Chặng thứ 4 của mùa giải ARRC 2018 vừa diễn ra tại Ấn Độ có lẽ là một trong những chặng đấu “khó khăn” nhất của Honda Việt Nam Racing từ đầu mùa giải tới giờ. Tuy vậy, bất chấp những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, đội đua đã thể hiện một tinh thần quật khởi và một ý chí không lùi bước để có được một chặng đua thành công, đặc biệt là tại nội dung AP250.
Chuyến đi bằng cả vòng trái đất
Sau chuyến bay dài từ TP Hồ Chí Minh, quá cảnh 6 tiếng tại Singgapore rồi mới tới Ấn Độ. Sân bay Chennai đã chào đón đội đua Yuzy Honda Việt Nam Racing không thể “nồng nhiệt” hơn bằng cách… từ chối nhập cảnh tay đua Cao Việt Nam và kỹ thuật viên Trung Dũng của Honda Việt Nam Racing về nước ngay khi vừa đặt chân tới sân bay quốc tế Chennai tại Ấn Độ đêm ngày 31/07/2018 với lí do Visa không hợp lệ.
Đây giống như một tin “sét đánh” với toàn bộ đội đua Yuzy Honda Việt Nam Racing khi đối diện với nguy cơ phải hủy bỏ chặng thi đấu này. Tuy vậy, Honda Việt Nam xác định sẽ cố gắng hết sức để tay đua Cao Việt Nam vẫn có thể thi đấu. Và kể từ đây, tay đua Cao Việt Nam, kỹ thuật viên Trung Dũng đã phải trải qua một cuộc “hành xác”: Mua vé bay về Hà Nội để làm lại Visa và quay lại Ấn Độ trong vòng 3 ngày 2 đêm. Chỉ tính thời gian ngồi trên máy bay thôi cũng đã rơi vào khoảng 32 tiếng. Tức tương đương với việc bay được 1 vòng trái đất. Điều đó còn đồng nghĩa với việc Cao Việt Nam hoàn toàn không có thời gian luyện tập hay chuẩn bị cho chặng đua nữa.
Còn tay đua Lê Khánh Lộc và hai nhân viên kỹ thuật của đội đua Honda Việt Nam Racing là Tuấn Anh và Phạm Tân, dù đã nhập cảnh thành công Ấn Độ theo đúng lịch trình, lại vẫn không thể tiến hành luyện tập do chiếc xe đua của Lộc vẫn không nhập cảnh được cùng với Yuzy Racing Team. Còn ở nội dung AP250, mặc dù kỹ thuật viên Tuấn Anh đã lắp đặt xong chiếc CBR250RR cho Cao Việt Nam nhưng đành “phủ mền” bởi Cao Việt Nam phải về nước làm lại Visa. Khó khăn chồng chất khó khăn với đội đua Honda Việt Nam Racing.
Bất chấp những khó khăn đó, sáng thứ 7 ngày 04/08/2018 Cao Việt Nam với đôi mắt thâm quầng do thiếu ngủ cùng kỹ thuật viên Trung Dũng và toàn bộ thành viên của đội Yuzy Racing đã có mặt tại đường pit của đội để sẵn sàng thi đấu Ngày thi đấu thứ 1 chặng Ấn Độ. Gần như kiệt sức sau hành trình dài, nhưng Cao Việt Nam và các thành viên vẫn ngay lập tức lao vào chuẩn bị một cách gấp gáp nhất có thể.
Lê Khánh Lộc dù duy trì được thể trạng tốt, nhưng do không có xe để luyện tập đã khiến anh lo lắng rất nhiều. Đặc biệt đây mới là lần thứ 2 anh tham dự đua quốc tế và lần đầu tiên anh chạy tại Madras. Trường đua Madras có mặt đường rất xấu vì vậy việc không được chạy thử nhiều sẽ là một thiệt thòi cực kỳ lớn cho các tay đua Việt Nam.
Với tình trạng trên, Honda Việt Nam Racing đã không tạo được bất ngờ nào ở phần thi đấu phân hạng. Tay đua Lê Khánh Lộc mặc dù giành quyền vào thi đấu Super Pole nhưng anh chỉ có thể giành được vị trí thứ 15/18. Trong khi đó “Gã Điên” Cao Việt Nam chỉ có thể giành được vị trí xuất phát thứ 23/24.
Ngày thi đấu thứ 1: “Nếu có gục thì gục trên xe…”
Lê Khánh Lộc bước vào nội dung UB150 với tâm lý thoải mái, vui vẻ như thường lệ. Tuy vậy, do đây là lần thứ 2 thi đấu tại nội dung UB150 và chưa được chạy tại Madras nên anh đã không thể hiện được nhiều trong ngày thi đấu thứ nhất. Xuất phát ngay sau hai đồng đội khác của team Yuzy Racing, nhưng Lê Khánh Lộc cho thấy anh xuất phát chưa được tốt như hai đồng đội của mình.
