Đây là nội dung của thỏa thuận sơ bộ về quy định tăng cường an toàn giao thông đường bộ vừa được Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu đạt được vừa qua. Quy định mới này sẽ sớm được bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu, sau đó sẽ được Hội đồng châu Âu phê chuẩn.
Theo thông cáo báo chí của Uỷ ban châu Âu, từ năm 2022 các phương tiện giao thông ở EU bắt buộc trang bị công nghệ an toàn mới để bảo vệ tính mạng của hành khách, người đi bộ và người đi xe đạp. Ngoài ra, trên ô tô con và ô tô bán tải sẽ được lắp cả hệ thống phanh khẩn cấp và dây an toàn được cải thiện theo kết quả kiểm tra va chạm. Ủy ban châu Âu hy vọng các biện pháp này sẽ giúp giảm 140.000 ca chấn thương nghiêm trọng và cứu hơn 25.000 sinh mạng vào năm 2038, giúp EU tiến gần hơn tới mục tiêu dài hạn là không có người tử vong do tai nạn đường bộ.
Trước đó, sau bê bối gian lận khí thải của Volkswagen năm 2015, khi hãng này dùng phần mềm để đánh lừa các bài kiểm tra khí thải, nhận thức về tác động xấu của nhiên liệu hoá thạch đã thúc đẩy các nhà cầm quyền đưa ra quy định nghiêm ngặt hơn trên toàn châu Âu. Một vài thành phố ở Đức đang cấm động cơ diesel đời cũ trong nỗ lực nhằm giảm ô nhiễm ở các thành thị. Tại Anh, thủ đô London đã đề xuất thu thuế đối với các tài xế sử dụng phương tiện chạy nhiên liệu diesel đời cũ. Cùng với Pháp, Anh cũng đã lên lộ trình giảm dần doanh số bán ra các ô tô chạy nhiên liệu diesel đời mới và động cơ xăng vào năm 2040.
Nhiều chính phủ, tài xế và hãng xe cũng tỏ ra chú ý tới các dòng xe chạy điện. Những chiếc ôtô sử dụng nhiên liệu thay thế chiếm 6% số đăng ký xe mới ở châu Âu năm ngoái, tăng so với con số 4,8% năm 2017, theo công ty nghiên cứu thị trường ô tô JATO. Điều này đặt các hãng xe vào cuộc đua đáp ứng thị trường. Mới đây, Volkswagen đã tuyên bố rằng sẽ bán 22 triệu ô tô điện trong 10 năm tới, so với mục tiêu 15 triệu trước đó và hãng này cũng sẽ hướng đến mục tiêu carbon trung tính (trung hòa tác động tiêu cực của khí thải carbon lên biến đổi khí hậu và môi trường) vào năm 2050.
Về phần mình, biện minh cho việc đóng cửa nhà máy ở Swindon, Honda nói hãng cần phải tập trung vào điện khí hoá, với thông báo “những thách thức đáng kể của công cuộc điện khí hoá sẽ khiến Honda điều chỉnh lại số cơ sở sản xuất trên toàn cầu và tập trung vào những vùng có khả năng mang lại sản lượng cao”.
Hoàng Linh