Tương lai của di chuyển
Loài người tiến hóa là nhờ di chuyển. Từ thuở hồng hoang cho tới thời hiện đại, sự tiến hóa trong phương thức di chuyển luôn song hành với sự phát triển của xã hội loài người. Giờ đây, những phương tiện thông minh mang trí tuệ nhân tạo dường như đã vượt xa khỏi các khái niệm di chuyển truyền thống của con người.
Khi con người dùng đôi chân trần của mình để săn bắt hái lượm, xã hội nguyên thủy ra đời. Khi con người dùng xe kéo, ngựa cưỡi, xã hội phong kiến ra đời. Khi những cỗ xe ngựa kéo được thay thế bằng phương tiện dùng động hơi nước rồi đến động cơ đốt trong, xã hội tư bản ra đời... Giờ đây, khi những chiếc xe điện mang bộ não AI xuất hiện, xã hội loài người đang bước những bước đầu tiên vào kỷ nguyên 5.0.
Xã hội nguyên thủy mất hàng vạn năm để hình thành, xã hội phong kiến mất hàng ngàn năm để định hình, xã hội tư bản mất hàng trăm năm để phát triển, còn thế giới phẳng trên internet chỉ mất vài chục năm để có những bước nhảy vọt, đưa xã hội tiến lên một nấc thang mới. Sự thay đổi căn bản của xã hội loài người dường như ngày càng ngắn lại, tốc độ ngày càng nhanh hơn, nhưng trên thực tế, sự thay đổi tư duy của con người lại thường đi sau sự phát triển về khoa học công nghệ một bước. Đó luôn là rào cản cho những người đi tiên phong.
Năm 1886, khi Carl Benz lái chiếc Benz Patent Motorwagen đầu tiên ra phố, ông đã nhận được không ít sự cười chê từ mọi người khi cho rằng, cỗ máy này chỉ là một trò đùa bởi khả năng di chuyển chậm chạp và thiếu tin cậy – những điều mà xe ngựa kéo đang làm tốt hơn nhiều. Nhưng chỉ vài chục năm sau, những chú ngựa dần biến mất trên đường phố và kỷ nguyên của xe hơi bắt đầu.
Một trăm năm sau đó, một cuốn sách xuất bản năm 1996 có tên gọi "Phụ nữ và Máy tính" viết rằng, nhiều chị em phụ nữ mắc chứng sợ máy tính. Họ cảm thấy sợ sệt mỗi khi nghĩ đến hay ai đó nói đến máy tính. Cuốn sách này cũng cho biết rằng phụ nữ sợ sẽ trở thành nô lệ của máy tính. Không đầy 10 năm sau đó, nhân loại nhận ra rằng, thế giới này sẽ chẳng làm gì được nếu thiếu những chiếc máy tính.
Quay trở lại với sự di chuyển. Có lẽ, nếu dầu mỏ là nguồn tài nguyên vô tận và thế giới không bị nóng lên bởi khí thải carbon, thì sẽ còn rất lâu nữa, người ta mới nghĩ tới chuyện sử dụng những chiếc xe điện để thay thế cho xe động cơ đốt trong. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ và hiệu ứng nóng lên toàn cầu là cú hích quan trọng để các hãng xe trên thế giới buộc phải dành nhiều hơn sự đầu tư nghiên cứu để tạo ra các phương án di chuyển thay thế.
Có rất nhiều hướng đi cho sự thay thế xe động cơ đốt trong truyền thống đã ra đời và sự thành công cũng ở các mức độ khác nhau. Từ xe động cơ lai (hibryd) để giảm thiểu khí thải và nhiên liệu, xe sử dụng nhiên liệu khí gas để “sạch” hơn xăng dầu cho tới xe sử dụng nhiên liệu hydro hoàn toàn tinh khiết và siêu sạch, tất cả các phương án đó dường như vẫn chỉ là câu chuyện quá độ cho một kỷ nguyên phương tiện khác đang dần chiếm ưu thế và không ngừng phát triển: ĐIỆN.
Trong lịch sử, xe điện ra đời từ rất sớm, trước cả xe động cơ đốt trong. Năm 1832, nhà phát minh người Scotland Robert Anderson đã chế tạo ra một cỗ xe điện thô sơ đầu tiên, nhưng pin (tế bào điện) không thể sạc lại được, nên thời đó nhiều người cho rằng chỉ là trò lừa khi phương tiện chủ yếu là bò, ngựa dùng để kéo chiếc xe khi hết điện. Sự hạn chế về khoa học kỹ thuật đã khiến cho tương lai của xe điện phải nhường bước cho kỷ nguyên của xe động cơ đốt trong trong suốt hơn 150 năm sau đó.
Đó là một khoảng thời gian quá dài để tư duy xe động cơ đốt trong ăn sâu vào cách nghĩ của loài người. Chính vì thế, năm 2003, khi Tesla công bố kế hoạch sản xuất xe thuần điện của mình, nhiều chuyên gia trong ngành xe đã tỏ ra dửng dưng và cho rằng “đây là một dự án thiếu thực tế”. Tesla đã bị chê cười trong suốt một thập kỷ sau đó bởi công ty luôn phải chịu lỗ lớn trong quá trình phát triển, ngay cả khi những chiếc Roadster đầu tiên và một số mẫu xe khác đã lăn bánh. Chỉ đến khi Tesla công bố hệ thống tự lái thương mại đầu tiên Autopilot vào năm 2014 và lợi nhuận của công ty lên tới 31,54 tỷ đô la vào năm 2017, đạt giá trị ước tính 596 tỷ đô la, gấp nhiều lần “ông lớn” từng là số 1 thế giới trong suốt 100 năm là Toyota với vỏn vẹn 195,7 tỷ đô la, thì thế giới mới nhận ra rằng, thời của xe động cơ đốt trong có lẽ sắp lụi tàn.
