Toyota Avanza và Mitsubishi Xpander: MỘT LỐI ĐI, HAI SỐ PHẬN

Cùng thành công rực rỡ tại thị trường ô tô hàng đầu khu vực, nhưng khi về Việt Nam, số phận của Toyota Avanza và đối thủ trực tiếp Mitsubishi Xpander lại hoàn toàn khác biệt.

Avatar của Hoàng Linh

 

Hai mẫu xe nhiều tương đồng và cùng thành công tại Indonesia nhưng đối mặt số phận hoàn toàn khác biệt khi tới Việt Nam.

Cả Xpander và Avanza đều được phát triển tại Indonesia, với những tiêu chí rất rõ ràng nhằm đáp ứng nhu cầu bản địa: giá rẻ, dễ sử dụng, tiện dụng, chi phí sở hữu thấp theo thời gian. Công thức này đã giúp cả hai mẫu xe dễ dàng đạt thành công ngay khi xuất hiện trên thị trường Indonesia, cũng như nước láng giềng Malaysia sau đó. Suốt 14 năm vừa qua, Avanza liên tục là mẫu xe bán chạy nhất tại Indonesia, với doanh số cộng dồn lên tới 1,8 triệu xe tính tới hết năm 2019. Trong khi đó, từ ngày đầu xuất hiện, Xpander cũng không kém cạnh, khi luôn bám sát ở vị trí thứ hai, thậm chí vượt lên dẫn đầu trong 9 tháng đầu năm 2019. Mẫu xe này thậm chí đưa Indonesia trở thành thị trường lớn nhất của Mitsubishi trên toàn cầu.

Sự thành công này khiến cả Toyota và Mitsubishi rất tự tin khi đưa sản phẩm về thị trường Việt Nam. Hệ quả là, cả hai mẫu xe về nước cùng một thời điểm (tháng 9-2018). Tuy nhiên, trong khi Xpander chỉ mất hơn một năm để chiếm vị trí thứ hai về doanh số trên thị trường (20.098 xe trong năm 2019), điều từ trước tới nay chưa có sản phẩm nào làm được, Avanza lại không được chào đón nồng nhiệt bằng. Tuy xếp sau Toyota Vios (27.180 xe), doanh số Xpander vẫn vượt xa nhiều dòng ô tô đã có thời gian khẳng định mình ở thị trường Việt Nam rất dài. Điều này cho thấy mẫu xe của Mitsubishi thuyết phục được người dùng trong nước với tốc độ đáng kinh ngạc. Ngoại trừ tháng 2 và tháng 4 gặp khó khăn do thiếu nguồn cung, Xpander luôn lập “đỉnh” về doanh số, đôi khi vượt cả Vios để chiếm vị trí dẫn đầu thị trường Việt Nam.

Đây là điều rất lạ bởi hai mẫu xe có sự tương đồng không nhỏ, như cùng thuộc thương hiệu Nhật Bản, cùng lắp ráp tại khu vực Đông Nam Á, tùy chọn khá tương đồng, mức giá cùng rất cạnh tranh… Thực tế cho thấy, trong toàn năm 2019, chỉ có 663 chiếc Avanza tới tay người dùng, tức là chưa tới 1/30 doanh số Xpander. Đây là điều hết sức kì lạ, đặc biệt là khi xét tới thực tế rằng Avanza là mẫu xe mang thương hiệu mạnh, lại khá gần gũi với Innova – vốn là sản phẩm giữ ngôi vương phân khúc xe đa dụng (MPV) tại Việt Nam suốt nhiều năm.

 

Ngoại hình, thương hiệu và tính năng tốt giúp Xpander vượt lên Avanza trong việc tiếp cận người dùng Việt.

