Vinaxuki – “giấc mơ không có thật”
Trước năm 2012, Vinaxuki của chủ tịch Bùi Ngọc Huyên thực sự là một “ông lớn” trong các doanh nghiệp xe Việt với khối tài sản lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Đi lên từ nhập khẩu phụ tùng, đóng thùng, chế tạo khung sườn đơn giản và lắp ráp các xe tải nhỏ từ năm 2004, chỉ sau 8 năm, doanh nghiệp phụ tùng Xuân Kiên đã thành tập đoàn Vinaxuki với hàng vạn chiếc xe tải mang thương hiệu Vinaxuki đã lăn bánh khắp mọi miền đất nước. Lãi lớn nhờ sự thức thời, Vinaxuki thừa thắng dấn thân vào con đường chế tạo ra một chiếc xe du lịch đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam. Và bi kịch bắt đầu từ đó…
So với việc lắp ráp đơn giản các xe tải nhỏ phục vụ chủ yếu cho thị trường nông thôn thì xe con lại là lĩnh vực quá tầm với về năng lực kỹ thuật cũng như tài chính của Vinaxuki. Những chiếc xe mẫu đầu tiên đem tới triển lãm Vietnam Motor Show 2012 trông na ná chiếc Deawoo Matiz có giá bán tới 310 triệu đồng. Thực chất thì, những chiếc xe con dán logo Vinaxuki nó chỉ giống ô tô thôi chứ chưa phải là ô tô. Mua máy dập thân vỏ của Trung Quốc, mua động cơ Trung Quốc và giới thiệu cái giá gần gấp đôi một chiếc xe “tàu”, những mẫu xe con Vinaxuki ấy đã đánh dấu chấm hết cho 1 thập kỷ rực rỡ của một doanh nghiệp ô tô Việt. Giấc mơ xe Việt sẽ mãi là “giấc mơ không có thật” với ông kỹ sư già Bùi Ngọc Huyên. Di sản để lại của Vinaxuki chính là những kinh nghiệm xương máu mà các “ông lớn” khác sẽ phải thuộc nằm lòng khi vẫn còn nhen nhóm giấc mơ xe Việt.
Vinfast – giấc mơ lớn xây từ con số 0
Quyết định xây dựng thương hiệu xe Việt của tỉ phú Phạm Nhật Vượng có lẽ sẽ là một trong những “giấc mơ” gây ngạc nhiên và giàu tính phiêu lưu nhất của lịch sử ô tô Việt Nam. Là một tập đoàn lớn bậc nhất Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản và dịch vụ nghỉ dưỡng, Vingroup có trong tay tiềm lực tài chính vô cùng hùng hậu khi bắt đầu xây dựng thương hiệu Vinfast – một cái tên mà chỉ cách đây đúng 2 năm, nhiều người Việt Nam còn nhầm tưởng là tên một tập phim hành động ăn khách của Mỹ.
21 tháng là thời gian mà Vinfast đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động một nhà máy chế tạo và cho ra đời những chiếc ô tô hoàn chỉnh đầu tiên – điều mà ngay cả các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô trên thế giới cũng không tin vào tai mình. Khi tạo nên 1 chiếc xe từ con số 0, Vinfast đã thuê các nhà thiết kế xe hơi hàng đầu thế giới tại Ý, mua công nghệ động cơ và nền tảng khung sườn từ BMW, cùng hàng trăm những đối tác lớn khác trên khắp thế giới cung cấp đủ cấu kiện chế tạo. Và đương nhiên, cái giá phải trả cho bước đi thần tốc từ con số 0 chính là tiền, rất nhiều tiền đã được tập đoàn Vingroup bỏ ra để biến giấc mơ thành sự thật.
Không thể phủ nhận Vinfast đã có những bước đi hết sức bài bản và mạnh mẽ, các mẫu xe Lux A và SA khá đẹp, sang trọng, mang triết lý thiết kế độc lập và khó trộn lẫn. Rất dễ để nhận diện thương hiệu Vinfast khi bắt gặp những chiếc xe lăn bánh trên đường.
Tuy nhiên, ô tô vẫn luôn là một lĩnh vực công nghiệp vô cùng phức tạp mà sự thành công của các hãng xe trên thế giới vẫn phải dựa trên nền tảng trầm tích đã đúc kết sau hàng thập kỷ, thậm chí sau cả trăm năm kinh nghiệm. Thế nên, dẫu đã chi rất nhiều tiền để tạo ra được những sản phẩm thương mại hoàn chỉnh đầu tiên, Vinfast vẫn không tránh khỏi việc gặp phải các vấn đề ở khâu hoàn thiện sản phẩm, đặc biệt ở phần nội thất và các hệ thống điện tử tự động. Dù đều tự hào với những chiếc xe đầu tiên mang thương hiệu Việt, nhưng tâm lý sính ngoại đã ăn sâu vào thói quen tiêu dùng của người Việt Nam nên những sản phẩm xe hơi Vinfast vẫn gặp nhiều khó khăn khi ra thị trường, nhất là khi sản phẩm của họ vẫn chưa đạt được độ tin cậy cao như các mẫu xe Nhật, Hàn đang phổ biến tại Việt Nam.
Một vấn đề nữa mà Vinfast cũng đang gặp phải khi đưa sản phẩm của mình ra thị trường, đó là họ chỉ chú trọng việc tiếp cận số đông khách hàng mà không sử dụng cách tiếp cận truyền thống của ngành ô tô. Bằng cách xây dựng mục tiêu bán hàng thông qua chính sách mà không phải thông qua sản phẩm, Vinfast khiến cho khách hàng Việt bị mơ hồ về giá trị cốt lõi của sản phẩm dù họ đã kỳ vọng rất nhiều về những mẫu xe LUX và đầu tư rất nhiều vào việc truyền thông cho nó.
