F1 là sự kiện thể thao tốc độ lớn nhất hành tinh, điều này khỏi phải bàn cãi và việc bất cứ ai muốn được tận mắt chứng kiến cuộc đua là điều dễ hiểu, nói gì tới việc được đóng góp chút sức mình cho sự kiện này…và khi nó lại diễn ra ngay tại đất nước mình nữa thì còn gì bằng.
Có điều thông tin nhiều khi không đầy đủ nên dẫn đến nhiều ngộ nhận và chỉ tới khi các bạn tham gia các buổi huấn luyện các bạn mới vỡ mộng và từ đó con số một Ngàn người đăng ký tham gia ban đầu nhanh chóng tụt xuống thê thảm nếu đơn vị tổ chức không thận trọng.
Tin hay không tùy các bạn nhưng những điều sau đây cần được cân nhắc kỹ lưỡng khi các bạn quyết định đăng ký tham gia làm Race Official:
1. Race Official về thực tế là các tình nguyện viên làm việc không công dù ban tổ chức có những đãi ngộ nhất định thì các bạn cần xác định rằng sẽ không có lương.
2. Race Official không dành cho tất cả mọi người. Những vị trí này cần những con người có tình yêu đặc biệt cho motorsport nếu không các bạn sẽ thấy công việc này nó nhàm chán thế nào bởi 80% thời gian của các bạn làm việc khi cuộc đua không diễn ra và khi nó diễn ra thì các bạn sẽ phải làm việc cật lực hơn.
3. Race Official không phải là vị trí có đặc quyền. Phải xác định rõ ràng rằng các bạn sẽ không được theo dõi cuộc đua khi nó diễn ra đâu.
4. Có tới hơn 100 vị trí official khác nhau làm việc cho 1 chặng đua và nếu không may các bạn sẽ rất có thể thấy mình sẽ đứng phát tờ rơi hướng dẫn khán giả tới xem tại một trạm xe bus cách đường đua vài KM.
5. Bản thân vị trí marshal cũng được chia làm hơn chục vị trí với chức năng và nhiệm vụ khác nhau…từ anh quét đường đến anh phất cờ…nhiều lắm và sẽ rất mệt nhưng mà vui nếu các bạn là được thực sự đam mê.
6. Pitbuilding yêu cầu thẻ ra vào đặc biệt và đương nhiên không phải anh official nào cũng có tấm thẻ đó.
7. Pitlane còn đặc biệt hơn, nó không phải là chỗ cho tất cả mọi người. Những năm gần đây FOM và FIA nới lỏng quy định việc cho khán giả tham quan pitlane nên ở một số chặng khán giả sẽ có cơ hội vào thăm quan pitlane trong một khoảng thời gian nhất định…nhưng tin không vui là nếu bạn được phân công nhiệm vụ trong khu vực đó thì thời gian này là lúc bạn phải làm việc căng thẳng nhất.
8. Và điều quan trọng mình muốn các bạn hiểu là chặng đua Formula 1 là sự kiện của FIA quản lý về kỹ thuật và FOM nắm quyền thương mại. Do vậy chặng đua tại Việt Nam không do bất cứ một thực thể pháp lý nào của Việt Nam quản lý hết, mọi thứ do FIA quyết định và đội ngũ Official trực tiếp điều hành chặng đua là người của FIA dưới quyền một người mang tên Michael Masi chứ không phải các bạn ngay cả khi các bạn nó title Senior Official.
Có lẽ rắc rối xuất phát từ việc tiếp cận vấn đề khi những khái niệm chung bị hiểu không đúng, hay nói cách khác ông nói gà bà nói vịt dẫn đến câu chuyện chả đâu và đâu và những tranh cãi không cần thiết dễ diễn ra.
Ở góc độ người đăng ký hay ở đây chúng ta gọi là Tình Nguyện Viên – TNV. Tình nguyện viên với đúng nghĩa đen là những người tình nguyện tham gia một công việc nào đó và đương nhiên làm tình nguyện thì sẽ không có lương, như đã nói ở trên. Tuy không có lương nhưng phía nhà tổ chức sẽ có những chế độ đãi ngộ nhất định kèm với những hỗ trợ giúp các TNV có thể thực hiện công việc của mình một cách tốt nhất.
