Để chỉ ra được các ưu thế, trước tiên cần phải so sánh mức giá trong phân khúc. Tại phân khúc xe giá rẻ hatchback, cuộc chiến xe trong nước và xe nhập không quá khác biệt, các mẫu Hyundai Grand i10, Kia Morning đang làm chủ cuộc chơi, doanh số của hai mẫu xe này ăn đứt các mẫu xe như Toyota Wigo hay VinFast Fadil, Honda Brio.
Chính vì vậy, việc Chính phủ giảm phí trước bạ 50% cho người mua xe lắp ráp trong nước khi hoàn tất các thủ tục lăn bánh sẽ tăng thêm liều lượng cho cuộc cạnh tranh, gia tăng thị phần với các mẫu xe kể trên. Điều này giúp giá xe trong phân khúc này có thể giảm thêm hoặc tăng chất lượng mà giữ nguyên giá.
Ở phân khúc sedan hạng A hoặc B, hiện các mẫu lắp ráp trong nước như Toyota Vios, Hyundai Accent, Kia Cerato, Mazda 3, Honda City… đều đứng đầu doanh số. Các mẫu xe nhập như Mitsubishi Attrage hay Mirage không phải là đối thủ để cạnh tranh với các mẫu xe lắp ráp trong nước nói trên.
Như vậy, với ưu đãi của Chính phủ ở phân khúc xe sedan, giá các loại xe lắp ráp trong nước sẽ rẻ đi và xe trong nước sẽ củng cố vai trò, vị trí của mình với xe nhập hơn nữa. Đồng thời, cú huých chính sách cũng khiến người mua xe dễ tiếp cận hơn, giá xe phân khúc này sẽ hạ xuống thấp nữa.
Các phân khúc còn lại của thị trường xe Việt, ưu đãi chính sách có lẽ làm các mẫu xe như Mazda CX5, Hyundai SantaFe, Ford Ecosport, Hyundai Kona hài lòng nhất. Các mẫu xe này đều đang chật vật cạnh tranh với Honda CRV. Trong khi đó, Toyota Innova đang cực kỳ vất vả để lấy lại vị thế dòng xe MPV số 1 thị trường từ tay Mitsubishi Xpander.
Nếu được “tiếp sức” bởi chính sách thuế phí mới của Chính phủ, chắc chắn lợi thế rất lớn sẽ dành cho người mua và nhà sản xuất mẫu xe gia đình hạng trung tại Việt Nam. Và cơ hội đẩy mạnh doanh số, giảm giá đối chiếc xe này càng rõ ràng hơn.
Ở phân khúc cao hơn là SUV, thị trường xe Việt đang chứng kiến cuộc cạnh tranh quyết liệt đến từ các đối thủ như Toyota Fortuner (bản lắp ráp trong nước), Mazda CX8, VinFast LuxSA2.0 với các đối thủ như Ford Everest, Mitsubishi Pajero. Nếu điều chỉnh thuế phí, các mẫu xe đa dụng lắp ráp trong nước kể trên sẽ được hưởng lợi hơn hẳn so khi cạnh tranh với các mẫu xe nhập cùng phân khúc.
Đặc biệt, ưu thế về giảm thuế, phí sẽ rõ ràng hơn ở phân khúc các mẫu xe cao cấp như Mercedes E 200, GLC 250, E300 hay các mẫu Peugeot 3008, 5008 được lắp ráp trong nước. Các mức ưu đãi chính sách thuế phí sẽ giúp các loại xe này cạnh tranh mạnh, thậm chí vượt trội so với các mẫu xe sang khác của BMW, Lexus, Audi hay Land Rover tại Việt Nam.
Theo các đại lý xe hơi tại Hà Nội, nếu phí trước bạ từ 10-12% xuống 5-6% và nhiều ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe nội được Chính phủ chấp thuận, khi mua xe lắp ráp trong nước, người tiêu dùng sẽ được giảm cả chục triệu đồng/chiếc.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là người tiêu dùng mong chờ giá giảm đi liền với chất lượng xe lắp ráp phải bằng các nước trong khu vực. Chính sách ưu đãi về thuế phí không thể tạo nên vùng trũng, khiến các doanh nghiệp xe nội kiếm lợi, bán ra những mẫu xe kém chất lượng, đòi hỏi sự bảo hộ từ Chính phủ.
Bên cạnh đó, việc thị trường Việt Nam mở cửa, thuế nhập khẩu được bãi bỏ sẽ khiến cơ hội kinh doanh xe lớn hơn, chắc chắn các hãng xe nhập sẽ không dễ dàng từ bỏ miếng bánh thị trường đang rất tiềm năng. Nếu các hãng xe lắp ráp coi chính sách ưu đãi thuế phí như “trò chơi bảo hộ”, chắc chắn sẽ bị người tiêu dùng quay lưng, họ sẵn sàng trả tiền nhiều, để mua xe nhập có chất lượng, tiêu chuẩn và nhiều trang bị hơn xe trong nước.
nguồn Dân trí