Malacca – Sự giao hòa của văn hóa Đông – Tây
Nằm cách thủ đô Kuala Lumper 250km về phía man, Malacca là một thành phố cổ kính, nơi từng là thuộc địa Bồ Đào Nha nhiều thế kỉ trước, cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Thành phố tọa lạc hai bên bờ sông Malacca, gần cửa sông nơi dòng sông đổ ra eo biển Malacca, ven bờ Ấn Độ Dương. Với hướng gió thuận lợi, nguồn nước ngọt dồi dào và vùng bờ biển có thể tiếp nhận tàu thuyền lớn neo đậu, Malacca từng là thương cảng lớn quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ. Ngày nay, Malacca còn được biết đến như là một trong những điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách khi đến Malaysia.
Từng là cố đô, thành phố cổ xưa nhất của Malaysia, Malacca từng là nơi tụ họp sầm uất của các thương nhân đến từ nhiều quốc gia. Sự giao thương quốc tế, cũng như quá trình xâm chiếm của nhiều cường quốc đã khiến Malacca tồn tại nhiều màu sắc dân tộc và những đạo giáo khác nhau, hiện diện trong đời sống, kiến trúc và văn hóa nơi đây. Có thể dễ dàng nhận ra sự hòa hợp giữa các nền văn hóa Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh cùng tồn tại. Đây đó, vẫn bắt gặp nét văn hóa Hồi giáo với những thiếu nữ trong trang phục kín đáo đặc trưng.
Dòng sông Malacca vắt ngang chia thành phố thành hai nửa Đông – Tây rõ rệt. Phía Đông là khu trung tâm mang dáng dấp của những khu phố cổ theo kiến trúc của châu Âu. Ở đây có những dãy nhà cổ cao hai, ba tầng sơn màu đỏ hay màu cam điểm xuyết thêm những khung cửa xanh lá mạ, nằm giữa vườn cây xanh mát.
Đứng trên ngọn đồi cao xanh mướt cỏ và xen lẫn bụi hoa vàng rực, tôi có thể ngắm thành phố Malacca bên dưới với những nếp nhà xinh xắn. Xa xa tầm mắt là vịnh Malacca bên bờ Ấn Độ Dương xanh thẳm. Trên đỉnh đồi, Thánh đường Pauls chỉ còn là phế tích với những bức tường đá hoang lạnh, loang lổ dấu vết thời gian và tượng Saphia cụt tay in hình giữa vòm trời.
Gần đó là pháo đài A’Famosa, một trong những công trình lưu giữ nét kiến trúc phương Tây ở châu Á. Nơi này từng là một quần thể kiến trúc rộng lớn nhưng sau khi bị thực dân Hà Lan xâm lược, tất cả đã dần biến mất, hiện chỉ còn di tích tường thành sót lại.
Từ trung tâm thành phố, băng qua chiếc cầu vắt qua con sông Malacca về phía Tây là khu phố người Hoa sầm uất và đầy màu sắc. Khu phố này được coi là điển hình về quy mô, kiến trúc của một khu phố cổ. Do tới đây vào ngày giữa tuần, tôi đã lỡ mất dịp thưởng ngoạn khu chợ trời được họp vào cuối tuần giữa lòng phố cổ với những cố gái người Hoa lanh lảnh mời khách và những món ăn đường phố đầy hấp dẫn.
Đi dạo giữa những lâu đài cổ rêu phong, tôi chợt dừng bước trước thanh âm trong trẻo của tiếng vĩ cầm do một người nghệ sĩ già bên hè phố trình diễn. Khác với thủ đô Kuala Lumper sôi động, hiện đại, Malacca là một thành phố tĩnh lặng, thanh bình với những nếp nhà hai tầng tường trắng mái đỏ giữa um tùm cây lá, với những cây râm bụt làm hàng rào bên cạnh dòng sông Malacca êm đềm.
Giữa không gian dịu mát của mùa thu, còn gì tuyệt bằng việc ngồi cùng bạn bè trong một tiệm cà phê nhỏ bên dòng Malacca, ngắm nhìn những bức bích họa đủ màu sắc và ánh sáng lấp lánh đổ xuống mặt sông từ những khách sạn sang trọng. Nhìn những con thuyền chở khách lướt nhẹ trên dòng nước êm đềm, gió từ mặt sông thổi vào quyện với mùi cà phê thơm nức, tôi chợt thấy cuộc sống như chậm lại, thư thái hơn…
Trải nghiệm cao tốc và cơn mưa nhiệt đới
Rời Malacca trong ánh bình minh trong trẻo, chúng tôi chạy một vòng qua các khu phố xinh xắn rồi ra đường cao tốc để ngược lên phía bắc để tới cao nguyên Genting, một thành phố nhỏ cách không xa Kuala Lumper về phía bắc. Hành trình ngày hôm nay kéo dài hơn 300km từ phía nam lên phía bắc theo con đường quốc lộ AH2 xuyên quốc gia.
