Tại nhiều bang ở Mỹ, nếu vi phạm nồng độ cồn khi lái xe lần đầu, bạn có thể bị giam 1 tuần; vi phạm lần thứ hai trong 5 năm sẽ là 30 ngày, còn nếu tái diễn lần thứ 3 thì khung hình sẽ ít nhất là 3 tháng. Từ lần thứ 3 trở đi, bạn bị coi như là tội phạm, bị tước một số quyền công dân cơ bản như bầu cử hoặc sở hữu vũ khí tự vệ; đó là chưa kể khoản phạt và chi phí khổng lồ bạn phải trả cùng thời gian bị tước bằng, cấm lái xe kéo dài nhiều năm và công cuộc thi lại bằng lái vô cùng gian nan. Trong trường hợp xấu hơn, bạn lái xe và gây ra tai nạn, bất luận hoàn cảnh như thế nào, bạn cũng sẽ là người phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, từ chi phí tổn thất có thể lên đến triệu đô cho đến truy cứu trách nhiệm hình sự…
Nhiều nước trên thế giới đã coi hành vi say sỉn khi lái xe là một loại tội phạm, thay vì chỉ xử phạt hành chính, tài xế sẽ lập tức bị tra tay vào còng và bị đối xử như một tội phạm cần được ngăn chặn khẩn cấp. Tại sao chỉ uống có vài cốc bia mà lại phải đi tù, có khắt khe quá không? Hoàn toàn không!
Các nước phát triển đều đã trải qua giai đoạn phát triển “bùng nổ” phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe hơi, và họ cũng đã từng phải trả một cái giá rất đắt cho hành vi mà tại nước ta lâu nay vẫn coi như chuyện thường ở huyện: lái xe sau khi uống rượu bia.
Một người lái xe máy say xỉn có thể gây nguy hiểm cho người khác, nhưng hầu như họ sẽ tự gây nguy hiểm cho bản thân trước bởi xe máy chỉ có 2 bánh. Nhưng với một chiếc xe hơi thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác, 1 chiếc xe 4 bánh sẽ không thể đổ xuống vỉa hè và nó sẽ đi theo hơi men của người lái, trở thành một công cụ giết người vô cùng nguy hiểm mà không ai cản nổi. Do đó, việc nếu nước ta không có biện pháp răn đe phù hợp thay cho việc phạt hành chính bằng tiền, thì sẽ vẫn còn nhiều người vô tội phải bỏ mạng dưới những bánh xe vô tri. Sẽ chẳng có ai dám chắc chắn rằng bữa tối có được về ăn cơm cùng gia đình hay không khi mà ngoài đường đầy rẫy những lái xe say xỉn…
Hà Nội có hàng ngàn quán bia, nhà hàng, liệu có bao nhiêu phần trăm số người rời khỏi những bữa tiệc “trăm phần trăm” chịu bắt taxi về và gửi xe cá nhân ở lại? Ít lắm! Mọi người đều “tao chưa say” và đều tự lái xe về. Điều này hiển nhiên tới mức hầu như không ai cảm thấy có gì bất ổn, và vì thế, sự bất ổn ngày một nhiều hơn…
Anh bạn tôi ở Mỹ bất chợt thay đổi 180 độ trở thành người khác hẳn chỉ sau 1 lần “trót dại” bị cảnh sát yêu cầu thổi cồn trên đường. Không nói tới số tiền phải chi trả cho sự trót dại đó, chỉ nói riêng tới những rắc rối đeo đẳng anh ấy hằng năm trời khi mắc phải lỗi này đã đủ làm anh ấy “tởn đến già”. Và câu chuyện đó đủ để những người khác buộc phải nghĩ thật kĩ khi bước chân lên xe sau bữa nhậu.
Đã đến lúc, các nhà lập pháp cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc hơn, có những biện pháp và chế tài “rắn” hơn việc chỉ phạt thật nhiều tiền. Bởi tiền, dù có thu nhiều đến bao nhiêu, cũng vẫn không bao giờ đủ để bù đắp những mất mát về sinh mạng do những kẻ say xỉn gây ra. Đừng chần chừ nữa, hay cứu lấy những sinh linh vô tội bằng những hành động cấp thiết và quyết luyệt nhất…