Quy định về xe cơ giới (CMVR) của Ấn Độ có một số điểm mới. Một trong số này cho phép các hãng sản xuất ô tô không cần trang bị sẵn lốp dự phòng cho xe bán ra tại quốc gia này.
Luật mới áp dụng với xe hạng M1 (ôtô từ 8 chỗ trở xuống) dùng lốp không săm và có hệ thống cảnh báo áp suất lốp (TPMS). Ngoài ra, nếu không có TPMS, nhưng xe trang bị bộ dụng cụ sửa lốp cũng có thể không cần lốp dự phòng. CMVR cũng nêu rằng, bộ sửa chữa lốp nên có keo dán và một chiếc bơm.
Thực tế, lốp dự phòng hữu ích trong trường hợp xe bị nổ lốp hoặc hư hỏng giữa đường. Tài xế có thể nhanh chóng thay lốp và tiếp tục hành trình mà không cần gọi cứu hộ, mất thời gian lẫn tiền bạc.
Tuy nhiên, chiếc lốp dự phòng có thể có kích thước nhỏ hơn đôi chút so với lốp chính, chỉ có thể chạy ở tốc độ tối đa 80 km/h và một quãng đường nhất định. Nếu không nhanh chóng thay sửa lốp chính có thể dẫn tới tình trạng mất cân bằng và những ảnh hưởng không tốt đối với xe.
Ngoài ra, chiếc lốp dự phòng nặng trịch khiến xe tăng trọng lượng, tức tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn. Vì thế, đây là thứ cần được loại bỏ khi các hãng xe đứng trước áp lực phải giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm khí thải.
Không chỉ giúp tăng không gian, giảm trọng lượng ở xe động cơ đốt trong, với xe điện, chỗ trống để lại của lốp dự phòng còn giúp tăng dung lượng gói pin, tức xe có thể chạy được quãng đường xa hơn.