Theo điều chỉnh giá bán lẻ trong nước của liên Bộ Công Thương – Tài chính ngày 10/11, giá xăng E5 RON 92 là 23.660 đồng một lít (tăng 550 đồng); RON 95 là 24.990 đồng một lít (tăng 660 đồng). Như vậy, giá xăng RON 95 đã tiến sát ngưỡng 25.000 đồng một lít, chỉ còn cách mức “đỉnh” lịch sử thiết lập hồi tháng 7/2013 (25.070 đồng một lít) khoảng 80 đồng.
Với đợt tăng lần này, giá xăng trong nước đã có đợt tăng thứ 5 liên tiếp từ đầu tháng 9 đến nay. Mỗi lít xăng RON 95 đã đắt thêm gần 3.900 đồng so với cách đây 2 tháng, còn E5 RON 92 thêm gần 3.800 đồng. Đây là mức cao nhất từ tháng 7/2014.
Trong khi đó, nhà điều hành giữ nguyên giá bán với dầu hoả, dầu diesel như cách đây 15 ngày, lần lượt là 17.630 đồng và 18.710 đồng một lít. Riêng dầu madut giảm 390 đồng một kg, về mức 16.820 đồng.
Ở kỳ này, cơ quan điều hành giảm mức chi Quỹ bình ổn với tất cả mặt hàng xăng, dầu. Mức chi quỹ với xăng RON 95 là 100 đồng một lít (giảm 300 đồng so với cách đây 15 ngày); xăng E5 RON 92 là 800 đồng, giảm 300 đồng so với kỳ điều hành ngày 26/10. Các mức chi quỹ với dầu diesel là 8 đồng, dầu hoả là 44 đồng và không chi quỹ với dầu madut.
Liên bộ cũng tiếp tục không trích quỹ bình ổn cho các mặt hàng xăng, dầu diesel và tăng trích quỹ với dầu hoả, dầu madut. Theo đó, mức trích quỹ bình ổn xăng dầu với dầu hoả là 150 đồng một lít, dầu madut là 500 đồng mỗi kg.
Thời gian qua, giá xăng dầu tăng “nóng” đang tác động tiêu cực đến phục hồi kinh tế, đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Ngày 1/11, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 về kinh doanh xăng dầu, trong đó có nhiều nội dung thay đổi về cơ chế điều hành xăng dầu và công thức tính giá. Theo đó, kể từ ngày 2/1/2022, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ được giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, tức là mỗi tháng điều chỉnh ba lần.
Theo đó, thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Việc này sẽ giúp giá xăng dầu trong nước bám sát hơn diễn biến của giá thế giới, tránh tăng sốc và giảm chậm so với biến động của giá thế giới.
Trong trường hợp giá xăng dầu biến động bất thường, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế xã hội, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều chỉnh. Còn nếu giá cơ sở tăng trên 10%, Thủ tướng sẽ quyết định biện pháp điều hành dựa trên báo cáo của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, công thức tính giá cơ sở mới cũng sẽ dựa trên giá và tỷ trọng của cả nguồn sản xuất trong nước (từ các nhà máy lọc hóa dầu) và nguồn nhập khẩu, chứ không còn chỉ phụ thuộc vào giá thế giới. Do đó, một phần thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT dựa trên giá cơ sở xăng dầu sẽ được cắt bớt, giảm áp lực lên giá bán lẻ.