Khi vừa qua lap 3, bước vào cua đầu tiên của lap 4 thì tay đua Amirul của đội Yuzy Racing bất ngờ trượt ngã ngay trước xe của Lê Khánh Lộc, kéo theo việc cả 2 tay đua của đội Yuzy Honda Việt Nam Racing đều phải rời cuộc đua sớm. Rất may, chấn thương của cả hai tay đua sau pha va chạm không lớn lắm và cả hai vẫn có thể tiếp tục thi đấu Race 2 vào hôm sau.
Trong khi đó, với Cao Việt Nam tại nội dung AP250, anh xác định rõ ràng: ngày thi đấu thứ nhất này coi như “chấp”, mục tiêu là làm quen sân và không bị ngã. Kì vọng của anh sẽ là ngày thi đấu thứ 2.
“Gã Điên” bước vào trận đấu với sự mệt mỏi cùng những cơn buồn ngủ hành hạ sau nhiều chuyến bay dài. Ngay từ khi chạy tập buổi sáng anh đã cảm thấy “mắt nhíu lại”. Tuy vậy, Nam vẫn thể hiện một sự quyết tâm rất cao. Anh cho biết: “Em đã làm tất cả để được ngồi lên xe, nếu có gục thì em cũng gục trên xe chứ không phải chỗ nào khác”.
Mặc dù nỗ lực và quyết tâm, nhưng cơ thể của Cao Việt Nam lại không “nghe lời” lắm. Thường ngày được biết đến với phong cách thi đấu máu lửa, liều lĩnh, luôn vào cua với tốc độ lớn nhưng ngày hôm nay, sự uể oải được thể hiện rõ trong cách mà Cao Việt Nam thi đấu, anh vào cua không được “bén” và có biểu hiện “đuối” trên đoạn đường thẳng. Vị trí xuất phát thứ 23/24 là một minh chứng rõ ràng.
Với lựa chọn cách thi đấu thận trọng, Nam tổ chức che chắn để giữ vị trí giành được khi vừa xuất phát. Tuy thế anh không “cầm cự” được lâu và bị bỏ lại ở vị trí sau cùng từ lap thứ 4. Cũng từ lúc này, những mảng mây dày xuất hiện khiến trời đôi lúc đang từ nắng to trở nên tối sầm, đây là một ác mộng thực sự với Cao Việt Nam ở ngày đầu tiên, anh cho biết: “Do khi bắt đầu trời nắng nên em cần dùng kính màu, tuy vậy trời lại có lúc đổ râm và lúc ấy em cảm thấy buồn ngủ không thể tả nổi”. Khó khăn là thế, nhưng với những toan tính chiến thuật hợp lí và nỗ lực của Cao Việt Nam, ngày đua đầu tiên anh cán đích ở vị trí thứ 15, qua đó giành được điểm số đầu tiên tại mùa giải ARRC 2018 hạng mục AP250.
Ngoài may mắn, kết quả này cũng là một phần thưởng xứng đáng cho những toan tính chiến thuật hợp lí của Cao Việt Nam khi anh đã chọn cách thi đấu nắn nót và tránh va chạm.
Dù chỉ có 1 điểm, nhưng đây được cho là điều cực kỳ quý giá với Cao Việt Nam cũng như toàn đội Honda Việt Nam Racing: Đây là điểm số đầu tiên trong “lịch sử” của đội ở nội dung AP250.
Ngày thi đấu thứ hai: Ngoạn mục
Bước sang ngày thi đấu thứ 2, Cao Việt Nam và Lê Khánh Lộc đã lấy lại được thể trạng tốt nhất để bước vào cuộc “thư hùng sống mái”. Thời tiết ở ngày đua thứ 2 cũng tương tự với Ngày thi đấu thứ 1 nên các tay đua đã không còn bỡ ngỡ và cảm thấy dễ dàng hơn do “quen sân”.
Lê Khánh Lộc sau pha tai nạn ngày hôm qua đã được toàn đội điều chỉnh lại chiến thuật cũng như xem xét lại kĩ lưỡng lại tình huống va chạm để tránh lặp lại sai lầm một lần nữa. Tất cả cùng thống nhất rằng Lê Khánh Lộc cần phải thi đấu bình tĩnh hơn và phải tránh những pha “đụng chạm” vì rõ ràng kĩ thuật của Lê Khánh Lộc chưa đạt đến tầm của những tay đua khác nên nếu có va chạm thì anh sẽ là người mất ưu thế.
Rút kinh nghiệm từ ngày thi đấu thứ 1, qua ngày thi đấu thứ 2 Lê Khánh Lộc đã có một cú xuất phát tốt hơn rất nhiều. Ngay khi đèn tín hiệu chuyển màu xanh, Lê Khánh Lộc đã lao lên chiếm lấy vị trí thứ 12 từ vị trí xuất phát thứ 15 của anh. Những phút tiếp theo, Lê Khánh Lộc tiếp tục đối mặt với sức ép khổng lồ từ 5 tay đua phía sau trong khi những tay đua phía trước anh ngày một bỏ cách phần còn lại.
