Theo lộ trình, VETC sẽ tích cực làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước để sớm hoàn thành và đưa trung gian thanh toán, ví điện tử vào hoạt động. Thời gian để hoàn thành chức năng trung gian thanh toán và ví điện tử dự kiến 6-9 tháng.
Với 3,7 triệu xe đã được dán thẻ ETC và kích thoạt tài khoản giao thông (chiếm khoảng 82%) trên tổng số 4,5 triệu xe cả nước, phương án nâng cấp tài khoản giao thông thành trung gian thanh toán và ứng dụng công nghệ thanh toán số, ví điện tử được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dùng ETC.
Đại diện VETC cho biết ứng dụng thanh toán số vào giao thông thông minh là xu hướng trên toàn cầu vì đặc tính hoạt động giao thông cần an toàn, nhanh chóng và chính xác. Khi tài khoản giao thông trở thành ví điện tử, người dùng ETC sẽ có nhiều lợi ích. Ngoài thanh toán khi qua các trạm thu phí không dừng, chủ xe có thể thanh toán chi tiêu khác như thanh toán phí đỗ xe, vào sân bay, cảng biển… Khi đó, dòng tiền trong tài khoản giao thông được sử dụng với nhiều mục đích.
Để tăng minh bạch, tài khoản giao thông sẽ tuân thủ quy định chuyên ngành của Bộ Giao thông Vận tải về hoạt động ETC và quy định giám sát của Ngân hàng Nhà nước về trung gian thanh toán.
Trước đó, ngày 18/8/2022 trong công văn đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, VETC trình bày mục tiêu quan trọng của phương án nâng cấp tài khoản giao thông thành trung gian thanh toán nhằm đảm bảo lợi ích thiết thực và gia tăng tiện ích cho chủ tài khoản ETC bởi mỗi cá nhân có thể sở hữu 1 ví điện tử trực tiếp của riêng mình.
Hiện nay, có hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC bao gồm Công ty VETC và Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC). Các dịch vụ thanh toán tài khoảng ETC có thể qua các phương thức như thẻ ATM nội địa, thẻ tín dụng/ghi nợ, mobile banking…).
Với tài khoảng ePass, khách hàng không cần nạp tiền vào ePass, khi đi qua trạm thu phí, tiền sẽ được trừ thẳng vào ví điện tử Viettel Money, hạn chế thao tác chuyển tiền qua lại rườm rà và tránh được tình trạng bị phạt khi quên nạp tiền vào tài khoản ePass.