Thể thao tốc độ luôn gắn liền với lịch sử phát triển của ngành công nghiệp xe hơi cũng như sự thịnh hành của xe hơi trong đời sống xã hội. Chiếc xe đầu tiên với động cơ hơi nước được thiết kế và chế tạo bởi Ferdinand Verbiest vào năm 1672 và chiếc xe với động cơ đốt trong đầu tiên ra đời vào năm 1807 bởi hai anh em nhà Niepce là Nicephore và Claude. 60 năm sau, cuộc đua xe hơi đầu tiên được ghi nhận diễn ra vào lúc 4h30 sáng ngày 30/8/1867 với quãng đường 8 dặm Anh.
Kể từ đó các cuộc đua diễn ra thường xuyên hơn. Những ngày đầu, các cuộc đua được thực hiện nhằm mục đích kiểm tra sự bền bỉ và tính tin cậy của những chiếc xe thời đó nhưng theo thời gian các cuộc đua trở thành sân chơi mà ở đó không thể vắng mặt các ông lớn trong làng xe thế giới.
Hãng xe danh tiếng Ferrari xuất thân từ niềm đam mê của một tay đua – Enzo Ferrari. Đây là trường hợp tiêu biểu của sự gắn kết giữa sản xuất những chiếc xe có thể khiến bất kỳ ai cũng phải mơ được sở hữu với đội đua Công thức 1 lừng danh Scuderia Ferrari. Giải đua công thức 1 không thể thiếu cái tên Ferrari và thực tế trong suốt lịch sử hơn 72 năm của mình cái tên Ferrari chưa bao giờ vắng bóng.
Những không chỉ có Ferrari, những người khổng lồ khác trong làng xe hơi thế giới như Mercedes, BMW, Ford cũng luôn gắn mình với các giải đua xe danh tiếng.
Đua xe nói chung và thể thao tốc độ nói riêng luôn luôn là một cuộc chơi tốn kém và đòi hỏi sự đầu tư dài hơi. Vậy tại sao các hãng xe chấp nhận sự đầu tư đắt đỏ đó? Câu trả lời sẽ đưa chúng ta quay về những ngày đầu của những cuộc đua xe đầu tiên ở thế kỷ 17. Trường đua là nơi thử nghiệm của công nghệ, không chỉ công nghệ chế tạo thân vỏ, khung gầm hay động cơ mà thậm chí nó là nơi thử nghiệm của nhiên liệu cũng như các sản phẩm phụ trợ khác.
Audi và Peugeout tham gia giải đua danh tiếng Le Mans để thử nghiệm hệ thống động cơ diesel của mình trong khi Porsche thử nghiệm hệ thống hybrid. Tất cả nhưng gì họ thu được đều dần dần được áp dụng trên các dòng xe thương mại và người tiêu dùng chúng ra sẽ là những người hưởng thành quả.
Ở Châu Á có thể kể đến hai ông lớn Toyota và Honda, họ đầu tư những khoản khổng lồ vào các giải đua danh tiếng. Tại Nhật có hai đường đua F1 đạt chuẩn gồm Fuji Speedway và Suzuka thì Fuji Speedway sở hữu bởi Toyota và họ dùng đường đua này làm nơi thử nghiệm xe của mình. Suzuka sở hữu bởi Honda và chỉ còn vài ngày nữa, ngày 7/10/2019 chặng đua F1 thứ 17 của mùa giải sẽ diễn ra tại đường đua này.
Các hãng có thực sự kiếm lời từ doanh số tăng do tham gia các giải đua? Câu trả lời là đương nhiên. Năm 2013 Honda thuê nhà tư vấn độc lập khảo sát thị trường tại các chặng đua IndyCar và nhận ra rằng việc tham gia giải đua này có ảnh hưởng tích cực lên chính doanh số bán hàng của hãng.
Ở Việt Nam có lẽ ít người biết tới nhãn hiệu xe Luxgen từ Đài Loan. Đây là hãng xe mới, được thành lập vào năm 2009 và cho ra đời những sản phẩm tương đối bắt mắt. Tuy nhiên hãng xe không mấy thành công ở chính quê hương mình mà một trong các lý do là sự thờ ơ của hãng xe với những sự kiện thể thao tốc độ trên chính đất nước Đài Loan.
Ferrari đang vực dậy cái tên Alfa Romeo bằng cách cung cấp động cơ của mình cho đội đua Sauber dưới thương hiệu Alfa Romeo. Renault hỗ trợ nhãn hiệu Infinity của Nisan bằng cách cung cấp động cơ cho đội đua RedBull Racing dưới tên Infinity.
Có rất nhiều cách để xây dựng tên tuổi thông qua đua xe và thể thao tốc độ. Đưa giải đua Công thức 1 danh tiếng về Việt Nam là một ý tưởng hay và trong khi chúng ta còn đang hy vọng Việt Nam sẽ thành công với giấc mơ xe Việt thì ngay lúc này người Thái đã tổ chức thành công giải đua MotoGP lần đầu tiên được tổ chức tại đất nước họ.
