Vài tháng trở lại đây, CR-V trở thành tâm điểm chú ý khi liên tục bị phản ánh có lỗi ở hệ thống phanh. Honda Việt Nam giải thích, hệ thống trợ lực phanh được tích hợp cảm biến vấn đề bất thường. Khi tài xế đặt nhẹ chân phanh liên tục, làm thay đổi chu trình của bàn đạp phanh, lúc này, cảm biến sẽ hoạt động, kéo theo những tiếng bíp cùng biểu tượng báo lỗi trên màn hình.
Khi cảm biến hoạt động, hệ thống trợ lực phanh cũng sẽ không còn tác dụng mà thay vào đó là “một hệ thống khác nhằm đảm bảo an toàn”, nhưng không nêu tên cụ thể. Khi đó, tài xế sẽ cảm thấy phanh cứng, dẫn tới không thoải mái khi đạp phanh.
Theo lý giải, tài xế thông thường đạp phanh cảm thấy nhẹ nhàng vì có trợ lực, nhưng khi mất trợ lực, cần đạp một lực mạnh hơn thông thường. Nếu đạp như bình thường, có thể tài xế sẽ cảm thấy phanh không hoạt động. Honda Việt Nam khẳng định, hệ thống phanh vẫn hoạt động và đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật “theo tiêu chuẩn của luật Việt Nam”, nhưng không nêu các số liệu cụ thể.
Trong thông báo đưa ra, Honda Việt Nam cũng khuyến cáo khách hàng không nên đặt chân lên bàn đạp phanh liên tục khi xe đang ga để tránh gặp rủi ro do lỗi nói trên. Tuy nhiên, đây là khuyến cáo không hợp lý, bởi việc đặt sẵn chân lên bàn đạp phanh là quy tắc an toàn cơ bản khi điều khiển ô tô ở chế độ cài kiểm soát hành trình, nhằm đảm bảo khả năng hãm tốc độ xe kịp thời ngay khi có biến cố bất thường xảy ra.
Bên cạnh đó, thử nghiệm thực tế trên các dòng xe thương hiệu khác cho thấy, việc cùng lúc rà phanh khi đang ga nhẹ cũng không gây ra hiện tượng bó cứng phanh, đồng nghĩa rằng đây là hiện tượng riêng của CR-V mà người dùng phải lưu ý khi mua dòng xe này để tránh “giật mình” khi đang điều khiển xe, dẫn tới hậu quả đáng tiếc.
Honda Việt Nam khuyến cáo, nếu gặp hiện tượng cứng phanh như truyền thông phản ánh gần đây, người dùng cần mang xe đến đại lý ô tô Honda gần nhất để được cài đặt lại phần mềm ECU.
Tính đến ngày 11-6, Honda Việt Nam đã ghi nhận 6 trường hợp CR-V bản 7 chỗ liên quan đến hiện tượng nêu trên và chưa có báo cáo về tai nạn. Hãng cho biết, một khách hàng tại Quảng Trị đã chấp nhận cài đặt lại phần mềm bộ điều khiển điện tử (ECU) để tạm thời hạn chế lỗi, nhưng tới nay, chưa có thử nghiệm khách quan nào của bên thứ ba được tiến hành để kiếm chứng hiệu quả của phương án khắc phục này.