Vào ngày 2/8, ủy ban kiểm tra nội bộ được Hino Motor thành lập đã công bố các sai lệch dữ liệu liên quan đến khí thải và hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu của 4 loại động cơ hãng sử dụng cho một số dòng xe tải và xe buýt của mình. Trong báo cáo, ủy ban này đề cập đến không khí làm việc đã khiến các nhân viên khó cảm thấy “an toàn về tâm lý” và đã thực hiện việc gian lận này.
Nhóm phát triển các động cơ này biết rằng họ không thể đạt được mục tiêu và cảm thấy áp lực nên đã phải làm sai lệch kết quả thử nghiệm để đáp ứng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, chủ tịch Satoshi Ogiso cũng đã cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo mới đây và cho biết không có vấn đề an toàn nào liên quan đến việc gian lận này.
Vào tháng 3, Hino thừa nhận hãng đã làm giả các dữ liệu thử nghiệm theo yêu cầu của chính phủ Nhật Bản về lượng khí thải và quãng đường đi được với lượng nhiên liệu nhất định. Thực tế, ủy ban kiểm tra đã tìm thấy các bằng chứng về vấn đề gian lận này xảy ra từ tháng 10/2003.
Tại Nhật Bản, Hino đã triệu hồi khoảng 47.000 xe bị do vấn đề giả mạo kết quả thử nghiệm khí thải và tiêu thụ nhiên liệu từ tháng 4/2017 đến nay; tuy nhiên, cũng theo hãng này, tổng số xe bị ảnh hưởng có thể lên tới gần 300.000 chiếc.
Hiện tại, Toyota đang sở hữu cổ phần lớn nhất tại hãng xe Hino, chiếm tỷ lệ 50,1%. Hino cũng là nhà sản xuất ô tô mới nhất được công bố đã gian lận dữ liệu khí thải và tiêu thụ nhiên liệu.
Vào năm 2018, chính phủ Nhật Bản cho biết các hãng xe Mazda, Suzuki và Yamaha đã bị phát hiện vướng vào vấn đề này. Sau đó, đến năm 2021, Subaru và Nissan cũng gặp phải tình trạng tương tự.