Thứ đến, chỉ cần nhìn vào thiết kế xe Xpander là có thể hiểu tại sao người dùng dễ bị chinh phục đến vậy. Trong tư duy chung về những chiếc MPV cục mịch và cũ kĩ, Xpander nổi bật như một chiếc xe trẻ trung, năng động, không hề mang dáng dấp của một chiếc “taxi” hay xe chuyên chở. Theo nhận định từ các đại lý, đây cũng là điểm mạnh hút sự chú ý của người tiêu dùng lớn nhất. Thứ đến, Xpander dài hơn Avanza tới gần 30cm, mang lại lợi thế lớn về không gian khoang lái. Trục cơ sở dài hơn và khoảng cách giữa hai bánh lớn giúp Xpander có lợi thế về cảm giác lái. Nhiều ý kiến từ phía người dùng cũng cho rằng, điều khiển chiếc xe của Mitsubishi có gì đó giống một mẫu SUV nhiều hơn là MPV.

Bên cạnh đó, tùy chọn tính năng tiện nghi của Xpander cũng có phần nổi trội. Những đặc điểm như vậy là ưu thế rất lớn đối với người dùng cá nhân và gia đình, giúp Xpander tạo thiện cảm ban đầu tốt hơn nhiều sự linh hoạt trong phố, chi phí sở hữu thấp, độ tin cậy cao, dễ sửa chữa. Những điểm là thế mạnh của Avanza này cần phải có thời gian để chứng minh. Chính vì vậy, không lạ khi Xpander cần rất ít thời gian để chinh phục thị trường trong nước và đạt doanh số “khủng”. Về phần mình, việc bị khách hàng phân vân lựa chọn với đàn anh Innova cũng phần nào khiến Avanza lép vế trước đối thủ.

Tuy nhiên, thành công nhanh chóng cũng điểm yếu của Xpander. Cố gắng duy trì giá thành rẻ, sự bùng nổ doanh số đang đặt ra thách thức về đảm bảo chất lượng sản phẩm lẫn khả năng duy trì dịch vụ sau bán hàng đủ tốt. Tháng 5-2019, nhiều khách hàng phản ánh lỗi hụt hơi khi tăng tốc của Xpander. Tới tháng 10 cùng năm, Mitsubishi đã phải triệu hồi xe để thay thế, sửa chữa lỗi bơm xăng. Nguồn cung phụ tùng trong nước cũng có dấu hiệu không theo kịp lượng bán hàng tăng lên nhanh chóng. Như vậy, nếu không cẩn trọng sắp xếp và điều chỉnh lại chiến lược cung ứng, Xpander dễ “một phút huy hoàng rồi chợt tắt”. Trong khi đó, với chất bền bỉ và độ tin cậy trứ danh của mình, Avanza rất có thể lật ngược thế cờ khi có đủ thời gian “thẩm thấu” vào thị hiếu người dùng Việt Nam.

 

Mitsubishi sẽ tiến tới lắp ráp trong nước Xpander kể từ giữa năm 2020 nhằm giải quyết vấn đề nguồn cung phụ tùng, cho phép tùy biến tính năng tốt hơn.

 

Ngoài ra, doanh số của Xpander lúc này hoàn toàn trái ngược với các sản phẩm còn lại của Mitsubishi. Outlander, Mirage, Pajero… hiện tại đều không thể cạnh tranh với các đối thủ cùng phân khúc. Trong khi đó, với tiềm lực của mình, các “đại gia” Nhật Bản và Hàn Quốc luôn có đủ khả năng tung ra những lá bài mới nhằm tạo sóng trên thị trường xe, song song bổ sung tùy chọn, giảm giá bán nhất thời để tăng doanh số đột biến, lấy lại vị thế dẫn đầu. Đây cũng là chiêu bài được không ít hãng sử dụng trong dịp cuối năm 2019 vừa qua.

Chính vì vậy, nếu không rút ra được bài học từ thành công của Xpander để phát triển sản phẩm, mà chỉ vin vào mẫu xe này để tồn tại, Mitsubishi có thể sẽ lĩnh trái đắng trong thời gian tới, không chỉ tại Việt Nam mà cả thị trường khu vực.

 

Hoàng Linh (theo http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/955574/toyota-avanza-va-mitsubishi-xpander-mot-loi-di-hai-so-phan)

 
הערות