Là một quốc gia có hình dáng trải dài theo trục Bắc – Nam kéo dài hàng ngàn km, Malaysia có hệ thống đường cao tốc huyết mạnh rất hiện đại lên tới 8 làn đường cùng hệ thống camera giám sát dày đặc. Đây là hệ thống đường theo kiểu BOT như ở Việt Nam nên không hề ngạc nhiên khi chúng tôi di chuyển qua quãng đường 300 km mà gặp tới 6 trạm thu phí.
Điểm khác biệt đầu tiên với đường cao tốc tại Việt Nam là hệ thống đường cao tốc tại Malaysia cho phép xe máy lưu thông cùng xe hơi. Do số làn đường nhiều nên người ta quy định rõ tốc độ tối thiểu và tối đa cho từng làn. Tuy vậy, mặc dù có quy định tốc độ tối đa của làn ngoài cùng là 120km/h nhưng theo các tài xế bản địa, bạn có thể chạy thoải mái ở làn ngoài cùng mà không lo bị bắn tốc độ do làn này được quy ước là làn để vượt xe. Bên cạnh đường cao tốc có thu phí là đường quốc lộ miễn phí 4 làn đường với tốc độ tối đa chỉ là 80km/h.
Điểm khác biệt thứ 2 là Malaysia có lực lượng cảnh sát du lịch dẫn đoàn khá đông đảo, chuyên hoạt động trên các tuyến đường cao tốc, giới hạn hoạt động tại các mỗi tỉnh có đường cao tốc đi qua. Nhờ cảnh sát du lịch chạy mô tô dẫn đường, đoàn chúng tôi đã di chuyển suốt 300km với tốc độ trung bình lên tới trên 120km/h. Những chiếc Honda Goldwing của cảnh sát dẫn đường chạy cực kì êm ái với tốc độ rất cao. Các cảnh sát đều có kĩ năng điều khiển xe điêu luyện và đặc biệt rất thân thiện với anh em chạy mô tô đến từ các quốc gia. Cái vẫy tay chào của các anh cảnh sát khi chia tay đoàn tại trạm thu phí cuối đường là một trong những hình ảnh gây thiện cảm nhất với tôi trong chuyến đi này.
Điểm khác biệt thứ 3 là trên đường giao thông, người ta không phân biệt loại phương tiện khi phân chia làn đường mà chỉ phân chia theo tốc độ. Bạn sẽ không bao giờ lo bị phạt khi đi các làn đường khác nhau nhưng chắc chắn sẽ nhận biên lai của cảnh sát tại trạm thu phí nếu đi không đúng tốc độ tối thiểu được quy định rất rõ theo làn. Điều này đảm bảo việc các xe máy, xe ô tô có công suất nhỏ sẽ không bao giờ “dám” đi ra làn ngoài có tốc độ di chuyển trung bình rất cao. Nếu vi phạm và gây tai nạn, chủ xe sẽ phải chịu hoàn toàn việc đền bù cho các bên bất kể ai đâm vào ai, thậm chí là ra tòa nếu tai nạn nghiêm trọng.
Sau hơn 1 giờ chạy xe trên cao tốc AH2, chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi tại một cây xăng ven đường. Lúc ngồi trên xe thì chỉ có thể tập trung vào tay lái chứ không dám ngó nghiêng hay chuyện trò gì với ai bởi đội dẫn đoàn chạy rất nhanh và yêu cầu mọi người phải theo sát đúng đội hình, các xe cách nhau không quá 15m. Chạy tốc độ trung bình lên tới 130km/h mà đi sát nhau như vậy quả thực khá căng thẳng với những người chưa quen như chúng tôi. Thời gian dừng chân chính là lúc mà mọi người xả hơi thực sự, chuyên trò rôm rả về hành trình, về độ “phê” của mỗi chiếc xe… Thời tiết tháng 10 ở Mã Lai khá mát mẻ nhưng luôn rập rình những cơn mưa bất chợt cuối mùa. Nhìn ra phía chân trời bắt đầu ngả màu xam xám, chúng tôi giục nhau lên xe “chạy” cơn mưa. Điểm đến của buổi trưa hôm nay là Bukit Tinggi, một ngọn núi nhỏ dưới chân cao nguyên Genting nằm ở phía bắc thủ đô Kuala Lumper.
