Hãy tưởng tượng việc phát triển một chiếc xe táo bạo và sang trọng đến mức nó có thể khuấy đảo thế giới ô tô. Hãy tưởng tượng bạn đang dồn tất cả tài sản, thời gian, và những bộ não xuất sắc nhất để thúc đẩy thành công của mình từ một nhà sản xuất ô tô tầm trung trở thành số một. Nhưng sau đó, đất nước bỗng xảy ra một sự sụp đổ kinh tế kéo dài không chỉ 1 mà đến 2 thập kỷ.
Kết quả là dự án chết, và một khối động cơ V12 có tiềm năng thay đổi ngành không bao giờ có cơ hội nổ máy. Đó là câu chuyện của mẫu xe hạng sang Mazda Amati 1000 hiếm ai biết đến. Thông qua video của kênh YouTube “Donut Media”, chúng ta sẽ cùng nhìn lại câu chuyện đáng tiếc về thương hiệu xe sang bí mật của Mazda.
Video “Donut Media” nhìn lại câu chuyện về thương hiệu xe sang của Mazda
Các nhà sản xuất xe Nhật Bản nổi tiếng vì nhiều điều. Nhưng điều đứng đầu danh sách ưu tiên của họ là những chiếc xe giá cả phải chăng, đáng tin cậy, và tiết kiệm. Sự kết hợp này đảm bảo chúng dễ tồn tại, ngay cả khi những người khác dường như đang vất vả tìm chỗ đứng. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không đầu tư vào mặt khác của thế giới ô tô.
Toyota nổi tiếng với Lexus, Nissan với Infiniti, và Honda với Acura, nhưng Mazda thì sao? Mazda ngày nay là cái tên gắn liền với Miata, RX-7 và RX-8. Nhưng điều mà hầu hết mọi người không biết là Mazda đã từng ấp ủ một thương hiệu hạng sang mà không may thất bại. Vậy, chuyện gì đã xảy ra với thương hiệu xe sang của Mazda?
Tất cả bắt đầu với sự bùng nổ kinh tế hồi gần cuối thế kỷ 20 của Nhật Bản. Sự bùng nổ kinh tế đó được biết đến là “Bong bóng giá tài sản Nhật Bản”, hay “Baburu Keiki”. Giai đoạn đặc biệt này kéo dài từ năm 1986 đến năm 1991, dẫn đến mức độ thịnh vượng tài chính kinh ngạc ở tất cả các lĩnh vực của Nhật Bản, bao gồm bất động sản và ô tô.
Sự bùng nổ đó không bắt đầu một cách tình cờ. Vào tháng 9 năm 1985, Mỹ, Pháp, Vương quốc Anh, Nhật Bản và Đức đã ký một thỏa thuận được gọi là Hiệp định Plaza. Thỏa thuận này đồng ý giảm giá đồng đô la Mỹ so với Franc Pháp, Mark Đức, Bảng Anh, và Yên Nhật. Kế hoạch của hiệp định là nhằm tăng xuất khẩu của Mỹ và làm cho việc mua tài sản nước ngoài trở nên dễ dàng hơn đối với Nhật Bản và các quốc gia liên quan.
Thỏa thuận đã tạo ra một đồng Yên mạnh hơn và một nền kinh tế lạc quan cho Nhật Bản. Kết quả là, các ngành nghề ở Nhật Bản đã phát triển bùng nổ, trong đó có ngành công nghiệp ô tô.
Trước khi điều này diễn ra, nước Mỹ đang gặp phải những trở ngại của riêng mình. Cụ thể, Mỹ đã có một lệnh cấm vận dầu mỏ từ Ả Rập Xê Út vào năm 1973, buộc giá khí đốt tăng lên 300%. Với cuộc khủng hoảng dầu mỏ, người Mỹ đổ xô tìm kiếm những chiếc xe tiết kiệm và đáng tin cậy, một sự thay đổi mà các nhà sản xuất ô tô Mỹ không buồn quan tâm – đó là lúc các nhà sản xuất xe Nhật Bản tỏa sáng.
Sự tiếp quản diễn ra nhanh chóng đến mức thị phần bán ô tô Nhật Bản tại Mỹ đã tăng từ 6,5% lên hơn 20% vào năm 1980. Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản đã hoạt động tốt đến mức chính quyền Mỹ muốn tìm cách giảm mức giới hạn nhập khẩu.
Để giữ xuất khẩu ở mức tối thiểu, các nhà sản xuất xe Nhật Bản đã đi đến một giải pháp. Với lợi nhuận dồi dào từ bong bóng giá tài sản, họ lao vào thị trường xe ô tô hạng sang. Năm 1985, Honda tung ra Acura, và năm 1986 là Integra. Toyota đã phát triển và ra mắt Lexus LS400. Vậy còn Mazda?
Với sự thành công lớn từ mẫu Miata, Mazda cảm thấy họ đã sẵn sàng bước vào thế giới xe sang. Năm 1991, nhà sản xuất xe có trụ sở tại Fuchū, Hiroshima, đã công bố sự phát triển của Amati. Mẫu sedan cao cấp này nhắm mục tiêu cạnh tranh với BMW 7 Series, Mercedes S-Class, và Lexus LS400. Quan trọng hơn, sedan hạng sang Amati 1000 sẽ chạy bằng một động cơ V12.
Tại thời điểm này, Mazda đã đi vào “lãnh thổ chưa ai đến” vì đưa ra mẫu concept này vào đầu những năm 1990. Họ đã nhắm đến việc trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ 3 sau Toyota và Honda, và mọi thứ đang có vẻ rất hứa hẹn.
Nhưng giống như tất cả những điều tốt đẹp khác, Mazda đã phải đối mặt với một số trở ngại. Thứ nhất, Mazda không có nhiều vốn như Toyota và Honda, vì vậy không thể hỗ trợ đến cùng những nỗ lực của họ trong việc sản xuất một thương hiệu sang trọng và một mẫu sedan cao cấp. Nhà sản xuất xe Nhật Bản này đã liều lĩnh quá sức mình, và khiến mọi việc tệ hơn nữa, nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu suy thoái, bước vào thời kỳ được gọi là “Thập kỷ Mất mát”.
Không có khả năng chi trả cho các dự án mới, Dự án Amati và sự phát triển của nó cuối cùng đã đi vào chỗ chết. Theo “Donut Media”, Mazda đã cố gắng xóa tất cả các bằng chứng về thương hiệu Amati hoặc Amati 1000. “Câu chuyện này cho thấy rằng ngay cả khi bạn dành thời gian để đảm bảo rằng chiếc xe được thiết kế tốt, với một động cơ tuyệt vời, thì vẫn có những yếu tố tác động quan trọng khác khi ra mắt một thương hiệu xe ô tô, như chính trị và thời điểm thị trường phù hợp,” người dẫn của “Donut Media” nói.
Theo Thanh Niên Việt