Vì sao chúng tôi lên đường?
Chiếc bán tải Nissan Navara cùng đoàn tiêu tốn tới 6,8 triệu đồng tiền dầu cho cả chuyến đi, trong khi đó chiếc VinFast e34 chỉ mất 2,2 triệu đồng cho 22 lần sạc cộng với chi phí thuê pin 420 ngàn trong 7 ngày (1,8 triệu/tháng). Rõ ràng, việc chênh lệch tới hơn 2 lần rưỡi mức chi phí nhiên liệu giữa một chiếc xe điện và một chiếc xe động cơ đốt trong chắc chắn sẽ làm nhiều người phải suy nghĩ nếu quan tâm tới lợi ích kinh tế. Tất nhiên, đó vẫn không phải là lý do chính để tôi tham gia hành trình này.
“Xe ô tô điện sẽ dần thay thế xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, đó là xu thế tất yếu mang tính toàn cầu mà Việt Nam cũng không nằm ngoài con đường đó”. Những điều đó báo chí đã nhắc tới rất nhiều và tôi thấy cũng không có nhiều người nghĩ khác. Mặc dầu vậy, người Việt Nam vẫn biết quá ít về xe điện và chưa có nhiều người sẵn sàng thay đổi tư duy về cách sử dụng một phương tiện mới mang tính cách mạng như xe điện.
VinFast e34 có lẽ là những chiếc xe điện đầu tiên ở Việt Nam có thể thực sự tham gia vào hệ thống giao thông nhờ sự phát triển đồng bộ của hạ tầng trạm sạc, dịch vụ mà VinFast đã dày công đầu tư xây dựng. Trước đó, cũng có một số xe điện như Tesla, Porsche Taycan được nhập khẩu vào Việt Nam và lăn bánh trên đường, nhưng về bản chất, chúng vẫn chỉ có thể coi là những món đồ chơi chạy điện đắt tiền mà thôi, bởi không thể sạc ở đâu khác ngoài cắm điện ở nhà và phạm vi hoạt động chỉ có thể loanh quanh một vài trăm km trong giới hạn của viên pin.
Về bản chất, e34 – mẫu xe đầu tiên trong chuỗi sản phẩm xe điện của VinFast – được thiết kế dành cho giao thông đô thị với thiết kế khung sườn được chuyển đổi từ xe chạy xăng sang và có phạm vi hành trình khá nhỏ (285km theo thông số nhà SX). Ưu điểm của xe là ổn định, tin cậy và có giá thành rẻ, phù hợp với những người có nhu cầu di chuyển cố định hàng ngày.
Việc mang chiếc e34 đi một hành trình dài từ Hà Nội tới TP. HCM và ngược lại quả thực là một cuộc thử nghiệm đầy thách thức. “Một chiếc xe điện như e34 khi đi xuyên Việt sẽ như thế nào?”, một câu hỏi mà chưa ai có thể trả lời một cách chính xác. Ở thời điểm hiện tại, khi số lượng xe được giao tới tay khách hàng mới chỉ khiêm tốn ở con số trên 100 chiếc và hạ tầng trạm sạc của VF cũng đang trong giai đoạn xây dựng và hình thành, chưa có chủ xe nào từng thực hiện một hành trình dài hơn quãng đường có thể đi được của viên pin cả chứ chưa nói tới hành trình dài gấp gần 20 lần phạm vi 1 lần sạc của xe như vậy.
Trên thực tế, chuyến đi là một cuộc thử nghiệm tự phát của người dùng (end user) về khả năng của chiếc xe và mức độ đáp ứng của hạ tầng trạm sạc và xưởng dịch vụ hỗ trợ dành cho xe điện VinFast tại Việt Nam. Mang một chiếc xe điện có range nhỏ đi xa có nghĩa là chiếc xe sẽ phải sạc khá nhiều lần trên suốt quãng đường, cũng có nghĩa là khoảng cách các trạm sạc phải phù hợp với phạm vi hoạt động của xe. Chỉ cần một trạm sạc bất kỳ trên đường không hoạt động, chiếc xe có thể phải nằm lại trên đường để sạc bằng nguồn điện dân dụng, sạc kiểu này lâu gấp 15 lần các trạm sạc 30kW phổ biến của VF.
Chính vì những thách thức thú vị khó lường trước đó, chúng tôi quyết định sẽ thực hiện hành trình xuyên Việt từ Hà Nội tới TP. HCM chỉ trong 48 giờ, tức là tương đương với thời gian đi của một chiếc xe xăng trên cùng quãng đường. Nếu một chiếc xe “nhỏ nhất nhà” như e34 thực hiện được thử thách này, sẽ rất dễ dàng với những mẫu xe có range lớn như VF8 hay VF9 sẽ sớm xuất hiện vào cuối năm nay. Trường hợp thất bại, VF có lẽ sẽ nên cân đối lại sự phát triển giữa hạ tầng dịch vụ với tốc độ ra mắt và sản xuất các mẫu xe mới của mình.
