Vì sao ông Carlos Ghosn bị bắt giữ?
Trong thông cáo chính thức vừa được phát đi, Nissan cũng cho biết ông Ghosn và Greg Kelly (một quan chức cấp cao khác của Nissan có liên đới trong vụ việc này) đã bị điều tra nội bộ từ vài tháng qua. Theo Văn phòng công tố Tokyo, ông Ghosn đã thu về gần 10 triệu yên trong giai đoạn 5 năm (từ 2011-2015), nhưng đã không khai báo đầy đủ thu nhập (thiếu khoảng 5 tỷ yên, tương đương khoảng 44,5 triệu USD).
Tuy chưa có báo cáo điều tra chính thức, nhưng nhiều ý kiến cho rằng con số bị giấu có thể còn lớn hơn nhiều trong những năm gần đây, khi thu nhập của ông này tăng lên nhanh chóng sau vụ sát nhập Mitsubishi và Renault. Theo báo cáo tài chính năm tài khóa vừa qua, Nissan đã trả cho ông Ghosn hơn 6,5 triệu USD; Mitsubishi đã trả hơn 2 triệu USD; trong khi Renault chi cho lãnh đạo này nhiều nhất, lên tới gần 8,5 triệu USD. Kể từ năm 2010, các doanh nghiệp Nhật Bản bị buộc phải công khai mức lương của các lãnh đạo nhận được hơn 100 triệu yên mỗi năm (tương đương khoảng 888.000 USD).
Nói cách khác, việc thiếu trung thực như vậy đã khiến ông Ghosn đối mặt với cáo buộc vi phạm nghiêm trọng Luật Công cụ tài chính và sàn giao dịch (Financial Instruments and Exchange Act) của Nhật Bản. Hiện tại, Nissan trong quá trình bổ sung hồ sơ cho Văn phòng Công tố Nhật Bản. Văn phòng của hãng tại Yokohama cũng đã bị lục soát để phục vụ công tác điều tra. Theo các nguồn tin Nhật Bản, ông Ghosn đã bị cơ quan chức năng bắt giữ ngay khi vừa hạ cánh xuống sân bay Haneda (Tokyo) trên máy bay riêng.
Bên cạnh vi phạm luật tài chính của Nhật Bản, ông Ghosn cũng bị cáo buộc sử dụng sai mục đích các tài sản của Nissan. Cụ thể, ông đã sử dụng hàng loạt khu nhà ở của tập đoàn này tại Brazil, Hà Lan và nhiều nơi khác trên thế giới cho mục đích riêng không liên quan tới công việc.
Nhận định về bê bối lần này, Giám đốc điều hành Nissan Hiroto Saikawa cho biết, ông cảm thấy “tuyệt vọng, phẫn nộ và oán giận”, nhưng khẳng định sẽ làm mọi cách để ổn định tình hình và duy trì hoạt động thường nhật của tập đoàn, trấn an nhân viên cũng như các đối tác. Cũng theo ông Saikawa, việc ông Ghosn được giao quyền lực quá lớn đã khiến công tác giám sát trong nội bộ từ lâu đã trở nên vô cùng khó khăn.
Tượng đài của ngành công nghiệp ô tô
Bản thân ông Ghosn, với 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ô tô, luôn được coi là một tượng đài của ngành công nghiệp này. Là người gốc Lebanon, sinh ra tại Brazil, nhưng lại mang quốc tịch Pháp, ông được đánh giá là một tượng đài của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Khởi nghiệp với Michelin, ông Ghosn trở thành Giám đốc điều hành Nissan khi Renault thâu tóm lại thương hiệu Nhật Bản này vào năm 2001. Tại Pháp, ông được mệnh danh là Le Cost Killer vì những nỗ lực tiết kiệm ngân sách đã giúp “hồi sinh’ Renault. Tại Nhật Bản, sức ảnh hưởng của ông lớn tới mức trở thành cảm ứng của nhiều bộ truyện tranh, trong khi không ít ý kiến khuyến khích ông nên ra tranh cử.
