Sau khi bị “huyền thoại nước Ý” tạt một gáo nước lạnh bởi thương vụ mua bán bất thành, Henry Ford đã tuyên bố: “Được rồi, chúng ta sẽ đánh bại hắn, chúng ta sẽ đua với hắn”. Kể từ đó, việc hạ bệ Enzo Ferrari trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu của ông trùm nước Mỹ. Không hề do dự, Henry Ford cho khởi động ngay một dự án đầy tham vọng mang tên GT. Những kỹ sư và nhà thiết kế giỏi nhất của Ford lúc bấy giờ đều được tập trung lại với mục tiêu cao nhất là cho ra đời một chiếc xe có thể đánh bại xe của Ferrari trên tất cả các đường đua.
Để thắng Lemans, Ford cần đánh bại chiếc xe nhanh nhất tại giải đua thời bấy giờ. Và cái tên này không ai khác ngoài Ferrari 330P. Ở thời điểm đó, mẫu xe “ngựa chồm” sở hữu thiết kế khí động học tối ưu, sử dụng công nghệ phun nhiên liệu tiên tiến và hộp số Italy chất lượng cho những cuộc đua dài hơi kết hợp với động cơ V12 mạnh mẽ. 330P là một chiếc xe đua quyến rũ với màu đỏ Rosso của Ferrari trên đường đua.
Nỗ lực đánh bại Ferrari lần đầu tiên được Ford dồn tâm huyết vào chiếc Lola Mk6 dùng máy V8 ra đời năm 1963 với của Ford nhưng gặp phải thất bại nặng nề. Không hề nản chí, đến mùa xuân năm 1964, tuyệt tác đầu tiên mang tên GT40 chính thức ra đời sau khi Ford quyết định hợp tác đội đua huyền thoại đến từ nước Anh: Lola, cùng lời hứa hẹn sẽ mang đến những giải pháp hiệu quả cho chương trình của Ford với đội kỹ sư tài năng của mình. Cũng bởi màn hợp tác này mà Ford chuyển đội đua của mình tới hoạt động tại London dưới danh nghĩa Ford Advanced Vehicles.
Sở dĩ chiếc xe có cái tên GT40 là vì chiếc xe có chiều cao đúng 40 inch. Mẫu xe ra đời là sự kết hợp của Ford với cựu quản lí đội đua Aston Martin – John Wyer và Roy Lunn – kĩ sư thiết kế chiếc Ford Mustang I concept với động cơ đặt giữa. Chiếc GT40 đầu tiên mang theo nhiều kỳ vọng của hãng xe Mỹ với biệt danh “Ferrari 330 Killer”. Mẫu xe mới chính thức trình làng tại London vào tháng 4/1964, sử dụng khối động cơ Fairlane 4.7L, trục xe Colotti, đầu xi lanh Gurney-Westlake. Ngay trong năm đó chiếc xe của Ford có mặt tại đường đua Le Mans, thế nhưng cả ba chiếc GT40 tham gia đều không thể hoàn thành được vòng đua cuối cùng, dẫu vậy một kỷ lục mới vẫn được GT40 lập nên: tốc độ trung bình 209 km/h.
Siêu xe chất Anh nhưng mang trên mình trái tim của nước Mỹ, mang niềm tin và hy vọng của Henry Ford lần đầu tiên xuất hiện tại sân bay JFK, Mỹ. Được kiểm tra kỹ càng bởi các kỹ sư của Ford trước khi trở về châu Âu để tham chiến tại đường đua.
Thế nhưng GT40 lại có khởi đầu không mấy trơn tru, lần đầu xe gặp vấn đề với việc trục trặc ngay giảm xóc buộc toàn đội phải rút lui ngay tại giải đua Nurburgring vào tháng 5 năm 1964. Xe cũng tranh tài tại Lemans cùng năm, tuy nhiên cả ba xe tham dự đều bỏ cuộc khi cuộc đua chưa đi được nửa chặng đường, một xe bị bắt lửa, hai xe còn lại bỏ cuộc vì trục trặc hộp số có nguồn gốc từ Italy– một nỗi hổ thẹn cho đội đua xứ cờ hoa. Trong khi ấy đội đua ngựa chồm giành 5 vị trí trong số 6 vị trí về đầu.