Ở Việt Nam, khi hãng xe ô tô thương hiệu Việt đầu tiên ra đời vào năm 2017, rất nhiều người đã tỏ ra hồ nghi về tương lai và sự thành công của hãng xe non trẻ này, bởi trước đó, các “ông lớn” lắp ráp xe trong nước như Thaco hay TC Motor dù là DN Việt rất hùng mạnh và giàu kinh nghiệm, nhưng không một ai mảy may có ý định làm ra một thương hiệu xe cho Việt Nam. “Thần tốc” là cụm từ mà VinFast đã làm cho không chỉ Việt Nam mà cả thế giới phải sững sờ với sự phát triển nhanh tới chóng mặt và lòng quyết tâm không gì cản nổi. 21 tháng kể từ khi khởi công từ một bãi bùn men biển, tổ hợp nhà máy VinFast Cát Hải khánh thành với quy mô sản xuất 500 ngàn xe một năm. Mẫu xe VinFast Lux lần đầu tiên bước ra thế giới tại Paris Motor Show năm 2018. Năm 2021, sau khi đại dịch tạm lắng, VinFast tuyên bố trở thành hãng xe thuần điện, bắt đầu chinh phục thế giới bằng những phương tiện xu thế của tương lai trong sự ngỡ ngàng của mọi người.
Cho tới tận bây giờ, khi 999 chiếc xe VF8 đã được bán tại thị trường Mỹ, thì các cuộc tranh luận, hồ nghi và chê cười thương hiệu xe thuần điện non trẻ của Việt Nam vẫn chưa có hồi kết. Tất nhiên, cũng giống như Tesla, những tiếng cười chê dần tắt khi chúng ta ngày càng bắt gặp nhiều hơn những chiếc xe điện VinFast trên đường phố.
Vậy thì xe điện liệu có phải là tương lai di chuyển của loài người? Khác với xe xăng là một sản phẩm hoàn thiện ngay từ khi ra khỏi nhà máy, xe điện là một phương tiện có thể liên tục cập nhật và nâng cấp để ngày càng tiến hoá hơn. Sự can thiệp của máy tính trung tâm đã dần biến một phương tiện di chuyển vô tri thành một người bạn đường thông minh, một trợ lý ảo luôn hỗ trợ bạn trên mọi hành trình. Internet vạn vật kết nối, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa là những yếu tố dẫn đến sự thay đổi lớn đối với các phương tiện di chuyển trong tương lai.
Những bước đột phá to lớn của khoa học đã mang lại nhiều cải tiến, đặc biệt đối với ngành giao thông. Các chuyên gia dự đoán sau năm 2028 sẽ có 10 triệu xe hơi tự lái xuất hiện trên đường phố, hơn 250 triệu xe hơi thông minh sẽ được sử dụng rộng rãi.
Không chỉ với các phương tiện vận tải cá nhân, công nghệ điều khiển thông minh và tự động hoá cũng bao trùm lên các lĩnh vực vận tải hạng nặng. Hãng Daimler vừa đưa vào thực nghiệm chiếc xe tải 18 bánh hoàn toàn tự động tại Mỹ, được điều khiển tương tự như cách người ta điều khiển những chiếc máy bay không người lái (UAV). Còn hãng xe Rolls-Royce đang hướng ra giao thông đường biển. Họ cho biết sẽ phát triển tàu thương mại có thể vận chuyển hàng hóa mà không cần con người. Nhiều tàu sẽ được điều khiển cùng lúc bởi một trung tâm trên đất liền. Các chuyên gia dự đoán những con tàu điều khiển từ xa phục vụ mục đích thương mại sẽ được đưa vào sử dụng khoảng cuối thập kỷ này.
Bất kể tàu hỏa, máy bay hay ô tô, tất cả các thiết bị kết nối sẽ có thể tự thu thập thông tin từ những hệ thống dữ liệu khổng lồ. Các phương tiện này sẽ sử dụng những thông tin trên để cải thiện độ an toàn và hiệu quả nhờ vào kết quả được tổng hợp lại. Ngành công nghiệp vận tải đang thay đổi từng ngày và chịu tác động đặc biệt bởi dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), mạng lưới Internet vạn vật (IoT). Hệ thống phương tiện di chuyển của con người đang ngày càng trở nên an toàn, hiệu quả và thông minh hơn.
Còn trong thì hiện tại, người Việt Nam hoàn toàn có thể thoả mãn mọi nhu cầu di chuyển của mình trên 2 mẫu xe điện thông minh mang thương hiệu Việt VinFast VF8 và VF9 với tính năng tự hành cấp độ 3 và 4, cùng các ứng dụng tiện ích và giải trí thông minh như: bộ ứng dụng Ngôi nhà thông minh (Smart Home), Văn phòng di động (Mobile Office), Mua sắm trên xe (In-car Shopping), Giải trí trên xe (In-car Entertainment) cùng nhiều tính năng ưu việt cho trải nghiệm đầy hứng khởi trên mọi hành trình và cuộc sống thường nhật.