Thấy gì qua triển lãm ô tô Thượng Hải 2025

Triển lãm ô tô Thượng Hải 2025 là triển lãm ô tô có qui mô lớn nhất Thế giới tính đến thời điểm hiện tại.

 
Vài năm trước thì nói đến các triển lãm xe hơi định hình nền công nghiệp ô tô của thế giới thì phải nhắc đến Frankfurt Motor Show ở châu Âu, Detroit Auto Show ở Bắc Mỹ hay Tokyo Motor Show ở Nhật Bản. Tuy nhiên Frankfurt Motor Show đã phải dừng và chuyển đến tổ chức ở Munich với qui mô nhỏ hơn. Tokyo Motor Show thì qui mô cũng đã hạn chế hơn.
 
Giờ đây triển lãm ô tô Thượng Hải nổi lên như 1 triển lãm xe hơi lớn nhất thế giới. Vừa là nơi ra mắt xe mới, vừa là định hướng xu hướng thiết kế của thế giới, thậm chí là cả công nghệ, và công nghiệp phụ trợ. Năm 2023 mặc dù là sau covid nhưng qui mô cả 2 tầng của 8 hall triển lãm đều chật cứng. Nhưng đến năm nay 2025 thì chỉ lấp đầy có 6 halls với 2 tầng mà thôi. Rõ ràng cuộc thanh lọc các thương hiệu xe đang được định hình.
 
1. Sự vắng bóng của các thương hiệu xe Hàn Quốc:
Năm 2023 thì còn nhìn thấy Hyundai - KIA với những mẫu xe xăng và điện thì năm nay đã vắng bóng hoàn toàn. Doanh số của Hyundai - KIA sụt giảm nghiêm trọng tại thị trường Trung Quốc khiến cho 2 thương hiệu này không còn mặn mà với triển lãm năm nay.
 
2. Sự xuất hiện thiếu hoành tráng của các thương hiệu châu Âu:
Vẫn còn đó những Mercedes, BMW, Audi, VW, Porsche, Volvo, Mini, Lotus, Bentley nhưng qui mô trưng bày thì hạn chế hơn rất nhiều. Thậm chí cũng ít thấy ra mắt xe mới tại triển lãm năm nay. Điều này cho thấy sức hút của các thương hiệu châu Âu đã bị ảnh hưởng rất nhiều ở thị trường xe lớn nhất thế giới này. Thậm chí các thương hiệu châu Âu đã phải dùng công nghệ của Trung Quốc để xây các thương hiệu con phục vụ riêng cho thị trường này.
 
3. Các thương hiệu Nhật Bản cũng không mấy sáng sủa:
Vẫn còn Toyota, Lexus, Honda, Nissan, Infiniti, Mazda. Nhưng ngoài Toyota và Lexus có vẻ vẫn giữ được truyền thống tổ chức rầm rộ thì các thương hiệu khác như Honda, Nissan đều thu hẹp qui mô. Thậm chí Nissan còn phải dùng công nghệ của đối tác Dongfeng để phát triển lên sản phẩm bán tải mới. Đình đám nhất có thể kể đến ra mắt mẫu Toyota BZ3 và Lexus ES hoàn toàn mới với phiên bản thuần điện lần đầu tiên xuất hiện. Nhưng nhìn mẫu ES dường như ta thấy mẫu xe này nhắm thẳng đến nhóm khách hàng hạng sang của TQ. Những đồng nhân dân tệ đã làm nhòe mắt các lãnh đạo của Lexus rồi.
 
4. Các thương hiệu đến từ Mỹ:
Chỉ còn bóng dáng của Ford, Buick, Cadillac, Lincoln với qui mô khá nhỏ. Buick và Cadillac thì ngồi cùng mâm với các thương hiệu khác trong đại gia đình SAIC. Lincoln thì lẻ loi với diện tích nhỏ, còn Ford thì khá khẩm hơn lắm khi nằm đối diện với 1 ông lớn đang lên của ô tô Trung Quốc là Xiaomi. Tại gian Ford có trưng bày mẫu Teritory mới rất có thể sẽ về Việt Nam trong thời gian tới.
 
5. Các thương hiệu chủ nhà:
Nhìn vào có thể thấy triển lãm ô tô Thượng Hải là sân chơi của các thương hiệu lớn nội địa như: SAIC, BAIC, GAC, JAC, Geely, Chery, Chang An, Xpeng, AITO, Li Auto, Hong Qi, GWM, NIO, BYD... Mỗi tập đoàn lớn lại có vài thương hiệu con nữa. Năm nay tôi cảm thấy có gì đó thay đổi rất lớn, khi không còn thấy 1 số thương hiệu cả cao cấp vẫn bình dân. HiPHI – 1 thương hiệu xe rất cao cấp đã bị phá sản khi không trụ nổi với sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường này. Các thương hiệu xe điện nhỏ không còn xuất hiện như nấm sau mưa nữa.
 
6. Công nghệ hỗ trợ lái lên ngôi:
Trước kia hầu như hãng nào cũng cố đầu tư để tự làm ADAS. Nhưng rồi tất cả hụt hơi để dành chỗ cho các ông lớn như Huawei, Bosch, Geely, BYD, Xpeng, NIO, Li Auto và GWM. Nhưng thành tựu nổi bật lên có vẻ là Huawei.
 
Tóm lại
Điện hóa vẫn là mục tiêu chính của xe hơi Trung Quốc trong tương lai. Tuy nhiên đang có sự dịch chuyển từ thuần điện sang xe hybrid mà chủ yếu là PHEV. Lấy ví dụ mẫu xe SUV đầu bảng của Zeekr là 9x thì đã sẵn sàng cho cả phiên bản thuần điện (BEV) và phiên bản lai điện (PHEV), còn với Lynk&Co 900 thì chỉ cho ra mắt mẫu xe PHEV mà thôi.
Mặc dù vẫn có sự tăng trưởng về doanh số hàng năm. Nhưng việc tiến sát đến mốc chuyển đổi thành công điện hóa của phương tiện giao thông cá nhân tại Trung Quốc nên Chính Phủ bắt đầu có những chính sách hạn chế hỗ trợ. Khi thiếu đi hỗ trợ từ chính sách, các thương hiệu nhỏ dần biến mất. Trong khi đó qui mô sản xuất thì lớn dẫn đến dư thừa. Việc làm của các hãng trong thời gian tới sẽ là tích cực tìm hướng xuất khẩu. Bởi càng bán trong nội địa thì càng lỗ. Vậy nên sẽ có làn sóng xe Trung Quốc tiến ra thế giới trong thời gian tới. Và thị trường Việt Nam sẽ không nằm ngoài kế hoạch. Các thương hiệu đang có tại thị trường Việt Nam hãy dè chừng các thương hiệu đến từ Trung quốc. Sẽ có cả hàng ngon và không loại chừ cả rác sẽ ồ ạt tràn sang. Hãy tỉnh táo để lựa chọn cho đúng thứ mình cần.
 
Dự đoàn chỉ là dự đoán. Nhưng thời gian sẽ là câu trả lời chính xác nhất. Chờ thôi
Comments