Một thầy giáo đi bộ trên hè suýt bị một chiếc ô tô đang lao ngược chiều đâm phải, anh thầy giáo lên tiếng nhắc nhở và lập tức bị tài xế xe hơi xuống đánh vỡ đầu. Câu chuyện này đã trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên cộng đồng mạng. Hàng trăm comment đa chiều đã tạo nên một cuộc tranh cãi bất tận về một vấn đề mà cứ ngỡ là hiển nhiên: Cái sai cần phải được lên án, hành vi côn đồ cần phải được nghiêm trị. Thực tế dư luận đã diễn ra không hẳn như vậy, đó là điều cần phải suy nghĩ…
Bên cạnh những dư luận thảng thốt, phẫn nộ, thông cảm, xót xa… cho thầy giáo hiền lành thì cũng có rất nhiều những phản hồi trái chiều kiểu như “không phải việc mình”, “rỗi hơi bị ăn đòn kêu gì”, “đánh cho nhớ lần sau đừng có làm thay việc chính quyền” hay “hèn thế không dám đánh lại còn kêu gì”…
Người thầy giáo ấy có “hèn” không? Tôi tin chắc là không. Anh ấy đã dám lên tiếng trước một hành vi sai trái, điều mà rất nhiều người đã không làm hoặc không dám làm. Người thầy giáo ấy có “hèn” không khi trên tay chỉ là tập giáo án đối dầu với một gã côn đồ trên xe lúc nào cũng sẵn hung khí. Tôi tin những người chứng kiến sự việc mới là kẻ hèn nhát khi không dám can thiệp để bảo vệ lẽ phải.
Vô cảm hay ích kỉ, tôi không biết đó là “căn bệnh” dễ lây lan đến thế trong một xã hội mà càng ngày người ta càng thờ ơ trước những hành vi sai trái. Sự sai trái sẽ dần trở thành bình thường khi không có ai phản đối. Khi ai cũng cho rằng đó không phải là việc của mình, thì người đứng ra nói lên lẽ phải bỗng trở nên lạc lõng, cô đơn như chàng Trương Chi gửi tiếng sáo của mình vào muôn trùng sóng vỗ. Và nhờ đó, cái sai “lớn mạnh” thành cái ác và thắng thế.
Người thầy giáo đăng dòng trạng thái của mình lên mạng không phải để tìm kiếm sự trả đũa, anh ấy đơn giản chỉ tìm kiếm sự đồng cảm về một hành động mà anh ấy tin là đúng đắn. Ấy vậy mà…
Có tới quá nửa số comment thắc mắc tại sao không “liều chết” phân tài cao thấp với gã lái xe côn đồ kia? Tin tôi đi, một xã hội mà ai cũng có thể trở thành “hảo hán” thì chắc chắn xã hội đó đang trong thời loạn lạc mà thôi. Một xã hội không cần đến lý lẽ phải trái mà chỉ phân định bằng nắm đấm thì chắc chắn chỉ có trong thời trung cổ. Ấy thế mà, ở một góc nào đó của cuộc sống đang diễn ra, những điều kể trên vẫn đang tồn tại, và đó chính là điều mà chúng ta cần suy nghĩ.
Một xã hội văn minh được hình thành không chỉ bằng luật pháp hay các chế tài xử phạt mà còn phải bằng văn hóa, phẩm giá và lòng tự trọng. Mỗi lần chúng ta tặc lưỡi làm ngơ trước những hành vi sai trái trước mặt là mỗi lần chúng ta tự “bổ một gậy” vào lòng tự trọng và phẩm giá của mình. Lên án một hành vi thiếu văn mình, đó là điều chắc chắn nên làm. Và ngày hôm qua, sự văn minh đã bị “đánh vỡ đầu”…
Phạm Minh