Những bài học trên đường
Dù biết đây là một hành trình khó và chúng tôi có chuẩn bị chu đáo tới mức nào, thì vẫn sẽ có những trục trặc bất ngờ chờ đón phía trước. Cũng như mọi người, chúng tôi vẫn biết quá ít về xe điện và cách thức vận hành nó. Có thể nói rằng, chuyến đi này thực sự là “đi một ngày đàng…” với những người yêu xe và quan tâm tới xe cộ như chúng tôi.
Xuất phát vào lúc 11 giờ 20 phút tại Hà Nội, chúng tôi dự tính sẽ tới được TP.HCM vào trưa của 2 ngày sau – thời điểm đẹp nhất để có một màn check in rực rỡ dưới ánh nắng phương nam. Tuy nhiên, mọi thứ không hề dễ dàng như dự tính…
Trục trặc đầu tiên là ở Trung tâm dịch vụ VF TP. Vinh khi hành trình mới chỉ đi được có 300km. Sự nan giải lớn tới mức đã có lúc, chúng tôi nghĩ tới viễn cảnh phải quay về vào sáng ngày hôm sau. Hệ thống trạm sạc toàn quốc của VinFast thực hiện việc nâng cấp phần mềm hệ thống theo chuẩn mới, tức là có thể nhận biết các xe đã đăng ký tài khoản mua năng lượng và có hợp đồng thuê pin với hãng xe. Việc này rất hay khi nó có thể nâng cao tính bảo mật và loại bỏ việc sạc “chùa” với hệ thống của VF, đồng thời minh bạch hóa việc sử dụng và thanh toán đối với dịch vụ. Tuy nhiên, nó oái oăm ở chỗ, việc này diễn ra đúng lúc chúng tôi đang thực hiện chuyến đi dài của mình.
Nhưng cũng chính vì thế, chúng tôi mới biết đến một phương thức mới trong dịch vụ hậu mãi đối với xe điện, một phương thức mang đầy đủ tinh thần của cách mạng 4.0. Đó là giờ đây, với 1 số dịch vụ chúng ta có thể sẽ không cần phải mang xe tới các xưởng để kiểm tra như trước đây vẫn làm với xe xăng nữa, bạn chỉ việc cắm cổng sạc vào xe để hệ thống có thể kết nối hữu tuyến với chiếc xe. Từ đó, kỹ thuật viên sẽ sửa chữa các lỗi phát sinh trên xe qua kết nối 4G của các trạm sạc. Tất nhiên, Một chiếc xe điện khác rất nhiều so với xe xăng hay dầu. Mô tơ điện là thứ hầu như rất khó hỏng, hệ thống pin cũng vậy, chúng không đòi hỏi việc phải thay dầu mỡ hay bảo dưỡng định kỳ thường xuyên. Phần lớn các lỗi của xe xuất phát từ phần mềm điều khiển, do đó việc sửa chữa trực tuyến trở nên khả thi hơn bao giờ hết. Chiếc xe của chúng tôi đã có thể tiếp tục lên đường theo cách thức như vậy.
Khi lái xe liên tục vài ngàn km, chúng tôi mới hiểu ra rất nhiều điều mới mẻ mà như anh Nguyễn Mạnh Thắng đã chia sẻ: “Lái xe xuyên Việt 48 giờ giúp anh hiểu về chiếc xe nhiều hơn cả 3 tháng qua cộng lại”. Một chiếc xe điện được gọi là xe xanh không chỉ bởi việc nó không phát thải CO mà còn bởi cách mà nó sử dụng nguồn năng lượng của mình. Mọi động năng dư thừa khi đổ dốc, rà phanh hay giảm tốc đều được thu hồi tối đa thông qua hệ thống phanh điện từ. Với hệ thống này, tôi có thể chạy một mạch từ Quy Nhơn tới Tuy Hòa mà thậm chí không cần phải đạp phanh một lần nào cả. Hệ thống thu hồi động năng đã giúp tôi dễ dàng kiểm soát tốc độ của mình và tái nạp năng lượng dư thừa vào viên pin để xe có thể đi xa hơn.
