Dưới đây là một số chi tiết rất hay được các tài xế Việt gắn lên cho chiếc xe của mình. Hiệu quả từ việc độ đẽo chưa thấy đâu nhưng nguy cơ mất an toàn và còn có thể bị phạt nặng thì đã rõ.
Độ, lắp thêm đèn cho xe
Rất nhiều tài xế thích thay đèn pha nguyên bản bằng những loại đèn siêu sáng như LED hoặc HID (đèn bi-xenon) nhằm tăng khả năng chiếu sáng cho xe. Việc lên đèn còn khiến chiếc xe trông có vẻ “hoành tráng” hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng các loại đèn chiếu sáng như đèn bi-xenon hay đèn LED nếu không đúng cách có thể gây chói mắt cho các xe đối diện, mất an toàn trên đường dẫn tới tai nạn giao thông. Trên thực tế, rất nhiều tai nạn xảy ra khi tài xế bị “mù tạm thời” khi đèn xe đối diện quá chói.
Đặc biệt, nhiều chủ xe còn bỏ tiền chế thêm những thanh đèn LEDBar ở phía trước, phía sau xe và bật một cách vô ý thức, làm những người đi đường rất khó chịu. Việc độ, lắp thêm đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất cũng là hành vi bị cấm theo khoản 13, điều 8 Luật Giao thông đường bộ và có thể bị xử phạt nặng.
Theo điều 16, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơmoóc) lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 1 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng; các thiết bị vi phạm sẽ bị CSGT tịch thu ngay lập tức. Với các xe có độ, lắp thêm các loại đèn này còn bị cơ quan đăng kiểm từ chối kiểm định.
Nâng gầm, độ giảm xóc
Thực chất việc nâng gầm phục vụ mục đích chính là làm cho xe có thể lắp bánh to hơn. Gầm xe càng cao thì trọng tâm cũng cao theo, vì thế giảm khả năng bám đường, vào cua…
Các chuyên gia về kỹ thuật ô tô phân tích, việc nâng gầm quá cao thì góc làm việc của trục láp và hệ thống lái thay đổi. Tăng khả năng gãy láp hay nặng hơn là gãy giằng lái. Tất nhiên, độ bền của hệ thống khung gầm xe sẽ bị ảnh hưởng lớn vì góc làm việc thay đổi.
Nhiều nước đưa ra quy định cấm nâng gầm cao hơn nguyên bản khoảng 2 inch (xấp xỉ 5 cm) bởi nếu nâng quá quá 5 cm, xe sẽ trở nên mất an toàn khi tham gia giao thông.
Tại Việt Nam, theo Điều 55, Luật Giao thông đường bộ quy định, chủ xe không được tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành xe hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy vậy, chưa có quy định cụ thể về việc nâng gầm cho xe ô tô.
Lên lốp
Cũng giống như việc nâng gầm hay thay giảm xóc, nhiều chủ xe sẵn sàng bỏ hàng chục triệu để “lên lốp”, chủ yếu để thỏa mãn mục đích off-road. Lên cỡ lốp chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận hành của chiếc xe bởi bánh xe càng to thì càng nặng và động cơ phải truyền một lực lớn hơn để “vần” những chiếc lốp này.
Các chuyên gia cho rằng, việc độ lốp “to béo” hơn cho xe cũng cần cân nhắc bởi mỗi loại lốp chỉ phù hợp với một vài loại địa hình nhất định. Ví dụ lốp MT chạy bùn thì khi chạy trên đường nhựa sẽ ít bám hơn AT hay HT, phanh kém “ăn” hơn cũng khó vào cua hơn.
Lốp lớn còn khiến phanh hoạt động kém hiệu quả và đề-pa yếu hơn. Công thức mà nhiều chuyên gia đưa ra là cứ mỗi inch lốp to hơn thì mất 3,5% lực kéo. Việc thay một bộ la-zăng và lốp khác thông số kỹ thuật của nhà sản xuất còn khiến chiếc xe bị từ chối khi đi đăng kiểm.
Lắp thêm cản kim loại
Cản kim loại được nhiều chủ xe địa hình, xe SUV hoặc bán tải lắp thêm để tăng độ cứng cáp cho phần đầu và đuôi. Một số lái xe cẩn thận cũng có thể lắp thêm cản kim loại nhằm mục đích bảo vệ lớp sơn của xe khỏi những va quệt, đâm đụng trên đường. Điều này còn rất thường thấy ở các xe taxi hiện nay.
Việc lắp các loại cản kim loại tưởng chừng như vô hại nhưng thực ra chi tiết này ảnh hưởng lớn đến các phương tiện giao thông khác bởi phụ kiện này có độ cứng cao sẽ gây nguy hiểm khi đâm đụng. Không những vậy, đối với những vụ va chạm mạnh, cản xe còn có thể khiến hệ thống cảm biến túi khí trên chính chiếc xe đó mất tác dụng, gây nguy hiểm cho lái xe và hành khách.
Theo quy định hiện hành, cản kim loại là phụ kiện không được lắp thêm vượt quá 4 cm so với xe. Đồng thời khi lắp thêm cản kim loại sẽ bị từ chối khi đi đăng kiểm.
Dán ni-lon đen vào đèn hậu
Rất trớ trêu là trong khi nhiều chủ xe lắp đèn bi-xenon, đèn LED để tăng khả năng chiếu sáng cho xe, thì không ít chủ xe lại tìm cách giảm độ sáng của đèn, đặc biệt là đèn hậu. Thực tế có rất nhiều chủ xe sử dụng phim tối màu dán kín đèn hậu để tăng vẻ thể thao, dữ dẵn cho chiếc xe.
Tuy nhiên, việc dán đèn như vậy sẽ ít nhiều gây mất an toàn. Khi đó, đèn hậu không đủ độ sáng có thể khiến tài xế xe phía sau khó nhận biết xe bạn đang phanh hoặc xi nhan để tránh. Điều này còn đặc biệt nguy hiểm khi gặp trời mưa, tầm nhìn hạn chế.
Dán phim cách nhiệt quá đen lên kính xe
Với điều kiện thời tiết nắng nóng như ở Việt Nam, phim cách nhiệt được coi là giải pháp tuyệt vời cho việc chống nóng và bảo vệ làn da. Ngoài ra, phim cách nhiệt tối màu cho kính xe còn bảo vệ sự riêng tư, khiến xe trông đẹp và “bí hiểm” hơn.
Tuy nhiên, việc dán kính màu quá tối chắc chắn sẽ khiến tầm nhìn của tài xế bị cản trở, dẫn tới khó quan sát gương chiếu hậu và các phương tiện xung quanh, đặc biệt là khi lái xe ban đêm hoặc lúc trời nhá nhem.
Ở Việt Nam, Luật Giao thông đường bộ không cấm việc dán kính ô tô tối màu, nhưng Bộ Giao thông có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kính an toàn của ô tô tại Thông tư số 31/2017/TT-BGTVT. Theo đó, hệ số truyền sáng ổn định của kính ô tô không được nhỏ hơn 70%.
nguồn: Vietnamnet