Mưa. Cơn mưa xứ nhiệt đới ào tới nhanh và dữ dội hơn rất nhiều những cơn mưa rào mùa hạ ở Việt Nam. Không ai kịp mặc áo mưa, cũng không có tín hiệu dừng xe của trưởng đoàn, chúng tôi vẫn lầm lũi bám đuôi nhau chạy. Những bộ quần áo bảo hộ cũng không thể chịu nổi cơn mưa mịt mù, tầm quan sát lúc này chỉ khoảng vài chục mét. Ướt, lạnh, khả năng nhìn đường hạn chế nên việc bám đuôi xe đi trước trong đoàn trở nên rất khó khăn. Sau hơn chục km đi dưới mưa, đoàn dừng chân tại một cây xăng bên đường. Điểm lại quân số, đoàn các nước đều đã có người bị lạc, may mắn đoàn Việt Nam không thiếu ai.
Ly cà phê nóng mua trong cửa hàng tiện ích Seven Elevent quả thực là liều doping hữu hiệu cho tinh thần của cả đội. Chúng tôi đứng đợi các thành viên đi sau trong câu chuyện rôm rả bên cột bơm xăng, cơm mưa ào ạt khi nãy giờ đã ngớt và ai cũng ngóng được tiếp tục lên đường.
Để đảm bảo an toàn cũng như tránh lạc mất thành viên, đoàn xe được chia làm 6 đoàn nhỏ theo từng quốc gia, mỗi đoàn nhỏ sẽ có 1 lái xe dẫn đoàn của nước chủ nhà tới điểm đã hẹn tại Bukit Tinggi. Những lúc khó khăn thế này, mới thấy tự hào về khả năng thích nghi hoàn cảnh và tính đoàn kết, bao bọc lẫn nhau của đoàn Việt Nam. Là đoàn duy nhất không để lạc thành viên nên chúng tôi xuất phát lên đường trước các đoàn khác và có mặt tại Bukit Tinggi đầu tiên. Trong mọi diễn biến bất thường trên đường thì việc giữ vững đội hình chạy xe là điều vô cùng quan trọng, nó cho phép các thành viên dễ dàng quan sát và ra tín hiệu cho nhau khi di chuyển. Đây có lẽ là bài học quan trọng trong kĩ năng phối hợp nhóm khi đi mô tô đường trường mà chúng tôi lần đầu được trải nghiệm. Bữa trưa nóng hổi tại Bukit Tinggi là phần thưởng xứng đáng cho các thành viên bé nhỏ đến từ Việt Nam…
Khám phá “khách sạn ma” The First World
Con đường quanh co dẫn lên cao nguyên Genting với những cánh rừng thông cổ thụ, mặt đường rộng, nhẵn mịn, chạy quanh co uốn lượn tuyệt đẹp. Do đường lên xuống riêng biệt nên cung đường trở thành nơi lí tưởng cho các tay lái cảm nhận khả năng của xe qua từng khúc cua. Hình ảnh đoàn xe mô tô kéo dài gần cây số trên con đường uốn lượn như dải lụa lên cao nguyên Genting là một trong những kí ức đẹp nhất hành trình…
Nếu Malacca là một thành phố du lịch thanh bình của du khách quốc tế thì ngược lại, Genting là một trong những tổ hợp giải trí và sòng bài lớn nhất Châu Á. Cảm giác đầu tiên khi tới Genting là trông nó chả khác gì… Tam Đảo ngoại trừ các khối nhà to đồ sộ trông khá giản đơn bên ngoài. Cũng mịt mù mây phủ, cũng góc tường rêu phong vì độ ẩm vùng núi cao, nhưng khi bước chân vào sau cánh cửa khách sạn thì mới thực sự bị giật mình…
Phía sau vẻ ngoài đơn giản của khách sạn First World nơi tôi tới là một không gian tiền sảnh khổng lồ với hơn 100 quầy checkin và gần ngàn người đang sếp hàng làm thủ tục. Quang cảnh trông giống như một sảnh sân bay quốc tế khổng lồ, thực sự choáng ngợp. Theo thông tin giới thiệu thì khách sạn có tới 6.118 phòng, lớn thứ 3 thế giới, mỗi năm đón cả triệu lượt du khách tới đây. Khách tới đây tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi cuối tuần… nhưng hoạt động chủ đạo vẫn là: Đánh bạc. Hầu hết du khách là người Mã, người Sing gốc Hoa, một số lượng không nhỏ người Hoa đại lục cũng sang đây thử vận may. Tuyệt nhiên không thấy bóng dáng người Mã gốc Ấn hay những người đạo Hồi.