Nếu như động cơ xe hơi sẽ phải cần đạt tới một vòng tua máy nhất định để đạt lực kéo tốt nhất thì ngược lại, động cơ điện đạt lực kéo tối đa ở mọi dải tốc độ. Điều đó có nghĩa là một chiếc xe xinh xắn như e34 có thể tạo ra cú đề pa vượt xe khác trên đường xuất sắc đến bất ngờ, áp đảo mọi chiếc xe xe cùng hoặc hơn về công suất. Sự đáp ứng ngay lập tức của động cơ điện có thể sẽ khiến không ít người bị bất ngờ khi mới lái nhưng sẽ mau chóng trở thành niềm phấn khích sau vô lăng của các “tài già”.
E34 là một chiếc xe đô thị, do đó tốc độ cho phép tối đa 120km/h trên cao tốc không phải là ngưỡng hoạt động lý tưởng bởi xe sẽ tiêu hao năng lượng rất nhanh so với dải tốc độ dưới 80km/h. Và cũng bởi e34 quá dễ dàng để đạt tốc độ tối đa nên nếu không cẩn trọng, bạn hoàn toàn có thể bị nằm lại trên đường cao tốc vì hết pin.
Tính kế hoạch cao trong mọi dự định di chuyển là thứ mà chiếc xe điện đã “dạy” cho chúng tôi trong suốt hành trình. Do còn hạn chế về mật độ trạm sạc trên đường, chúng tôi luôn phải tính toán trước quãng đường đi và điểm sạc kế tiếp, thậm chí là đặt trước thời gian gian vào trạm sạc để không phải chờ đợi khi tới nơi. May mắn là trợ lý ảo Vivi trên xe đã giúp chúng tôi khá nhiệt tình và hiệu quả cho phương thức vận hành khá mới mẻ này…
Với những nỗ lực cùng sự tính toán hợp lý, chúng tôi đã hoàn thành chuyến hành trình hà Nội – TP. HCM dài 1.917km trong 48 giờ trọn vẹn. Một kỷ lục mới đã được tạo ra bằng xe điện, mang đến nhiều cảm hứng cho các thành viên khác trong CLB VFe34 lên kế hoạch cho những chuyến đi sau này.
Vĩ thanh
Trong suốt hành trình gần 4 ngàn cây số, chúng tôi luôn tự hỏi, nếu các hãng xe khác muốn phát triển xe điện ở Việt Nam mà không có người tiên phong là VinFast thì họ sẽ phải làm thế nào? Làm ra cái xe điện không khó, cái khó là làm thế nào để nó có thể vận hành được như cái xe xăng, hoặc chí ít là gần giống. Nếu không có hệ sinh thái gồm Vincom, Vinpearl, Vinmart và các trạm dịch vụ VinFast phủ khắp các trung tâm tỉnh thành cả nước, e34 sẽ chả thể đi đâu ra khỏi Hà Nội được. Kể cả sau này với VF9 thì cũng chỉ có thể đi tới Vinh là cùng.
VinFast đã mạnh dạn đi bước đi đầu tiên, bước đi tiên phong trong việc xây dựng một xã hội giao thông sử dụng năng lượng sạch. Đi đầu chắc chắn là rất khó, thậm chí là sẽ gặp rất nhiều vấp váp không thể lường hết, nhưng nếu không có người mở đường như Danko, thì làm gì có con đường sáng để người sau bước tiếp.
Chuyến đi của chúng tôi là một cuộc điền dã thú vị chỉ để hiểu được, những chiếc xe điện sắp xuất xưởng hàng loạt trong tương lai gần sẽ vận hành như thế nào? Rõ ràng, chúng ta sẽ phải thay đổi tư duy sử dụng và cách thức sử dụng chúng, tương tự như cách chúng ta bắt đầu sử dụng những chiếc smartphone thay cho Nokia 1100i nhiều năm trước.
Những câu chuyện tôi kể chỉ là vài ví dụ trong vô số những điều mà tôi học được trên hành trình mà nhiều người cho là “hơi điên”. Thực tế, chưa có nhiều người đã sẵn sàng với việc sử dụng một chiếc xe điện, thậm chí không ít người có phản ứng trái chiều, chuyện đó là bình thường. Mọi sự thay đổi mang tính cách mạng đều vấp phải các trở ngại của tính cố hữu. Nhưng rồi sẽ tới một ngày, nhiều người sẽ tự mỉm cười về những điều ấu trĩ đáng yêu của mình…
Chúng tôi gọi vui VFe34 là “chiếc xe của giai đoạn quá độ”, bởi sau này, sẽ có nhiều mẫu xe thuần điện hiện đại và cao cấp hơn ra đời có thiết kế đẹp hơn, công năng sử dụng cao hơn, thông minh hơn và đi được xa hơn. Nhưng e34 sẽ mãi là chiếc xe mang dấu ấn của những người tiên phong trong cuộc cách mạng chuyển đổi phương tiện di chuyển tại Việt Nam. Và đó cũng chính là lý do mà chúng tôi quyết định lên đường….