Formula 1 là môn thể thao tốc độ danh giá nhất, điều này là rõ rồi nhưng bên cạnh đó nó là một ngành công nghiệp trị giá nhiều tỷ đô. Nó là kênh tiếp thị, quảng bá sản phẩm cực kỳ hữu ích mà những tên tuổi lớn trên thế giới không thể bỏ qua. Trên cả, nó là sân chơi của những ông lớn thực thụ của nền công nghiệp ô tô.
F1 là giải đua được quản lý bởi Liên đoàn thể thao tốc độ thế giới FIA viết tắt từ tiếng Pháp của Federation Internationale de l’Automobile nhưng quyền thương mại của giải đua lại thuộc về Formula 1 Group (FOM) và nhắc đến FOM chắc không ít người biết cái tên Bernie Ecclestone. Lưu ý là FIA quản lý các môn thể thao tốc độ 4 bánh, khác với FIM quản lý các môn 2 bánh.
FOM chịu trách nhiệm quảng bá giải đua tại tất cả các quốc gia trên thế giới và họ có kế hoạch phát triển môn thể thao nào đến những thị trường mới, tìm kiếm tài trợ cho giải đua và tiền thu được một phần trả phí cho FIA, một phần lớn chia lại cho các đội tham gia theo thỏa thuận được biết đến với cái tên Concorde Agreement.
Về phía quốc gia đăng cai giải đua thì sao? Với các quốc gia châu Âu, cái nôi của motorsport thì có nhiều việc để nói nhưng đó lại là những vấn đề mang yếu tố lịch sử và kinh tế trong điều kiện chung của thế giới. Với những quốc gia mới, những thị trường mới, mọi thứ khó khăn hơn rất nhiều.
Để hiểu vấn đề trước hết hãy nói về cái cách mà một quốc gia điền tên mình lên bản đồ F1 thế giới.
Đầu tiên họ phải cạnh tranh với vài quốc gia khác để lấy được 1 chỗ trong lịch đua vốn đã quá dài, lên tới 21 chặng đua ở thời điểm hiện tại. Tiền, sẽ cần rất nhiều tiền để trả phí tổ chức hàng năm cho FOM. Số tiền có thể lên tới 50 triệu Đô mỗi năm và có thể tăng lũy tiến hàng năm tùy thuộc vào năng lực đàm phán của quốc gia đó. Nhưng tiền không phải là tất cả. FOM quan tâm đến cách mà quốc gia đăng cai sẽ làm để quảng bá F1 đến người dân nước sở tại cũng như trong khu vực. Cách mà hình ảnh của giải đua danh giá nhất hành tinh được trình bày trong suốt thời gian trước, trong và sau khi giải đua diễn ra tại đây.
Để tổ chức, cần có một pháp nhân đóng vai trò nhà tổ chức hay còn được biết đến với tên gọi Promoter của giải đua. Đây là đơn vị chịu trách nhiệm xin giấy phép tổ chức giải đua tại thành phố A của quốc gia sở tại, đàm phán và thuyết phục FOM trao quyền tổ chức, xây dựng đường đua theo tiêu chuẩn FIA, tìm kiếm tài trợ thực hiện giải đua, tổ chức thực hiện giải đua theo các điều khoản thống nhất với FOM và thành phố A.
Mỗi quốc gia đăng cai một chặng đua F1 luôn phải có cơ quan quản lý môn thể thao tốc độ này. Cơ quan này được biết với cái tên ASN, viết tắt từ tiếng Pháp của Autorite Sportive Nationale. ASN, hay Liên đoàn Thể thao tốc độ, là cầu nối giữa FIA với Promoter của chặng đua về mặt tổ chức kỹ thuật.
Trở lại vấn đề này với trường hợp cụ thể ở Việt Nam.
Khi thông tin Hà Nội sẽ đăng cai tổ chức chặng đua F1 bắt đầu từ năm 2020 và hợp đồng kéo dài 10 năm đã có rất nhiều ý kiến cho rằng việc đăng cai tổ chức như vậy là không phù hợp trong điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, ngân sách cần được dùng cho những việc khác thiết thực hơn. Những ý kiến đó là dễ hiểu và thông cảm khi mà những vấn đề cốt lõi không được giải thích kỹ lưỡng dấn đến hiểu nhầm.
