Giữa “làn sóng đỏ” bao trùm thị trường ô tô Việt Nam, phân khúc crossover cỡ nhỏ (B/B+) trở thành điểm sáng hiếm hoi trong tháng 4/2025. Báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), VinFast và TC Group (Hyundai) cho thấy tổng doanh số của phân khúc này đạt 6.425 xe, tăng 11,4% so với tháng 3 (5.766 xe).
Trong đó, ba cái tên đầu bảng đều sở hữu số liệu bán hàng vượt mốc 1.000 xe, lọt top 10 ô tô bán chạy nhất toàn thị trường.
Sau khi bị Toyota Yaris Cross vượt lên, VinFast VF 6 chỉ mất 1 tháng để đoạt lại ngôi đầu phân khúc với mức tăng trưởng hơn 60%, đạt 1.763 xe. Thành tích này còn giúp mẫu VinFast có tháng thứ hai trở thành mẫu xe có sức tiêu thụ tốt thứ 3 toàn thị trường.
Trái lại, lượng xe Yaris Cross đến tay khách hàng thấp hơn 105 chiếc so với tháng 3, rơi xuống vị trí thứ 2 phân khúc và thứ 7 toàn thị trường, song sự sụt giảm này chưa thể phản ánh phong độ của đại diện Nhật Bản.
Đứng ngay sau mẫu Toyota trong cả 2 bảng xếp hạng bất ngờ là Hyundai Creta với 1.059 xe, tăng “khủng” 122,4% so với tháng trước (476 xe). Không chỉ “gánh” gần 1/3 doanh số của hãng xe Hàn Quốc, Creta còn là sản phẩm duy nhất nhà Hyundai góp mặt trong nhóm 10 ô tô bán tốt nhất tháng vừa rồi.
Ngoài những lợi thế đặc trưng của từng mẫu xe như chi phí vận hành thấp hay danh sách trang bị tiện nghi, an toàn đáp ứng được nhu cầu số đông, điểm chung của bộ ba nêu trên nằm ở giá bán hấp dẫn. Nếu Yaris Cross đã và đang có chương trình hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ – tương đương 33-38 triệu đồng, thì Creta thậm chí được ưu đãi lên đến 100% lệ phí trước bạ cho mọi phiên bản thuộc lô xe xuất xưởng trong năm 2025 (VIN 2025) – theo ghi nhận tại một số đại lý, đưa giá bán thực tế từ 599-699 triệu đồng xuống 539-629 triệu đồng.
Động thái đại hạ giá được cho là nhằm mở đường cho phiên bản nâng cấp giữa vòng đời của Creta, dự kiến ra mắt vào cuối tháng này.
Trái với tình hình khả quan của nhóm trên, Mitsubishi Xforce lại tiếp tục chìm trong “sắc đỏ”. Từ "gương mặt" triển vọng với vị trí số 1 phân khúc trong năm 2024, Xforce lại đang loay hoay tìm lại vị thế vốn có khi bước sang năm 2025.
Trong tháng 4, doanh số của mẫu xe ghi nhận mức tăng trưởng âm lên đến 35,4% so với mức 948 chiếc ở tháng trước - lớn nhất phân khúc CUV cỡ B/B+ - và chỉ nhỉnh hơn Toyota Corolla Cross 40 xe. Đáng chú ý, khách hàng mua Xforce không chỉ được khuyến mại 50% lệ phí trước bạ trong tháng 4, mà còn được giảm thêm tối đa 30 triệu đồng tại một số đại lý đối với phiên bản Ultimate (VIN 2024), song chừng ấy chưa đủ tạo đột biến.
Tính từ đầu năm 2025 đến nay, khoảng cách giữa Yaris Cross và Xforce đã nới rộng lên 652 xe.
Tương tự “đàn em” Yaris Cross, sức bán của Corolla Cross cũng đi xuống khoảng 7,4%, cho thấy sự “chèn ép” không hề nhỏ từ nhóm C-CUV có giá bán khởi điểm thực tế dưới 700 triệu đồng như Mazda CX-5 hay Ford Territory. Đối phó với thách thức này, Toyota hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho người mua xe, hạ giá bán thực tế từ 820-905 triệu đồng về 779-859 triệu đồng.
Xếp thứ 6 là Honda HR-V, mẫu xe vừa đón phiên bản nâng cấp giữa vòng đời hồi đầu tháng 4. HR-V facelift được tinh chỉnh về thiết kế, bổ sung nhiều trang bị, đi kèm giá bán có điều chỉnh giảm nhưng vẫn đắt nhất phân khúc (699-869 triệu đồng).
Dù giao ít hơn 128 xe so với tháng 3 nhưng Honda vẫn đứng trên Kia Seltos (436 xe, giảm 7,6%). Từng là “vua” phân khúc trong giai đoạn 2021-2022, Seltos dần “hụt hơi” trước Hyundai Creta và các đối thủ Nhật Bản. Bản nâng cấp ra mắt vào năm 2024 dù sở hữu thiết kế thuận mắt, nội thất tương đối rộng rãi và nhiều trang bị mới, nhưng chừng ấy chưa đủ khiến mẫu xe đa dạng phiên bản nhất Việt Nam nổi trội so với mặt bằng chung phân khúc.
Bộ đôi nhà Mazda là CX-3 và CX-30 tiếp tục “chốt sổ” bảng xếp hạng, mặc cho tăng trưởng tương ứng lần lượt 9,3% và 27,3%.
Phân khúc CUV hạng B và B+ còn có sự tham gia của hàng loạt “gương mặt” khác, song nhà phân phối không công khai số liệu kinh doanh. Ngoài đại diện Nhật Bản như Subaru Crosstrek hay gốc châu Âu như Peugeot 2008, những xe còn lại đều đến từ các thương hiệu Trung Quốc, bao gồm Geely Coolray, Haval Jolion, Lynk & Co 06, MG ZS và Omoda C5.
Nhìn chung, dòng chuyển dịch mạnh mẽ thị hiếu của khách hàng sang nhóm xe gầm cao, đa dụng cộng hưởng với các chương trình ưu đãi lớn, giảm giá sâu giúp phân khúc cạnh tranh khốc liệt bậc nhất thị trường ô tô Việt Nam duy trì sức nóng. Khách hàng ngày càng được hưởng lợi từ “cuộc đua vũ trang” của các nhà sản xuất, thêm tiện nghi, công nghệ an toàn với giá bán không đổi, thậm chí giảm sâu để thuyết phục khách hàng, đánh vào tâm lý thích “tiền ít, thịt nhiều” của người Việt.