Kể từ lap thứ 4 trở đi, sự phân tốp cực kỳ rõ ràng với 4 tay top đầu, 4 tay đua tốp sau và phần còn lại bao gồm Lê Khánh Lộc. Tuy vậy Lê Khánh Lộc vẫn không đánh mất tinh thần thi đấu, anh dường như chủ động tập trung vào màn trình diễn của bản thân hơn là để ý đến các tay đua khác.
Từ lap 6 tới lap 8, Lê Khánh Lộc cùng 2 tay đua khác đã bị 2 tay đua dẫn đầu bỏ xa đến nửa vòng đua, trong khi 2 tay đua kia đã có dấu hiệu buông xuôi thì Lê Khánh Lộc vẫn miệt mài thu hẹp khoảng cách với những tay đua phía trước.
Và bước ngoặt của trận đấu đã xảy ra ở vòng đua thứ 9, có đến 5 tay đua đã đột ngột phải bỏ cuộc do lỗi kĩ thuật hoặc trượt ngã. Nhờ vậy, Lê Khánh Lộc đang từ vị trí thứ 16 đã vươn lên chiếm lấy vị trí số 11 trên bảng xếp hạng và duy trì kết quả này cho đên khi kết thúc trận đấu trong sự vui mừng của toàn đội.
Như vậy mới ngay ở lần thứ 2 tham gia ARRC, Lê Khánh Lộc đã giành lấy được vị trí trong top 15. Đây là một kết quả mỹ mãn với “tân binh” này.
Trong khi đó, Cao Việt Nam bước vào ngày thi đấu thứ hai với chất “điên” thường thấy. Ngay từ màn khởi động buổi sáng (warm up), Cao Việt Nam đã chạy “rất căng”. Anh cho biết: “Hôm qua là điểm số đầu tiên em đạt được, em thấy rất tuyệt và em không muốn mọi thứ dừng ở đây. Em có thể làm tốt hơn. Hôm qua em rất mệt mà vẫn có thể giành điểm thì hôm nay em phải làm được tốt hơn.”
Điểm số giành được ở Ngày thi đấu thứ 1 giống như 1 liều doping cho “Gã Điên”, nhìn cách anh khởi động khó ai có thể tin tay đua này vừa trải qua một hành trình quá đỗi vất vả. Và bước vào ngày đua thứ 2, Cao Việt Nam đã thể hiện được bản năng “sát thủ” của mình.
Vị trí xuất phát thứ 23/24 dường như không làm Cao Việt Nam nghĩ ngợi nhiều và trong tính toán của tay đua này thì việc đầu tiên anh phải làm là xuất phát một cách thông minh nhất nhằm xóa bớt những ảnh hưởng tiêu cực từ vị trí xuất phát.
Ngay khi nổi đèn xanh, Cao Việt Nam đã chủ động đánh lái và nghiêng người qua phía phải rồi lao lên. Đây là một chiến thuật táo bạo nhưng đã phát huy hiệu quả bởi các tay đua phía trước Nam khi xuất phát thường có xu hướng ngả người bó trái, việc Cao Việt Nam làm ngược lại đã mở ra cho anh một đường vượt thênh thang phía trước, tay đua Việt Nam mau chóng chiếm được vị trí thứ 15 trong sự ngỡ ngàng của tất cả các tay đua và khán giả.
Những phút tiếp theo, Nam tiếp tục phong cách “tấn công điên cuồng” của mình. Kể từ vòng đua thứ 6, Cao Việt Nam đã lên được vị trí số 11, bỏ cách một khoảng khá xa so với 13 tay đua còn lại và giữ vị trí này cho đến khi kết thúc – một sự cải thiện thứ bậc kỉ lục của Nam cho tới hiện tại.
Như vậy từ việc chưa giành được điểm số nào sau 3 chặng đầu tiên, Cao Việt Nam đã giành được 6 điểm tại chặng Ấn Độ, đây là thành tích tốt nhất mà Honda Việt Nam Racing đạt được tại nội dung AP250 từ đầu mùa giải tới giờ.
Ấn Độ quả thực là một chặng đấu với những cảm xúc không thể kịch tính hơn cho Honda Việt Nam Racing. Từ việc có nguy cơ phải hủy chặng đấu do những rắc rối Visa, trải qua một hành trình đày ải và không có thời gian luyện tập, cả hai tay đua đã rất nỗ lực vươn lên vượt chỉ tiêu có mặt trong top 15 mà đội đề ra trước vòng đấu.
Chặng thi đấu Ấn Độ mang lại cho Lê Khánh Lộc 5 điểm, và Cao Việt Nam 6 điểm, tuy nhiên nếu xét về tinh thần và khát khao thi đấu, Lê Khánh Lộc, Cao Việt Nam và toàn thể đội Yuzy Honda Vietnam Racing Team xứng đáng với điểm số 50 tuyệt đối.
Hẹn gặp lại các bạn tại chặng thứ 5 của mùa giải ARRC sẽ được tổ chức tại Indonesia vào tháng 10 tới.