Thực tế thị trường cho thấy, cả năm 2019, chỉ có 1.117 xe Ciaz giao tới tay người dùng – là mức thấp nhất trong phân khúc và thua xa các đối thủ như Toyota Vios (27.180 xe), Hyundai Accent (19.719 xe)… Thậm chí, tháng 8-2020, không có chiếc Ciaz nào được bán ra tại Việt Nam. Số liệu này cho thấy Ciaz chưa được người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên chọn lựa.
Trong bối cảnh trên, khi những thông tin đầu tiên về Ciaz 2020 xuất hiện, giới chuyên môn đã kỳ vọng rằng thế hệ mới có thể lật ngược tình thế để gia tăng sức cạnh tranh trong phân khúc, qua đó đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi mẫu xe này chính thức ra mắt cuối tuần qua, mọi dự đoán tích cực đều tiêu tan vì một số lý do khá rõ ràng.
Tùy chọn chưa phong phú
Với mức giá không rẻ, Ciaz đáng tiếc lại nghèo nàn về tính năng so với các đối thủ. Trên phiên bản 2020, Suzuki đã bổ sung một số tùy chọn “hợp thời” như đèn pha LED, màn hình trung tâm 9 inch (chưa hỗ trợ Apple CarPlay/Android Auto), và một số tính năng an toàn như cảnh báo chệch làn, cảnh báo khoảng cách xe phía trước…. Tuy nhiên, những tính năng này đã phổ biến trong phân khúc B, do đó không thể tạo sự nổi bật cần thiết cho Ciaz. Bản thân hệ thống định vị và camera hỗ trợ an toàn của xe cũng không phải giải pháp an toàn chính hãng, tiềm ẩn nguy cơ gây hiểu nhầm với khách hàng.
Trong khi đó, xe lại chưa có một số “món” – từng một thời là đặc quyền của phân khúc xe cỡ C “sang chảnh” hơn (như phanh đĩa bốn bánh, ghế chỉnh điện, hệ thống ổn định/cân bằng thân xe điện tử, kiểm soát hành trình…), vào lúc này đã hiện diện trên hầu hết sản phẩm đối thủ.
Động cơ yếu nhất phân khúc nhưng không tiết kiệm nhiên liệu nhất
Về vận hành, Ciaz 2020 sử dụng động cơ 1.4L cho 91 mã lực, mô men xoắn cực đại 130 Nm. Đây là mức khá yếu ớt so với các loại động cơ 1.5L phổ biến trong phân khúc sedan B hiện nay như SOHC i-VTEC của City (118 mã lực/145 Nm), 2NR-FE của Vios (107 mã lực, 140 Nm)… Động cơ của Ciaz lại song hành với hộp số tự động 4 cấp, là lựa chọn đã cũ trong bối cảnh hầu hết xe trong phân khúc đều đã sử dụng loại 6 cấp, hay thậm chí là vô cấp (CVT) êm ái hơn rất nhiều.
Việc chỉ sử dụng hộp số 4 cấp cũng là lý do khiến mức tiêu thụ nhiên liệu đô thị (là địa hình vận hành sở trường của xe sedan cỡ B) của Ciaz lên tới 7,65 lít/100km. Trong khi đó, mức này của City, Vios và Accent tương ứng là 7,59 lít/100km, 7,1 lít/100km và 6,94 lít/100km.
Không được hưởng ưu đãi phí trước bạ
Xuất hiện tại Việt Nam dưới dạng xe nhập khẩu nguyên chiếc, Ciaz đương nhiên không được hưởng ưu đãi về phí trước bạ. Điều này tạo ra thế yếu cho chiếc xe nhà Suzuki trước các đối thủ vốn đã mạnh sẵn như City, Vios, Accent, lại được hưởng ưu đãi giảm 50% phí trước bạ nhờ việc lắp ráp trong nước. Với các xe thuộc phân khúc sedan cỡ B, mức ưu đãi này tương đương gần 40 triệu đồng – chiếm tỉ lệ không nhỏ trong tổng chi phí “lăn bánh” cuối cùng.
Giá thành chưa tạo ra sức hút
Ciaz có ưu thế đặc trưng của xe cỡ nhỏ nhà Suzuki – bền bỉ và đậm công năng thực tế. Tuy nhiên, mức giá của chiếc xe này vẫn khá cao so với mặt bằng chung, dẫn tới khó khăn trong việc thuyết phục khách hàng. Theo công bố của hãng ô tô Nhật Bản, Ciaz 2020 tại Việt Nam có giá từ 529 triệu đồng. Đây là mức cao hơn hầu hết các xe khác trong phân khúc, ví dụ như Vios (từ 470 triệu đồng), Attrage (từ 376 triệu đồng), Soluto (từ 369 triệu đồng), Accent (từ 426 triệu đồng)…
Có thể thấy, việc sắp xếp cấu hình chưa hợp lý trong khi lại sở hữu mức giá cao, lại không có ưu đãi, chắc chắn vẫn khiến Ciaz – vốn là mẫu xe khá tiềm năng của Suzuki – trở nên yếu thế trước các đối thủ trong phân khúc sedan cỡ B. Dĩ nhiên, giá trị một chiếc xe nằm ở nhiều yếu tố, nhưng không thể phủ nhận rằng những thông số “trên giấy” luôn là điều đầu tiên đập vào mắt, qua đó thu hút khách hàng tiếp cận sản phẩm.
Vì thế, chỉ khi những thông tin “giấy trắng mực đen” như trên được điều chỉnh, Ciaz mới ít nhất có cơ hội chiếm lĩnh thị phần trước khi năm 2020 – giai đoạn thị trường ô tô gặp đầy khó khăn vì dịch Covid-19 – kết thúc.
Hoàng Linh