Một nghiên cứu mới cho thấy tỷ lệ người nhập viện vì va chạm giao thông mà các bác sĩ tin rằng có liên quan đến cần sa đã tăng đáng kể từ khi tỉnh Ontario, Canada hợp pháp hóa việc bán chất này cho mục đích giải trí.
Mặc dù vậy, tổng số vụ va chạm bởi cần sa vẫn còn rất ít và mờ nhạt so với các chất kích thích khác như rượu.
Cụ thể, một nghiên cứu mới do Jama Network Open công bố đã phát hiện tỷ lệ hàng năm số người đến bệnh viện Ontario vì các thương tích liên quan đến tai nạn giao thông mà cần sa có thể đóng một vai trò đã tăng 475,3% từ năm 2010 đến năm 2021.
Tiến sĩ Daniel Myran, tác giả chính của nghiên cứu, nói với Global News: “Dữ liệu của chúng tôi là hồi chuông cảnh báo về mối lo ngại ngày càng gia tăng về các vụ tai nạn do sử dụng cần sa".
Tuy nhiên, xét về tỷ lệ tai nạn nói chung thì tỷ lệ này vẫn còn rất nhỏ. Ví dụ, trong khoảng thời gian có 947.604 lượt đến phòng cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, chỉ có 426 người được ghi nhận có liên quan đến cần sa.
Mặc dù các vụ tai nạn liên quan đến "bồ đà" chỉ chiếm 0,04% số ca đến phòng cấp cứu do chấn thương giao thông mà nghiên cứu đã xem xét nhưng chúng có xu hướng nghiêm trọng hơn so với các vụ va chạm thông thường.
Để so sánh, trong cùng thời gian đó, có 7.564 lượt đến phòng cấp cứu có liên quan đến rượu. Hơn nữa, Tổ chức Nghiên cứu Thương tích Giao thông Canada cho biết trong số những người lái xe thiệt mạng, hầu hết họ cũng đã uống rượu.
Phần lớn số lượng tài xế sử dụng cần sa liên quan đến việc hợp pháp hóa chất này vào năm 2018. Một chuyên gia y tế tại Canada cho biết: "Có hai loại cần sa chính người dùng thường sử dụng bao gồm Sativa và Indica. Trong số này, Indica có thể gây buồn ngủ, làm tài xế mất tập trung trong một số trường hợp".