Rõ ràng, với cách bán xe hơi như bán bất động sản, dẫn đến sản lượng không đạt như kỳ vọng, Vinfast đang phải chịu lỗ lớn khi quyết tâm thực hiện giấc mơ của mình. Đó cũng là một rủi ro không nhỏ đối với ngay cả một tập đoàn lớn như Vingroup.
Thaco – xây giấc mơ từ “Detroit của châu Á”
Sau 22 năm hình thành và phát triển, THACO đã trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó cơ khí và ô tô là chủ lực, đồng thời phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh bổ trợ cho nhau, tạo ra giá trị cộng hưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh, bao gồm: Nông nghiệp; Đầu tư xây dựng; Logistics và Thương mại Dịch vụ.
THACO là doanh nghiệp hàng đầu và có quy mô lớn nhất tại Việt Nam về lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô, với chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển sản phẩm (RD), sản xuất linh kiện phụ tùng, lắp ráp ô tô, đến giao nhận vận chuyển và phân phối, bán lẻ. Sản phẩm có đầy đủ các chủng loại: xe tải, xe bus, xe du lịch, xe chuyên dụng và đầy đủ phân khúc từ trung cấp đến cao cấp với doanh số và thị phần luôn dẫn đầu thị trường Việt Nam trong nhiều năm qua. Không quá khi nói rằng, Thaco đang có nhiều tham vọng gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành “Detroit của châu Á”.
Có thể nói Thaco đang có trong tay đủ hết từ hạ tầng phát triển cho tới bề dày kinh nghiệm lắp ráp và phân phối xe du lịch. Điều họ còn thiếu trong chuỗi phát triển của mình chính là tự phát triển một dòng xe du lịch mang thương hiệu Việt. Có trong tay đầy đủ các dây chuyền lắp ráp các thương hiệu xe Châu Âu (Peogeot), Nhật (mazda), Hàn (Kia), dường như Thaco đang muốn tự phát triển sản phẩm của riêng mình dựa vào cơ sở liên doanh sẵn có. Đây cũng là cách mà Trung Quốc đã phát triển thành công các mẫu xe nội địa của mình, Baic với Daimler, Briliace với BMW…
Các mẫu xe liên doanh được phát triển dựa trên cơ sở flatform và thiết kế động cơ của đối tác (thường là các mẫu flatform và động cơ đời trước) để tạo ra một sản phẩm mới hoàn toàn nội địa hóa có giá thành rẻ hơn nhiều so với các mẫu xe châu Âu. Điều này giúp rút ngắn đáng kể thời gian phát triển sản phẩm và thương hiệu bằng cách tận dụng các kinh nghiệm sẵn có của đối tác.
Thế nhưng, lại là nhưng, các hãng xe Trung Quốc cũng đang gặp phải một số vấn đề cốt lõi không dễ giải quyết, đó là việc họ thiếu hoàn toàn sự kế thừa và dòng chảy triết lý thiết kế sản phẩm – điều quan trọng tạo nên hướng đi lâu dài cho một thương hiệu xe hơi. Không khó để nhận ra các mẫu xe Trung Quốc dù giờ đây đã trở nên rất hiện đại và đẹp nhưng chúng luôn mang dáng dấp của sự cóp nhặt ngôn ngữ thiết kế từ các mẫu xe châu Âu đã thành công. Điều đó khiến cho thế giới luôn nhìn nhận những chiếc xe Trung Quốc như những sản phẩm “hạng 2”, dù sản lượng của chúng tại thị trường nội địa là rất đáng kể.
Một thương hiệu xe mới nếu muốn hướng đến tính toàn cầu, chắc chắn không thể không chú trọng đầu tư, xây dựng và phát triển định hướng ngôn ngữ, triết lý thiết kế phù hợp với thị trường và văn hóa của nước sở tại. Do đó, việc Thaco tuyển các kỹ sư thiết kế ô tô có lẽ chỉ là những bước thăm dò khởi đầu cho “giấc mơ xe Việt” của mình. Một doanh nhân luôn cẩn trọng và đầy mưu lược như chủ tịch Trần Bá Dương chắc chắn sẽ không dễ dàng bước vào một chuyến phiêu lưu mà không nắm chắc phần thắng. Tương lai còn ở phía trước và chúng ta chỉ có thể cùng chờ xem…
Khát vọng xe Việt
Một chiếc ô tô mang thương hiệu Việt, thực sự do người Việt Nam tạo ra là uớc mơ không chỉ của các doanh nghiệp ô tô quốc nội mà còn của cả triệu người Việt Nam suốt bao nhiêu năm nay. Sự phá sản của chính sách bảo hộ các doanh nghiệp ô tô nước ngoài tại Việt Nam sau 25 qua đã cho thấy một thực tế phũ phàng: không thể trông chờ vào sự hưng thịnh của một nền công nghiệp ô tô nội địa bằng những lời “hứa lèo” của các “nhà buôn” lọc lõi ngoại quốc. Xây dựng một con đường riêng cho ô tô thương hiệu Việt chỉ có thể dựa vào nội lực bản thân, dù cho con đường tới đích chắc chắn vẫn còn dài và cái giá để trả cho sự thành công là không hề nhỏ…