Nhưng hiện nay các TNV phải tự trang trải chi phí đi lại khi đến tham dự các buổi tập huấn. Với các TNV đến từ Hà Nội và các vùng lân cận việc đi lại không mấy khó khăn và họ có thể lo được, nhưng với các TNV đến từ miền Trung hay các tỉnh miền Nam việc di chuyển ra Hà Nội sẽ phát sinh một chi phí không nhỏ. Di chuyển bằng xe liên tỉnh hay tầu hỏa tuy rẻ nhưng sẽ tốn thời gian. Ngược lại bay một chuyến khứ hồi ra Hà Nôi lại không hề rẻ. Những TNV này hẳn phải có niềm đam mê rất lớn với thể thao tộc độ mới bỏ tiền nhà ra như vậy trong khi việc được sử dụng là chưa chắc chắn và những hỗ trợ là không có.
Về phía đơn vị tổ chức mà cụ thể ở đây là VMA, họ bỏ chi phí thuê đơn vị tư vấn AGPC thực hiện tất cả các cong việc đào tạo. Chương trình đào tạo bao gồm nhiều giai đoạn cho nhiều vị trí khác nhau. Thậm chí việc đào tào còn bao gồm cả việc đưa các TNV đi thực hành tại các chặng đua phù hợp như Singapore hay Trung Quốc trước khi quay về áp dụng tại chặng đua ở Hà Nội. Chi phí bỏ ra cho chương trình đà tạo này là không hề nhỏ và nếu một TNV nào bỏ cuộc sẽ là tổn thất rất lớn cho đơn vị tổ chức không chỉ ở chi phí vật chất mà còn ở việc tìm người thay thế.
Sẽ là dễ hiểu và hoàn toàn có thể thông cảm khi nhà tổ chức yêu cầu TNV ký các cam kết tham dự đến cùng và yêu cầu bồi hoàn chi phí đào tạo nếu TNV bỏ ngang. Từ góc độ đơn vị tổ chức tôi tin rằng họ không hề muốn kiếm tiền từ việc bắt đền các TNV. Điều khoản bồi thường cốt để các TNV có trách nhiệm hơn với lá đơn đăng ký của mình.
Ngược lại với TNV, khi bị ràng buộc trách nhiệm họ sẽ đặt câu hỏi về quyền lợi bởi trách nhiệm luôn đi đôi với quyền lợi. Điều này hết sức bình thường. Những quyền lợi không thực sự rõ ràng, những ưu đãi không thiết thực chắc chắn sẽ không thuyết phục được những TNV còn đang phân vân, chưa nói đến những TNV còn chưa hiểu hết trách nhiệm của một TNV.
Nhiều người nói tôi đã từng tham gia TNV rất nhiều các giải đua tổ chức ở VN rồi nên tôi hiểu TNV là như thế nào. Xin thưa TNV ở các giải phong trào đó chẳng là gì để đem ra kể bởi nếu thẳng thắn nhìn vào những gì TNV ở các giải đó làm chúng ta sẽ dễ dàng thấy cảnh họ túm năm tụm ba nói chuyện trong lúc làm việc, chụ hình, thậm chí selfie khi cuộc đua đang diễn ra và nguy hiểm hơn, họ cổ vũ các tay đua đang tranh tài. TNV tại một giải đua tầm cơ như F1 thì với thái độ làm việc như vậy các bạn sẽ không bao giờ được sử dụng. Sad but True!
Không ai thích những điều ngạc nhiên cả, nhất là khi những điều đó lại không có lợi cho mình do vậy việc TNV không được thông tin về việc ký cam kết bồi thường chỉ khi họ tới dự khóa đào tạo họ không vui là điều dễ hiểu. Mình tin rằng nếu đơn vị tổ chức chỉ cần khéo léo hơn trong khâu tổ chức và cung cấp thông tin đến các TNV trước mỗi khóa đào tạo mọi việc có thể sẽ rất khác.
Mọi sự khởi đầu đều khó khăn nhưng không phải là không làm được, quan trọng là phải đúng người, đúng thời điểm!
Lân Phạm