Chính lúc khó khăn này, sự xuất hiện của nhân vật tiếng tăm Carroll Shelby đã thay đổi mọi thứ. Cựu tay đua lẫy lừng đã phát triển thành công mẫu xe Shelby Daytona Coupe với rất nhiều chiến thắng, đồng thời cũng chiến thắng Lemans 1959 trên chiếc Aston Martin DBR1. Sau khi xem xét, Shelby nhận xét sức mạnh của GT40 giảm đi đáng kể bởi thiết kế khí động học quá tệ hại, ông thiết kế lại chiếc xe, tăng công suất từ 350 lên 450 mã lực. Nhờ vậy lực cản xe giảm còn 0.37. Chiếc xe sau đó giành chiến thắng Daytona 2000 với tay đua nổi tiếng Ken Miles và Lloyd Ruby vào tháng 2 năm 1965. Mang theo hi vọng tới Lemans 1965 và sau cùng lại thêm một lần đau, tất cả những chiếc GT40 đều bỏ cuộc sau 7 giờ đua bởi trục trặc kĩ thuật và quá nóng, Ford đành ngậm ngùi nhìn đối thủ Ferrari bước lên bục vinh quang tại Pháp một lần nữa cùng với số tiền đầu tư 6 triệu USD (khoảng 45 triệu USD ngày nay) đã không mang lại kết quả nào.
Đến năm 1966, với tài năng của Shelby cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ các kỹ thuật viên và các tay đua trong đội, Ford đã giành hàng loạt chiến thắng tại Daytona, Sebring 12h với GT40 trong khi Ferrari ghi dấu ấn ở Monza 1000 km, Targa Florio, Nurburgring và Spa. Nhưng cuộc chiến thật sự của hai gã khổng lồ chính là cuộc đua Lemans năm ấy, Ferrari mang đến con át chủ bài mới nhất 330 P3 của mình. Khi trời còn sáng, Ford dẫn đầu đoàn đua theo thứ tự 1-2-3 với khoảng cách 24 giây khá an toàn so với đối thủ. Nhưng khi màn đêm buông xuống, chính chiếc 330 P4 trở thành kẻ dẫn đầu và GT40 lại trở thành kẻ bám đuổi. Bất ngờ một trận mưa lớn ngay sau đó trở thành cứu tinh cho đội đua Mĩ. Hai chiếc 330 bị mất lái do mưa lớn và phải bỏ cuộc sau khi va chạm, để lại một mình chiếc Ferrari dẫn đầu. Một chiếc GT40 cũng bị va chạm bởi dầu loang trên mặt đường. Và bước ngoặt cuộc đua đã diễn ra khi chiếc Ferrari dẫn đầu bị nổ lốp khiến cho toàn bộ đội xe ngựa chồm không còn xe nào tranh tài. Và cuộc báo thù của Henry Ford cuối cùng cũng thành công, ba chiếc GT40 về đích theo thứ tự 1-2-3 lần đầu tiên mang lại cho Ford vinh quang tại Lemans và di sản của GT40 vẫn còn kéo dài tới tận ngày nay.
Trong bốn năm từ 1966 đến 1969, GT40 liên tiếp giành được vị trí quán quân tại đường đua Le Mans, Giải Vô địch Xe thể thao thế giới và Giải Vô địch Các nhà sản xuất xe hơi. Hồi bấy giờ đây là ba giải đua danh giá bậc nhất hành tinh, đánh dấu thời kỳ đỉnh cao của huyền thoại này. Nhưng rồi vinh quang cũng ra đi khỏi GT40. Vào các năm sau đó, chiếc xe bị các đối thủ khác của Ferrari, Mercedes, Lamborghini…bỏ lại phía sau trên các đường đua lớn những những gì GT40 từng làm được vẫn được xem là niềm tự hào của nước Mỹ.