Honda Monkey 125: bé hạt tiêu, giá hạt điều

Với mức giá 85 triệu đồng niêm yết, điều gì đã khiến Honda Monkey có mức giá ngang ngửa một chiếc SH150 như vậy?

Ngược lại quá khứ, những chiếc Minibike như Monkey ra đời tại Nhật vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Hồi đó, Minibike được định nghĩa là những chiếc xe có dung tích xy-lanh dưới 90cc. Về sau này, với sự phát triển của Minibike, định nghĩa này được mở rộng ra thành kết cấu với các kích thước cơ bản như chiều dài cơ cở, chiều cao yên, tỉ lệ giữa các bộ phận trên xe thay vì định nghĩa bằng dung tích xy-lanh như trước.

Thú chơi Minibike ở các nước phương Tây.

Ban đầu, những mẫu Minibike đầu tiên có mục đích là trở thành một trò chơi cho trẻ em trong các công viên và làm phương tiện di chuyển cho những dịch vụ đô thị như đưa hàng, chuyển văn thư… Nhưng chính bởi vì vô cùng nhỏ gọn và phù hợp để chạy trong đô thị tại Nhật, những mẫu Minibike dần trở thành một thứ đồ chơi đúng nghĩa của dân độ Nhật, là thứ để họ thể hiện những ý tưởng cũng như cái tôi của mình. Những chiếc Minibike đời đầu có thể kể đến hàng loạt những cái tên đã đi sâu vào tiềm thức người Việt như Honda Cub – Chaly – Dio, những mẫu xe có dung tích dưới 90cc. Sau này, Honda giới thiệu chiếc Honda MSX vào năm 2014 hay như chiếc Monkey 125 trong bài viết

Honda Monkey lần đầu tiên xuất hiện tại Mỹ vào năm 1968 với cái tên Honda Z50, sở hữu động cơ 49cc, bánh xe 5 inches cùng thiết kế lạ mắt, Honda Monkey bị trêu đùa rằng đây là chiếc xe dành cho một anh chàng giống người tí hon Oompa Loompas đang cố gia nhập Hell’s Angels – câu lạc bộ motor chiếm 1% trên toàn thế giới với các thành viên thường đi xe Harley-Davidson, Triumph và Vincent. Cái tên Monkey cũng được cho là bắt nguồn từ việc tư thế của người lái chiếc xe trông “như một chú khỉ đang lái xe đạp” với cánh tay và chân nhô ra, lưng có thể ở tứ thế thoái mà không cần quá “thẳng lưng lịch sự”.

Thế nhưng, mặc cho những lời trêu đùa ấy, Honda Monkey đã góp mặt trong rất nhiều trong những bộ phim của Mỹ vào thập niên 70, thậm chí, nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử từng sở hữu chiếc những chiếc Monkey như tài tử màn bạc Steve McQueen, trưởng nhóm nhạc The Beatle John Lennon,…

Honda Monkey 125 cùng Honda Cub 125 là hai chiếc xe mang phong cách “tân cổ giao duyên” được Honda Việt Nam cho ra mắt vào năm 2018. Tương tự như chiếc Cub 125, Monkey mang trên mình rất nhiều nét thiết kế của chiếc Z50 cổ điển pha lẫn hiện đại.

Chúng ta có một hệ thống đèn LED cho cả trước và sau, thiết kế tròn và tạo khối nổi. Thiết kế đèn pha của Monkey có nhiều nét tương đồng với các đàn anh Sport Neo Café nhưng cho hiệu suất chiếu sáng không quán ấn tượng, đủ để chiếu sáng trên những con phố Hà Nội nhưng sẽ “chìm nghỉm” khi vào những khu vực không có đèn đường. 

Cụm đèn chiếu sáng có thiết kế tương đồng với các đàn anh như CB650R, CB1000R,…

Phuộc trước dạng Up Side Down, được mạ một lớp Alumite cao cấp, phuộc sau sử dụng loại lò xo trụ đôi. Honda đã rất tinh tế khi sơn màu giảm xóc tương đồng với màu xe, khiến tổng thể của Monkey liền lạc hơn. Bộ phuộc Up Side Down mang đến cho chiếc xe cái nhìn hiện đại hơn, nhưng đồng thời cũng yêu cầu sự chăm chút đến từ chủ nhân, nếu không, khả năng bị chảy dầu là rất cao.

Honda Monkey sở hữu mộ lốp phong cách Bobber kích thước 120 – 130 cho trước và sau, mang đến sự vững chãi khi di chuyển, đồng thời, bộ vành làm từ hợp kim nhôm nhằm giảm trọng lượng tổng thể xe cũng như giảm sức nặng lên hệ thống phuộc. Bộ lốp gai lớn của Monkey cho chất lượng bám đường khá tốt trên cả mặt đường khô lẫn đường ướt. Hệ thống phanh Nissin với heo phanh 2 piston bánh trước và 1 piston phía sau cho hiệu suất phanh tốt ở dải vận tốc trung bình, lên tới dải vận tốc cao người lái sẽ cần “tỉnh táo” hơn để tác động đủ lực khiến chiếc xe dừng lại. Tuy nhiên, đây cũng không phải là điểm trừ bởi vốn dĩ, Monkey sinh ra không phải để chạy nhanh.

Phuộc trước của Monkey có một tấm che giúp hạn chế đất đá bắn vào gây xước ti phuộc, tăng tuổi thọ cho bộ phuộc này.
Cổ pô đi từ nắp máy, đi tới bầu lọc rồi vắt ngược lên ngang thân xe. Thiết kế này giúp chiếc mang đậm chất classic.

