng gọi xe máy là “xe honda” vậy.
Tóm lại, người Nhật không cần phải tạo ra những chiếc xe mà một đứa trẻ sẽ lấy làm mơ ước trong cả cuộc đời của nó, họ tập trung sản xuất những gì bố mẹ đứa trẻ cần ngay ngày hôm nay. Mọi người có thể mơ ước sở hữu 1 chiếc BMW, Jaguar, Mustang, AMG, 911… nhưng hãy mua Toyota.