Có lẽ, máu cờ bạc là một trong những tính cách đặc trưng của người Hoa. Theo thông tin từ một anh bạn người Mã cùng đoàn, khách tới đây nếu mua một số lượng phỉnh nhất định sẽ được miễn phí phòng nghỉ và ăn bufet 3 bữa. Do đó, hầu hết số phòng nghỉ tại đây đều là phòng miễn phí phục vụ khách tới đánh bạc. Tuy nhiên, đây lại là một trong vài khách sạn có nhiều giai thoại ma khá lạnh gáy nổi tiếng nhất thế giới…
Sau khi checkin khách sạn, tôi được nhân viên lễ tân phát cho một tờ sơ đồ đường về tới phòng và dặn kĩ không được làm mất nếu không muốn bị lạc. Quả thực, với hàng nghìn phòng nghỉ trải rộng khắp qua 50 thang máy, việc không thể tìm được đường về phòng của mình là rất dễ xảy ra. Dãy hành lang hẹp vắng hoe dài hun hút với ánh sáng trầm trầm rất dễ làm những người yếu bóng vía cảm thấy sợ.
Theo trang Tripzilla, khách sạn First World được liệt vào danh sách 8 điểm đến ma quái có thật, hay trang Stuff cũng cho rằng đây là một trong những khách sạn “bị ma ám” ở châu Á. Theo đó, thang máy ở tháp số 1 (tower 1) bỏ qua tầng số 21 không rõ lý do. Thang máy chỉ hiển thị tầng 20 sau đó chuyển tiếp sang tầng 22 luôn. Điều này đã trở thành căn nguyên của nhiều lời đồn ma quái.
Nhiều hành khách đã thử bấm từng tầng đơn lẻ, tức là bấm từ tầng 19 lên đến tầng 20, sau khi thang mở ra lại bấm lên tầng 22 để so sánh thời gian và phát hiện ra rằng quãng thời gian là như nhau. Vì thế, tầng 21 của tháp 1 không tồn tại. Thậm chí có khách còn đi thang bộ để kiểm chứng và phát hiện ra điều tương tự, sau biển tầng 20 là tầng 22.
Có ý kiến cho rằng, 21 có thể là một con số không may mắn như số 4 của người Trung Quốc hay số 13 của người phương Tây. Khách du lịch lên Genting đa phần để chơi bài nên vấn đề tâm linh, may mắn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, ở tháp số 2 (tower 2) , chuyện này lại không xảy ra, tức là vẫn có tầng 21 như bình thường, nên giả thiết này khó có cơ sở.
Trong các tin đồn về tầng 21 bí ẩn ở First World, người ta nhắc đến nhiều nhất là câu chuyện về vụ án một cô gái làng chơi đến từ Trung Quốc bị sát hại rồi giấu xác dưới gầm giường ở tầng 21 nhưng không có bằng chứng hay tin tức chính thống nào ghi lại sự kiện này. Trên thực tế, nhiều vụ tự tử do thua bạc được ghi nhận tại đây nhưng không có dữ kiện chi tiết nào nhắc đến tầng số 21 tháp 1.
Dù chưa có cơ sở nào xác thực nhưng khách nghỉ tại tòa tháp này vẫn được khuyên rằng nên mở toang rèm cửa, dội nước nhà vệ sinh và bật hết đèn khi vào phòng, như một liệu pháp trấn an tinh thần…
Tuy rùng rợn là vậy, nhưng sau một ngày hành trình đầy mệt mỏi, tôi cùng anh em trong đoàn đi lang thang mua ít đồ lưu niệm tại các dãy cửa hàng trong khách sạn rồi quay về phòng đánh một giấc tới sáng mà quên béng mất câu chuyện ma quái mà tôi vừa được nghe kể. Một đêm thật ngon giấc, tôi cá rằng ngay cả người sống đánh thức tôi dậy còn khó chứ nói gì tới hồn ma bóng quế. Mai sẽ là một ngày đặc biệt khi đoàn chúng tôi sẽ cùng nhau khởi hành tới Sepang – “thánh đường” của tốc độ và gặp gỡ nhà vô địch Marc Marquez của giải đua xe mô tô danh giá nhất thế giới: MOTO GP2017.
Đón đọc phần 3: Sepang – “thánh đường” tốc độ