Di chuyển lên phần trên, bình xăng của Monkey có thiết kế hình giọt nước, sơn 2 màu và có dung tích 5.6L. Với mức tiêu hao nhiên liệu theo như Honda công bố là 1.55L/100km, với trải nghiệm thực tế, bình xăng của Monkey hoàn toàn đáp ứng được quãng đường di chuyển hơn 300km giữa mỗi lần nạp nhiên liệu.

Tay lái của Monkey đặt cao, kiểu dáng tay lái này thường được dân chơi Việt Nam gọi là “tay Khỉ”. Nhờ ghi đông cao nên dáng ngồi của người lái rất thoải mái, độ rộng của ghi đông vừa đủ kết hợp cùng thân xe nhỏ, việc luồn lách trong những con phố chật hẹp vô cùng dễ dàng. Tuy nhiên, có lẽ do xử lý dao động chưa triệt để nên chiếc ghi đông này rung “một cách khó hiểu” ngay từ khi xe chạy garanti.

Cụm đồng hồ của Monkey có kích thước nhỏ, có thiết kế tròn có viền mạ crom bóng. Một điều thú vị rằng đồng hồ chỉ hiện tốc độ 2 số, tức khi chiếc xe tới 99km/h, đồng hồ sẽ không nhảy tốc độ thêm nữa. Điều này càng khẳng định thêm rằng: đừng có chạy nhanh khi lái Monkey!

Khi bật khóa, đồng hồ sẽ hiện thị đồ họa hình chú khỉ chớp mắt chào rất dễ thương. Và đánh đổi cho sự dễ thương này, chúng ta sẽ không có hiện thị số cũng như vòng tua máy.
Yên của Honda Monkey là yên solo, làm từ vật liệu Urethane có độ đặc cao, cho cảm giác êm ái hơn hẳn so với yên làm từ vật liệu cao su truyền thống.

Honda Monkey sử dụng động cơ dung tích 124.9cc, đường kính x hành trình piston đạt 52.4mm x 57.9mm, sử dụng công nghệ phun xăng điện tử PGM-Fi đi cùng hộp sô 4 cấp. Động cơ này “y hệt” với động cơ sử dụng trên Honda MSX nhưng chỉ đạt 8.9 mã lực cùng 10.5Nm mo-men cực đại.

Bên cạnh đó, theo như Honda chia sẻ, khung thép ống của Monkey được tinh chỉnh để đạt được tỉ lệ cân bằng tối ưu giữa độ cứng và độ linh hoạt, mang lại khả năng vận hành tốt nhất cho xe, giúp người lái luôn cảm thấy thoải mái khi di chuyển trên các loại địa hình khác nhau. Vậy trải nghiệm chiếc xe này ra sao?

Thực tế cho thấy, việc chỉ phải tải khối lượng khô chỉ 101.3kg, “chú khỉ con” cho trải nghiệm gia tốc khá ổn. Những cú xoắn ga ở dải vận tốc từ 40 đến 70 km/h có độ phản hồi nhanh nhạy, đáp ứng ngay mo-men xoắn cho việc vượt xe hay một cú “lấy le” trên đường. Khi ở dải vận tốc trên 80km/h, Honda Monkey bắt đầu đuối dần và bắt đầu cho cảm giác động cơ phải gồng mình hơn để đáp ứng đủ tốc độ. Tiếp đó, khi lên đến vận tốc hơi cao, bộ phuộc mềm và bộ yên cao êm ái có thể là sự chiều chuộng người lái khi đi ở vận tốc thấp, trên những mặt đường gồ ghề những sẽ là điểm yếu chết người khi lên vận tốc cao, khi này, chiếc xe sẽ không còn vững chắc nữa, đồng thời, hiện tượng lạng tay lái cũng bắt đầu xuất hiện khiến cho những chủ nhân dù cứng tay đến đâu cũng sẽ chùn tay ga.

Tuy nhiên, một lần nữa, đây không phải nhược điểm bởi vốn dĩ, Monkey sinh ra để bạn đi thong dong trong phố hơn là lái xe theo phong cách thể thao.

Hộp số 4 cấp trên Monkey có quãng số dài nên khi lái xe trong phố, bạn sẽ không phải chuyển số quá nhiều. Tay lái đặt cao, máy êm, côn nhẹ, khoảng sáng gầm xe 162mm, vận hành “chú khỉ con” sẽ cho bạn cảm giác nhàn nhã đến bất ngờ dù bạn là người mới đến với côn tay lần đầu hay đã quen rà côn đến nhừ tay khi di chuyển ở đường Láng giờ tan tầm.

Trên trang chủ của Honda Việt Nam, Honda Monkey mang bên mình dòng slogan “Yêu phá cách, lách huyền, huyền thoại, chất chơi”. Chữ chất chơi được Honda nhấn mạnh đã nói lên rằng, Monkey ko phải là chiếc xe dành cho mọi người. Honda Monkey không còn đơn giản là một chiếc, nó là một thú chơi, là một món đồ chơi, món trang sức thu hút ánh nhìn khi bạn di chuyển trên đường. Hãy đừng đem những con số, những trang bị ra cân đo với mức giá 85 triệu đồng, Monkey là lời khẳng định cái tôi, cái khác biệt của chủ nhân.

Dám khác biệt, đó đã là một thành công!

Bình luận