Tuy tên tuổi của Carlos Ghosn gắn liền với Nissan, nhưng việc ông bị bắt đã gây chấn động tới ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Hiện nay, Nissan cũng đang trong mối liên kết đồng minh với Mitsubishi và Renault, tạo thành thế lực sản xuất thành công bậc nhất hiện nay. Ở vị trí lãnh đạo, ông Ghosn đang dẫn dắt tổng cộng 470.000 nhân lực, điều hành tới 122 nhà máy, trong đó có cả nhà máy ô tô lớn nhất của Anh (nhà máy Sunderland của Nissan). Ngoài Nissan, ông Ghosn hiện cũng là Chủ tịch của Mitsubishi Motor, đồng thời là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Renault. Với vị trí này, cùng với kinh nghiệm lâu năm, không lạ khi nhà lãnh đạo này luôn được coi là một trong những người có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với nền công nghiệp ô tô toàn cầu.
Mặt khác, việc hội tụ ba thương hiệu một thời luôn bị coi là “hạng hai”, để tạo thành lực lượng đủ mạnh sánh vai với các thương hiệu hàng đầu của thế giới như Toyota, Volkswagen và GM thực sự là kì tích, thể hiện năng lực điều hành đầy ấn tượng của ông. Kế hoạch hồi sinh Nissan (NRP) do Carlos Ghosn đề ra đã hội tụ vô số các nhà kinh tế học hàng đầu, và tới nay vẫn được coi là cuộc lội ngược dòng ngoạn mục nhất trong lịch sử kinh doanh toàn cầu. Thậm chí, Chính phủ Nhật Bản cũng đã trao cho ông Ghosn phần thưởng cao quý là Huy chương Nhật Bản với dải băng xanh vào năm 2004 vì hồi sinh được một trong những thương hiệu ô tô đặc trưng của xứ sở hoa anh đào.
Từ chỗ thua lỗ, trong năm 2017, liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi đã vượt lên, đã bán ra thị trường 10,61 triệu xe ô tô các loại, xếp thứ 2 trên toàn cầu (chỉ sau Volswagen AG). Trong năm nay, liên minh này đang hướng tới con số 11 triệu xe, dự kiến vượt qua tập đoàn xe nước Đức.
Chấn động ngành công nghiệp ô tô toàn cầu
Với mối liên kết chặt chẽ như nêu ở trên, không lạ khi việc ông Ghosn bị bắt ngay lập tức có ảnh hưởng tới liên minh và các thành viên. Giá trị cổ phiếu của Nissan đã tụt 9%. Trong khi đó, cổ phiếu của Renault, tuy vẫn giao dịch nhưng giảm 10%, xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua (và giảm 15% trên sàn niêm yết châu Âu). Về phần mình, cổ phiếu Mitsubishi cũng giảm 7% trong ngày thứ Ba vừa qua.
Tuy nhiên, sự lo lắng đổ dồn vào việc liên minh Nissan-Renault-Mitsubishi có thể bị đổ vỡ nếu không có sự dẫn dắt của ông Ghosn, đặc biệt là khi Renault và Nissan có xu hướng cạnh tranh để chiếm quyền kiểm soát chung. Bản thân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã bày tỏ lo ngại đối với sự ổn định của liên minh nói chung và Renault nói riêng. Hiện nay, chính phủ Pháp đang sở hữu 15% cổ phần của Renault; trong khi Renault sở hữu 42,4% cổ phần của Nissan. Về phần mình, Nissan sở hữu 15% cổ phần của Renault và 34% cổ phần của Mitsubishi Motors.
Sự tan rã của liên minh đứng thứ 2 thế giới về doanh số, nếu xảy ra, sẽ là thảm họa đối với ngành công nghiệp ô tô toàn cầu trên mọi lĩnh vực, từ tài chính; công nghiệp phụ trợ; cho tới các đối tác. Chỉ riêng Nissan đã có quan hệ hợp tác sản xuất và chia sẻ nền tảng với hàng loạt các hãng xe nổi tiếng trong vài thập kỷ qua, điển hình là Ford, GM, Volkswagen, Alfa Romeo… Không dừng lại ở việc chia sẻ vốn, Nissan cũng có hạ tầng sản xuất rất lớn trên thế giới, trong đó các nhà máy Mỹ chủ yếu sản xuất Altima, Maxima, Pathfinder và xe sang Infiniti, trong khi nhà máy Renault-Samsung của hãng tại Hàn Quốc chủ yếu sản xuất Nissan X-trail. Điều này khiến nhiều nhà sản xuất cũng viện tới các mẫu xe của Nissan làm nền tảng cho sản phẩm của mình. Hồi năm 2013, GM lấy nguyên mẫu NV200 để bán ra thị trường dưới tên gọi Chevrolet City Express. Trong khi đó, Holden (công ty con của GM tại Australia) cũng từng bán Nissan Pulsar với tên gọi Holden Astra. Gần đây, mẫu bán tải X-Class của Mercedes-Benz cũng “mượn” khung gầm của chiếc Nissan NP300 Navara. Trong năm qua, Nissan và BMW cũng đẩy mạnh hợp tác nhằm triển khai hệ thống sạc xe điện chung trên toàn nước Mỹ. Về phần mình, Renault hiện đang sản xuất động cơ cho Mercedes-Benz A-Class và B-Class, đồng thời sở hữu 1,55% cổ phần tập đoàn mẹ Daimler AG.
