Việt Nam tiến gần hơn tới vai trò trung tâm sản xuất xe Hàn Quốc của ASEAN?

Korea Herald cho biết, Hyundai Glovis (Glovis) đã mở văn phòng đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á ở Hà Nội.

Theo hãng tin Hàn Quốc, văn phòng Việt Nam đầu tiên của Glovis (tại Hà Nội) sẽ đóng vai trò là cầu nối mở rộng kinh doanh trong khu vực, bao gồm cả các hoạt động vận tải, đóng gói, thậm chí là tái chế phụ tùng ô tô (OnECO). Trong số này, đáng chú ý hơn cả là việc Glovis sẽ cung cấp phụ tùng ô tô cho một nhà máy sản xuất xe mới của Hyundai tại Việt Nam với công suất dự kiến hàng năm khoảng 80.000 xe.

Một dây chuyền lắp ráp xe ô tô Hyundai tại Ninh Bình.

Được biết, đây chính là nhà máy mà tập đoàn Hyundai đã mạnh tay đầu tư xây dựng từ năm 2017 tại Ninh Bình, với hứa hẹn sản lượng tối đa thậm chí có thể chạm mốc 120.000 xe/năm. Tuy nhiên, bản thân con số tăng cường tới 80.000 xe/năm mà Glovis hướng tới đã là rất đáng kể, bởi lẽ mức tiêu thụ của ô tô Hyundai tại Việt Nam hiện vào khoảng hơn 55.000 xe/năm và vẫn được Hyundai Thành Công (TC Motor) đáp ứng khá đầy đủ.

Cũng theo trao đổi với một số nguồn tin trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam, được biết số linh kiện, phụ tùng do Glovis cung cấp trong tương lai vẫn sẽ chủ yếu được nhập khẩu từ Ấn Độ và một phần nhỏ từ Hàn Quốc. Đây là hoạt động có tính kế thừa việc cung ứng mà đơn vị này đã và đang thực hiện tại Việt Nam từ khi chiếc xe cỡ nhỏ Grand i10 được chuyển sang lắp ráp trong nước (hồi giữa năm 2017).

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả lại nằm ở chỗ: với tư cách là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất ô tô thế giới (điển hình là việc đang đảm nhận việc vận tải các xe hoàn thiện của Hyundai và KIA đi Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á…. thông qua 2 hợp đồng mới có giá trị lên tới 1,3 tỷ USD), việc Hyundai Glovis lấy Việt Nam làm điểm tựa đầu tiên để xâm nhập thị trường Đông Nam Á cho thấy những nỗ lực chuẩn bị của các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc đã dần tới thời điểm chín muồi, khi bắt đầu cần tới vai trò chính thức của hệ thống hậu cần quy mô lớn. Việc chọn lựa Việt Nam của các nhà sản xuất Hàn Quốc cũng là điều dễ hiểu khi các đối thủ Nhật Bản giờ đây đã có chỗ đứng vững chắc tại những quốc gia sản xuất lớn của ASEAN như Indonesia, Thái Lan hay thậm chí là Malaysia. Trong khi đó, Việt Nam với sức phát triển kinh tế đang rất ổn định; đồng thời nằm ở vị trí chiến lược về mặt địa chính trị và có quan hệ hợp tác với Hàn Quốc rất hiệu quả trong nhiều năm qua.

Thay đổi lần này cũng sẽ là cú huých đáng kể cho các tiến trình biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất ô tô của khu vực. Tuy nhiên, nỗ lực trên muốn đạt vẫn phải đối mặt rào cản lớn vào lúc này. Đó là việc các mẫu xe xuất xưởng phải đạt tỉ lệ nội địa hóa ít nhất 40% để được hưởng ưu đãi thuế quan 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Đây là con số hết sức khó khăn. Bởi lẽ, dù dòng ô tô cá nhân dưới 9 chỗ ngồi từng được đặt mục tiêu nội địa hóa 40% vào năm 2005 và tăng lên 60% vào năm 2010, nhưng đến nay mới chỉ đạt bình quân từ 7 – 10%.

Trong đó, một số dòng xe con do THACO (Trường Hải) lắp ráp mới đạt tỉ lệ nội địa hóa 15 – 25%. Ngay cả dòng xe như Toyota Innova đạt tỉ lệ nội địa hóa cao nhất hiện nay cũng chỉ mới dừng lại ở mức 37%. Việc tỉ lệ này còn thấp đã khiến chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn gần 20% so với các quốc gia trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia… (theo số liệu của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản).

Hyundai Glovis cũng chính là kênh vận chuyển xe chính của Hyundai-KIA trên toàn cầu.

Trong bối cảnh ấy, việc một tên tuổi lớn trong lĩnh vực cung ứng lắp ráp, sản xuất ô tô như Hyundai Glovis chọn Việt Nam là điểm khởi đầu cho hành trình chinh phục thị trường khu vực là tín hiệu tốt, có thể trở thành động lực phát triển cho các doanh nghiệp phụ tùng, phụ kiện trong nước, qua đó giúp nâng đáng kể tỉ lệ nội địa hóa những chiếc ô tô lắp ráp tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc “bôi trơn” hoạt động đầu ra cũng sẽ giúp các nhà sản xuất ô tô tự tin hơn trong việc nâng cao sản lượng, qua đó thúc đẩy hơn nữa ngành công nghiệp phụ trợ nói chung. Thời gian qua, Hyundai Thành Công, VinFast, THACO (Trường Hải) … đã đầu tư hàng tỷ USD cho xây dựng hạ tầng sản xuất, lắp ráp ô tô, và đều ít nhiều có mục tiêu vươn ra thị trường khu vực trong tương lai.

Hoàng Linh

 
Bình luận