Đưa F1 về Việt Nam được thực hiện bởi một tập đoàn tư nhân và hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước.
Pháp nhân đóng vai trò Promoter, đơn vị tổ chức, là Vietnam Grand Prix Corporation (VGPC). Đơn vị này hiện đang thực hiện hàng loạt công tác chuẩn bị cho giải đua sang năm mà việc nặng nhất là thi công đường đua tại khu vực Mỹ Đình. Khởi công vào tháng 3/2019 đường đua có đúng 12 tháng để hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm trước khi trai qua đợt kiểm tra cấp chứng chỉ của FIA. Đây là một khối lượng công việc không lồ nhưng mọi việc đang tiến hành trôi chảy.
Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng việc tổ chức các sự kiện đi kèm trong tuần lễ giải đua diễn ra cũng đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo với sự góp sức của rất nhiều người. Nhưng để thành công còn cần vai trò của ASN.
Việt Nam chưa có motorsport đúng nghĩa nên ASN tất nhiên là chưa có. Hiện tại, chúng ta đang xúc tiến thành lập liên đoàn và trước mắt nó được thành lập dưới cái tên HIỆP HỘI THỂ THAO XE ĐỘNG CƠ với tên tiếng Anh là Vietnamese Motorsport Association (VMA). Bỏ qua việc dùng tên thế nào nhưng để thuận tiện cho bài viết xin tạm gọi đơn vị này với cái tên Liên đoàn thể thao tốc độ. Đây sẽ là ASN của Việt Nam, gương mặt đại diện cho motorsport của nước nhà.
Ở các quốc gia có bề dày lịch sử về thể thao tốc độ ASN tập hợp được những con người có thâm niên làm việc trong môn thể thao đặc thù này. Phần lớn các thành viên của ASN là những người đã trai qua nhiều năm tháng tham gia những hình thức đua xe nhất định tối thiểu ở mức nghiệp dư. Một số trong họ là những tay đua nhà nghề. Vai trò của ASN trong bức tranh tổng thể của giải đua F1 đã được nói khái quát ở trên và họ góp phần quan trong trong sự thành công của giải đua.
ASN ở Việt Nam
Chúng ta không thể đòi hỏi thành viên của ASN phải là những con người có thâm niên trong motorsport được, điều đó đơn giản là không thể. Nhưng việc đòi hỏi ASN và những con người họ có hiểu rõ vai trò của ASN là điều chính đáng.
Có vẻ như ASN hiện chỉ tập chung duy nhất đến việc tổ chức giải đua F1 vào năm sau.
Với sự hỗ trợ từ VGPC, cụ thể là việc mời AGPC (Australia Grand Prix Corporation) làm đơn vị tư vấn, VMA đã và đang tổ chức các khóa đào tạo nhân sự chuẩn bị cho việc tổ chức giải F1. Xin không nói về sự thành công của chương trình đào tạo bởi nó mới chỉ diễn ra 1 lần và còn nhiều khóa tiếp theo nữa. VMA đang quá chủ trọng vào 1 nhiệm vụ duy nhất là giải F1 mà thiếu hẳn các động thái cho thấy họ hiểu được vai trò của một cơ quan quản lý môn thể thao tốc độ của quốc gia.
Một ASN hoạt động hiệu quả là khi:
- Xây dựng được các giải đua phong trào trong nước, dẫn tới tổ chức các giải vô địch quốc gia cho các loại hình đua xe khác nhau.
- Tổ chức đào tạo các tay đua từ lứa tuổi nhỏ.
Nhưng quan trong hơn cả ASN còn là đơn vị thông qua các giải đua xe của mình phát đi các thông điệp về các chương trình an toàn giao thông theo chủ chương chung của FIA, như chương trình #3500LIVES đang thực hiện là một ví dụ điển hình.
Bên cạnh đó ASN còn góp phần chính trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho môn thể thao tốc độ vốn chưa hiện hữu tại nước ta. Và tôi biết bạn tôi, “tay vặn vít số 1 Việt Nam” là Vinh Gas69 – hắn sẽ trông ngóng sự chuyển biến của Motorsport nước nhà đến cỡ nào!
Có thể VMA đã có kế hoạch cho những việc được nêu ở trên và nếu vậy chúng ta liệu có thể yên tâm về tương lai phát triển của môn thể thao mới mẻ này!?