Theo Báo giới Hàn Quốc chia sẻ, Casper nhận được 18.940 đơn đặt hàng ngay trong ngày đầu tiên mở cọc bằng hình thức trực tuyến, thậm chị Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In cũng đặt mua 1 chiếc. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của mẫu xe hạng A gầm cao này lớn đến mức nào. Cùng thuộc phân khúc hạng A gầm cao nhưng Hyundai Casper có rất nhiều điểm thú vị mà cả 2 mẫu xe mới về Việt Nam là Toyota Raize và Kia Sonet không có. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Về mặt kích thước:
Hyundai Casper là mẫu xe đa dụng cỡ nhỏ, cũng là mẫu nhỏ nhất trong danh mục SUV/ Crossover của Hyundai. Xe dài 3.595 mm, rộng 1.595 mm, cao 1.575 mm và chiều dài cơ sở 2.400 mm.
Khi nhìn thực tế, Casper có kích thước tương đương với 1 chiếc Daewoo Matiz. Đây là chiếc xe xuất hiện từ thời sơ buổi sơ khai của phân khúc hạng A vào những năm 1998-2008. Rồi sau đó chuyển đổi thành Chevrolet Việt Nam với chiếc Spark năm 2009. Đến 2019, VinFast đã giới thiệu Fadil cũng trên nền tảng của Spark nhưng có những phát triển mới.
Được phát triển dựa trên cơ sở gầm bệ K1 nên Hyundai Casper còn được coi là phiên bản SUV của “người anh em” Grand i10. Nếu so với Hyundai i10 hatchback có kích thước dài – rộng – cao lần lượt là 3.805 x 1.680 x 1.520 mm thì Casper thậm chí còn ngắn hơn 200 mm, hẹp hơn 85 mm, nhưng lại sở hữu chiều cao là nhỉnh hơn 55 mm. Chiều dài cơ sở của i10 là 2.450 mm, tức dài hơn 50 mm so với trục cơ sở của Casper.
Nhưng đừng nhìn vào kích thước nhỏ của Casper mà coi thường mẫu xe này. Với thiết kế đặc biệt khi mà hàng ghế thứ hai có thể ngả tới 39 độ và di chuyển lên xuống khoảng 160mm, Hyundai Casper giúp tăng không gian và tạo thoải mái cho người ngồi sau hơn hẳn Kia Sonet hay Toyota Raize. Tất nhiên, lúc này chúng ta cũng phải đánh đổi bằng việc không có không gian chứa đồ phía sau.
Trong trường hợp ngược lại, chúng ta có thể kéo hàng ghế thứ hai dịch lên phía trước để có khoảng không gian rộng 301 lít để chứa đồ. Ngoài ra, cả hàng ghế thứ hai và thứ nhất đều có thể gập phẳng, tuỳ theo nhu cầu vận chuyển của người dùng. Đây là điểm hiểm thấy trên các mẫu xe cỡ nhỏ. Dù không có thông tin chính xác về thể tích trống khi gập ghế lại, nhưng nhìn qua hình ảnh thì chúng ta cũng có thể thấy không gian này tương đối rộng so với một mẫu xe hạng A.
Về khả năng vận hành
Hyundai Casper có 2 tuỳ chọn động cơ là Bản máy xăng 1.0L Smartstream đạt công suất 76PS tại 6.200rpm và mô-men xoắn 95Nm tại 3.750rpm và bản mạnh hơn là máy xăng Kappa 1.0L Turbo cho công suất 100PS tại 4.500-6.000rpm và mô-men xoắn 172Nm tại 1.500-4.000rpm.
Với cấu hình động cơ này, Casper còn nhỉnh hơn so với của chiếc Toyota Raize được đưa về Việt Nam là bản 1.0L Turbo cho công suất 97 mã lực và 140Nm. Đặc biệt là lực kéo của Hyundai Casper còn nhỉnh hơn tới 32Nm so với Toyota Raize.
Cùng với đó, Casper sẽ đi kèm với hộp số sàn 5 cấp hoặc hộp số tự động 4 cấp, cùng với hệ dẫn động cầu trước.
Xe có 2 tuỳ chọn vận hành là Normal (Thông thường) hoặc Sport (Thể thao), ngoài ra còn có 3 chế độ địa hình: Snow (đường tuyết), Sand (cát) và Mud (bùn lầy). Tuy nhiên với 1 chiếc xe cầu trước thì 3 chế độ này chỉ mang tính chất làm màu chứ không có nhiều khả năng ứng dụng trong thực tế.
Về mặt trang bị:
Là một mẫu xe của Hàn Quốc nên tất nhiên Hyundai Casper được trang bị rất đầy đủ các trang bị như vô-lăng D-CUT – một thiết kế rất hiếm thấy trên các dòng xe cỡ nhỏ; màn hình LCD sau vô lăng tương tự như mẫu Hyundai Accent 2021 ở Việt Nam; nút bấm Start/ Stop,…
Khu vực trung tâm được bố trí màn hình nổi 8-inch, có kết nối Apple CarPlay, ứng dụng Blue Link, app điện thoại; điều hòa tự động và dàn âm thanh 6 loa. Thậm chí tại hàng ghế trước của phiên bản cao cấp còn có tính năng thông gió và tự sưởi ấm, hiện đại tương tự như mẫu Kia Sonet.
Về trang bị an toàn tiêu chuẩn trên Hyundai Casper, chúng ta vẫn có những hệ thống cơ bản như hỗ trợ phanh ABS, EBD, BS, ESC; 7 túi khí; hệ thống hỗ trợ tránh va chạm phía trước; hỗ trợ giữ làn đường; cảnh báo mất tập trung cho người lái và hỗ trợ đèn pha tự động.
Ở bản cao cấp, xe có thêm gói công nghệ an toàn SmartSense tùy chọn, bổ sung tính năng hỗ trợ tránh va chạm phía trước khi sang đường; hỗ trợ tránh va chạm phía sau, hỗ trợ tránh va chạm với phương tiện cắt ngang khi lùi và hệ thống kiểm soát hành trình thông minh.
Hiện tại vẫn chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào về việc mẫu xe này sẽ được đưa về Việt Nam. Tuy nhiên Hyundai Kona có doanh số khá tốt, cộng với việc nếu như các mẫu xe hạng A gầm cao khác như Kia Sonet hay Toyota Raize vừa được đưa về thị trường Việt Nam và đem lại doanh số khả quan thì chắc chắn Hyundai sẽ phải cân nhắc đưa Casper về để cạnh tranh ở phân khúc này.
Trọng Phùng Thế