Nhưng đó là góc nhìn từ các hãng xe. Thực tế là nếu chúng ta không sẵn sàng tổ chức hay chí ít là tạo điều kiện cho việc tổ chức các giải đua xe với quy mô nhỏ, tương tự những gì Honda và Yamaha đang làm với các giải đua xe motor thì xây dựng thể thao tốc độ mãi chỉ là là khẩu hiệu hô cho vui.
One-Design là tên gọi của loại hình đua xe tốc độ dựa trên một mẫu xe nào đó của một nhà sản xuất. Ở đó tất cả các xe là giống hệt nhau và nó sẽ là nền tảng rất tốt để xây dựng thể thao tốc độ cũng như đào tạo các tay đua song song với môn gokart. Trên thế giới có rất nhiều loại hình One-Design racing như vậy. Nổi tiếng nhất có thể nói đến Volkswagen Scirocco R-Cup, giải đua sử dụng mẫu xe Scirocco của Volkswagen.
Hay không nói đâu xa, nhìn ngay sang quốc gia láng giềng Malaysia, họ có giải đua Vios Challenge do Toyota Gazoo Racing hậu thuẫn. Đây là giải đua được tổ chức như một lễ hội thể thao tốc độ. Một chặng đua diễn ra trọn vẹn trong hai ngày cuối tuần. Xe được sử dụng là bản Vios 1.5J MT nhưng được độ để có thể chịu được môi trường ganh đua khắc nghiệt mà chiếc xe bản thương mại không thể chịu được. Ngoài các cải tiến về cánh gió giúp chiếc xe nhìn cho ra dáng một chiếc xe đua, những cải tiến bên trong thực sự khá ấn tượng với hệ thống ống xả, hệ thống côn hiệu năng cao với bộ vi sai trống trượt LSD, hệ thống treo thể thao cứng hơn, hệ thống phanh và đương nhiên là bộ lồng chống lật.
Nếu chúng ta có những giải đua One-Design như vậy thì cơ hội cho các tay đua trẻ cọ sát thêm ở những định dạng đua xe cao hơn gokart và chắc chắn sẽ là cơ hội để các tay đua trẻ tích lũy kinh nghiệm. Hồi tháng 4 vừa qua tay đua 14 tuổi Hayden Haikal người Malaysia đã lần đầu tiên giàng chiến thắng tại 1 chặng đua của giải Vios Challenge diễn ra tại đường đua Sepang. Haikal là tay đua gokart và tranh tài cùng lúc ở giải đua của Toyota. Chiến thắng đã giúp Haikal thu hút sự chu ý của một số đội đua tên tuổi tại Malaysia cũng như các quốc gia lân cận.
Việt Nam hoàn toàn có thể tổ chức giải đua như vậy. Các hãng xe như Toyota có lẽ sẵn lòng mang giải đua này tới Việt Nam bởi sức nóng của thị trường xe hơi tại đây. Những tên tuổi lớn hơn như Mercedes hay BMW dù là những cái tên đình đám nhưng bấy lâu nay chưa thấy họ đả động gì đến vấn đề này. Có lẽ họ có những vấn đề riêng cần giải quyết. Mercdes thì quá chăm chú vào hoạt động Mercedes AMG Track Experience với tay đua Vinh Gaz69 bạn mình làm Instructor hay BMW cũng có chương trình tương tự. Có điều đây là những chương trình đậm tính quảng cáo sản phẩm với khách mời là các tay viết về mảng xe cộ hay các tay reviewer mảng xe, chẳng liên quan gì tới motorsport. BMW bây giờ thậm chỉ còn khó hơn khi về tay của một doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước. Nhưng dù sao cũng phải công nhận rằng chương trình Mercedes AMG Track Experience hết sức thành công, bằng chứng là hiện giờ nó phải tạm dừng vì danh sách đặt hàng xe A45 AMG dài quá và khách hàng lại phải dài cổ ra đợi hàng về!
Nhưng chúng ta đã sẵn sàng đón nhận nó chưa? Có lẽ là chưa. Về cơ sở vật chất, hiện nay ngoài đường đua tại Mỹ Đình đang xây dựng thì chúng ta chẳng có chỗ nào khác. Đường đua Đại Nam có lẽ là sẵn sàng nhất nhưng với chiều dài đường đua chỉ 2,5km thì cũng rất khó cho giải đua này. Nhưng nếu ASN của Việt Nam được thành lập và có kế hoạch xây dựng môn thể thao tốc độ thì đây chắc chắn là một lựa chọn tốt để bắt tay vào làm tức thì. Và tôi tin các hãng xe khác tại Việt Nam đặc biệt là các nhà sản xuất xe trong nước sẽ không bỏ qua cơ hội to lớn này.
Lân Phạm