Chuyện vắn F1 (P4): Red Bull Racing – Từ lon nước tăng lực tới đội đua danh giá bậc nhất hành tinh.

Red Bull Racing trong lịch sử của mình gắn liền với nhiều sáng chế vượt trội khiến nhiều đội đua F1 khác phải học theo…

Hồi những năm 80 của thế kỷ trước, ở Thái có một gia đình nổi danh nhờ kinh doanh một thứ nước uống được cho là giúp người dùng tỉnh táo, thứ nước uống có tên “Krating Daeng”. Một ngày đẹp trời năm 1987, sau một thời gian thương thảo với chủ thương hiệu “Krating Daeng”, Dietrich Mateschitz, một nhà tài phiệt người Áo thành lập công ty Red Bull GmbH tại Thái Lan với phần sở hữu 51% thuộc về Chaleo Yoovidhya, chủ sở hữu Krating Daeng (trong tiếng Thái có nghĩa là Bò Đỏ – Red Bull).

Reb Bull lựa chọn cho mình phong cách làm thương hiệu khác người khi không đi theo hướng truyền thống mà lựa chọn cách xây dựng Red Bull mang tính huyền bí. Họ đặt slogan cho mình là “Red Bull gives you wings”. Họ tài trợ cho những môn thể thao mang tính mạo hiểm hay các màn trình diễn mạo hiểm.

Nhưng đó là khi họ đã có thương hiệu Red Bull. Còn mối lương duyên của “bò đỏ” với Formula 1, giải đua xe danh giá nhất hành tinh thì đã bắt đầu từ trước đó, năm 1985. Gerhard Berger, một tay đua có hạng người Áo bất ngờ gặp một doanh nhân ngay trước thềm chặng đua năm đó tại Áo. Người đàn ông này chính là Dietrich Mateschitz. Gerhard được đề nghị tài trợ bản thân và cho đội đua của anh, chỉ một vấn đề duy nhất là cty của Dietrich chưa thành lập và lúc đó tiền chưa có.

Nghe như chuyện đùa nhưng rất may Gerhard đã bỏ qua được sự nghi ngờ của mình và đồng ý. Nhưng ở thời điểm đó, công ty còn chưa có tên chứ đừng nói đến logo. Phải sau đó một thời gian Red Bull mới được thành lập tại Thái Lan và logo của Red Bull bắt đầu xuất hiện trên mũ của Gerhard và trong 2 chiến thắng của anh ở 2 chặng cuối mùa giải Gerhard trong màu áo Ferrari. Gerhard đã bước lên bục nhận giải với lon Red Bull trên tay. Đó là cách mà Red Bull bước chân vào thế giới Formula 1, với tư cách là một nhà tài trợ rất nhỏ.

Red Bull, từ một nhà tài trợ nhỏ đã trở thành đội đua danh tiếng bằng định hướng tài trợ cho các môn thể thao mạo hiểm và thực hiện kế hoạch đào tạo tay đua trẻ thông qua các đội đua ở những hạng dưới, nổi tiếng nhất phải kể đến đội đua RSM Marko. Đây là đội đua tranh tài ở giải F3 và F3000 thành lập năm 1989.

Năm 1999 sau một thời gian dài hưởng tài trợ từ Red Bull, RSM Marko đổi tên thành Red Bull Junior Team. Năm 2004, một đội đua tham dự các giải F2 và F3 là Arden International Motorsport do một cựu tay đua người Anh tên là  Christian Horner chuẩn bị một kế hoạch công phu để tham dự giải F1 vào năm sau đó. Christian dự định tham dự F1 thông qua việc mua lại đội đua Jordan nhưng mọi việc đổ bể do không thống nhất được mức phí chuyển nhượng với Eddie Jordan. Cùng thời điểm đó, Helmut Marko và Dietrich Mateschitz cũng lên kế hoạch đưa Red Bull lên F1. Christian Horner, Helmut Marko và Dietrich Mateschitz đã gặp nhau với cùng một mục tiêu.

Năm đó Christian mới 31 tuổi, anh mong muốn lèo lái một đội đua F1 nhưng thiếu tiền. Còn Dietrich Mateschitz thì mong muốn sở hữu một đội đua F1 nhưng không có người thực hiện ước mơ đó. Đúng người đúng thời điểm. Dietrich mời Christian nắm đội trong 2 năm với mức lương khá thấp nhưng bù lại sẽ thưởng cho mỗi điểm mà đội đạt được một số tiền không nhỏ. Red Bull lúc đó nhắm mua Jaguar, đội đua chỉ giành vỏn vẹn 10 điểm trong mùa giải trước.

Năm đầu tiên nắm đội, Christian giành được 34 điểm với 12 điểm đầu tiên giành được ngay tại chặng đua đầu tiên của mùa giải 2005. Thừa hưởng những gì Jaguar để lại, Red Bull dùng động cơ Cosworth cho mùa giải 2005. Năm 2006, đội đua chuyển sang dùng động cơ của Ferrari. Cũng mùa giải đó, Adrian Newey gia nhập Red Bull từ McLaren. Cùng năm 2006, Red Bull mua lại đội đua Minadi của Ý và đổi tên thành Toro Rosso, tiếng Ý có nghĩa là Bò Đỏ. Toro Rosso trở thành đội đua vệ tinh của Red Bull, nơi đào tạo các tay đua trẻ của Red Bull trước khi chuyển họ lên đội chính.

Năm 2007 Red Bull chuyển sang sử dụng động cơ Renault và kỷ nguyên của Red Bull bắt đầu từ đây với sự kết hợp của Adrian Newey và động cơ Renault. Tuy vậy, cũng phải mất vài năm, Red Bull mới giành chức vô địch đầu tiên cùng tay đua Sebatian Vettel trên chiếc RB6 (2010).

NOIDA, INDIA – OCTOBER 27: Race winner and 2013 Formula One World Champion Sebastian Vettel of Germany and Infiniti Red Bull Racing celebrates in front of the crowd on the main straight following the Indian Formula One Grand Prix at Buddh International Circuit on October 27, 2013 in Noida, India. (Photo by Paul Gilham/Getty Images) *** Local Caption *** Sebastian Vettel

Red Bull Racing trong lịch sử của mình gắn liền với nhiều sáng chế vượt trội khiến các đội khác phải học theo. Khi Red Bull có Adrian Newey, người được gọi là thầy phù thủy về khí động học thì việc ông biến những thiết kế cơ khí tưởng chừng không liên quan gì đến khí động học phải phục vụ cho việc sinh downforce là điều đương nhiên… Và khi đó, thế giới F1 có “Exhaust Blown Diffusor” hay EDB.

Chỉ có điều, bất chấp những thành công vang dội của mình, Red Bull vẫn không được coi là “ông lớn” bởi họ vẫn phụ thuộc vào động cơ của hãng khác. Họ đã từng cực kỳ thành công với Renault, nhưng khi Renault trở lại với tư cách “work team” thì họ đã lập tức “ra rìa”. Giờ đây, hy vọng mọi chuyện sẽ khác khi “bò đỏ” có sự kết hợp với Honda, ít nhất là cho đến khi Honda chưa quay lại với tư cách “work team”…

Lân Phạm

Bình luận