Và đó là chưa tính tới những mối liên kết của “lính mới” Mitsubishi trong liên minh…
Bên cạnh các quan hệ về kĩ thuật, bức tranh sở hữu tài chính của liên minh Nissan-Renault-Mitsubishi còn phức tạp hơn rất nhiều. Một ví dụ là từ năm 2010, Daimler AG (tập đoàn mẹ của Mercedes-Benz) đã trao đổi 3,1% cổ phần để đổi lấy 3,1% của cả Nissan và Renault, mở đường cho các động thái chia sẻ công nghệ, cắt giảm chi phí phát triển sản phẩm. Tương tự như vậy, năm 2012, liên minh Nissan-Renault cũng thành lập liên doanh với Russian Technologies, nhằm kiểm soát thương hiệu AvtoVAZ nổi tiếng của Nga. Từ năm 2014, cái tên Carlos Ghosn cũng đã xuất hiện trong ban giám đốc của AvtoVAZ.
Trong bối cảnh liên minh này cũng chịu trách nhiệm sản xuất số lượng đáng kể sản phẩm cho các thương hiệu khác, trong khi đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều nỗ lực phát triển của ngành công nghiệp ô tô thế giới, đặc biệt là điện hóa (Renault hiện đang đứng đầu bảng về doanh số xe điện tại châu Âu, trong khi Nissan “thống trị” thị trường Mỹ) và tự hành, cũng đồng nghĩa bê bối lần này sẽ có tác động tiêu cực về lâu dài chưa thể đoán định ngay vào lúc này.
Các hãng xe sẽ làm gì?
Tới nay, Nissan cho biết vẫn đang hợp tác chặt chẽ và cung cấp thông tin đầy đủ cho các cơ quan điều tra. Tuy nhiên, thời gian điều tra và giam giữ ông Carlos Ghosn vẫn chưa được xác định. Nếu bị kết tội, ông Ghosn sẽ đối mặt với bản án tù lên tới 10 năm, và khoản phạt khoảng 10 triệu yen. Bên cạnh việc gián đoạn hoạt động điều hành, hình ảnh bị tổn hại cũng sẽ khiến ông khó lòng giữ vị trí cao nhất ở các đơn vị mình đang lãnh đạo.
Rất may mắn, theo các phân tích tới nay, liên minh Nissan-Renault-Mitsubishi sẽ vẫn tồn tại an toàn trước cơn bão mới, nhưng chắc chắn việc kinh doanh và vận hành nói chung sẽ bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, theo lộ trình chiến lược, phải tới năm 2022, ông Ghosn mới rời bỏ vị trí điều hành của Renault, dù vẫn có thể nắm vị trí Chủ tịch. Nói cách khác, phải vài năm nữa liên minh nói trên mới có thể chuẩn bị được nhân sự bị đủ sức chèo lái một bộ máy khổng lồ như vậy. Mặt khác, việc lãnh đạo cao nhất của liên minh này lại gian dối về tái chính cũng đã gây ra tâm lý lo ngại rất lớn đối với nhà đầu tư và cổ đông về các báo cáo tài chính mà họ nhận được trong những năm qua.
Trước bê bối mới, cả Nissan và Mitsubishi đều khẳng định sẽ cách chức Chủ tịch, và đã khởi động quá trình chuẩn bị. Trong khi đó, Renault chưa có động thái nào cụ thể, dù Chính phủ Pháp đã đưa ra thông báo yêu cầu thay thế ông Ghosn. Tuy nhiên, ông Philippe Lagayette, một thành viên Ban Giám đốc của hãng xe Pháp, cho biết hiện tại đang chờ thông tin chính thức từ ông Ghosn, và Renault đã sẵn sàng để bảo vệ quyền lợi của mình trong liên minh với Nissan và Mitsubishi.
Nguyễn Thúc Hoàng Linh